Bóng đá Việt Nam: Bây giờ đã đến tháng 10

06/10/2012 14:33 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Cuối tuần) - Trong tháng 10 có bao sự kiện hệ trọng với bóng đá Việt Nam: tổng kết mùa giải 2012, họp ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt nam (VFF), đại hội thường niên VFF. Nếu không có  sự thay đổi quyết liệt trong hành động lẫn nhận thức của VFF, các bộ phận tham gia bóng đá chuyên nghiệp, không hy vọng gì bóng đá Việt nam thoát ra khỏi bức màn u ám hiện nay.

Tổng kết trong ngổn ngang

Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã gửi giấy mời cho các đại biểu đến dự hội nghị tổng kết mùa giải 2012 và chuẩn bị mùa giải mới 2013 vào ngày 6/10. Chương trình làm việc cũng na ná tiền lệ: Báo cáo tổng kết mùa giải 2012; thảo luận về báo cáo tổng kết; thảo luận bổ sung, sửa đổi một số nội dung của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp; kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải 2013; phương án thi đấu của ba giải đấu; bốc thăm, xếp lịch thi đấu cho ba giải…

Chưa năm nào, lễ tổng kết mùa giải lại diễn ra trong bối cảnh bùi ngùi và thiếu khí thế như hiện nay. Nói thế không có nghĩa VPF để lại dấu ấn mờ nhạt. Ngược lại, họ được ghi nhận đã làm được một số việc mà VFF không thể. Ví dụ, công tác trọng tài đã tốt hơn. Trọng tài là một bộ phận quyết định đến thành công của mùa giải, là nền tảng để từng bước hoàn thiện công tác điều hành tổ chức các giải chuyên nghiệp. Cơn bão tiêu cực năm 2005 dẫn đến cuộc thay đổi lớn với bóng đá Việt Nam cũng xuất phát từ trọng tài. Việc VPF ra đời, cũng có nguồn cơn là trọng tài, dẫn đến Hòa Phát Hà Nội bỏ bóng đá. Chỉ mới một mùa cầm cương, VPF đã đưa giải về đích với không ít tín hiệu tích cực, có thể chia sẻ với họ. Vết nhơ cuối mùa (Hà Nội T&T đá cù nhầy với Sài Gòn Xuân Thành để dìu SHB Đà Nẵng vô địch) suy cho cùng lỗi do VFF đã dung túng cho bầu Hiển được phép đứng trên luật để nắm giữ nhiều đội bóng.

Các ông bầu mới một năm trước còn nói về “hướng đi cho bóng đá Việt Nam”, bây giờ thì hàng loạt đội bóng chưa biết sống chết thế nào

Không may cho VPF, đoạn kết mùa giải 2012 cũng là thời điểm hàng loạt ông chủ thực sự đã rơi vào cuộc khủng hoảng về cả tài chính và niềm tin sau cuộc đốt tiền để đổi lấy những giá trị phù phiếm thông qua bóng đá. Đấy là hệ quả tất yếu của việc đi chệch định hướng bóng đá chuyên nghiệp. Lỗi chính là ai, nếu không phải là VFF, lẽ ra là người hoa tiêu của nền bóng đá nhưng lại thiếu năng lực định hướng, giám sát và lèo lái?

Hàng loạt đội bóng đang chưa biết sống chết thế nào. Sông Lam Nghệ An phải lùi ngày tập trung vì chưa có tín hiệu tái tài trợ từ Ngân hàng Bắc Á. SHB.ĐN như ngồi trên đống lửa sau khi bầu Hiển thoái vốn. Ở Navibank Sài Gòn, chủ tịch câu lạc bộ đang “tẩu vi thượng sách” khi có người hỏi đến tình hình nợ lương, thưởng cầu thủ trường kỳ… Thế thì, làm sao có thể vui được khi đến dự hội nghị tổng kết và còn xếp lịch, bốc thăm thi đấu mùa giải mới. Có lẽ, chỉ có nền bóng đá Việt Nam mới xảy ra tình trạng ban tổ chức xếp lịch, bốc thăm nhưng không xác định được sẽ có mấy đội tham gia. Nếu nói còn bao nhiêu đội sẽ đá bấy nhiêu thì quả là vô cảm, thiếu sự sẻ chia với khó khăn chung của các câu lạc bộ.

Đại hội thường niên: Màn tung hứng của VFF?

Thời loạn, sẽ là đất sản sinh hai loại người: anh hùng và gian hùng. Lịch sử bóng đá Việt Nam đã không ít lần chứng kiến những cá nhân tận dụng tình hình rối ren của bóng đá nội để mưu lợi cá nhân. Thời điểm này, bóng đá có thể hiểu đang “loạn” ở diện rộng.

Đề án trẻ hóa lực lượng chủ chốt của Bàn trọng tài và giới hạn tuổi của các giám sát ở mức 60 là câu chuyện gây nhiều tranh cãi nhất. Mặc dù có trong quy định của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) và châu Á (AFC), nhưng thư điện tử mà chúng tôi nhận được từ AFC cũng khẳng định đó không phải là một quy định cứng nhắc, mà các liên đoàn bóng đá thành viên có thể linh động áp dụng tùy theo hoàn cảnh. Hoàn cảnh hiện giờ của bóng đá Việt Nam, là chúng ta đang thiếu nghiêm trọng những giám sát có nghề, kinh nghiệm và uy tín cá nhân. Lẽ đó, quy định giới hạn tuổi có lẽ là vội vàng và không loại trừ, là một mưu đồ cá nhân, vừa lợi dụng danh nghĩa "những quy định của FIFA và AFC", vừa nhân lúc đại hội thường niên phải bàn nhiều việc lớn để dễ dàng thông qua một đề án nghe chừng "tích cực", nhưng thực ra là lợi bất cập hại.

Lịch sử bóng đá Việt Nam đã không ít lần chứng kiến những cá nhân tận dụng tình hình rối ren của bóng đá nội để mưu lợi cá nhân.

Trên thực tế, Ban trọng tài đã chứng minh được sự tiến bộ so với thời VFF nắm toàn quyền. Thế nhưng, thật buồn thay khi gần như chắc chắn bản đề án mới sẽ được thông qua ở cuộc họp Ban chấp hành VFF và đại hội thường niên. Đơn giản bởi quyết định sẽ là các ủy viên, vốn đa số đều là những ông “nghị gật”.

Từ ngày 10 đến 19/10, đoàn chuyên gia AFC sẽ sang khảo sát thực trạng của 14 câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Trước đó, rất nhanh chóng, VFF đã đưa vào nghị quyết thông qua đề án thành lập phòng cấp phép câu lạc bộ giao cho ban Tổng thư ký xúc tiến. Đề án này mang đậm dấu ấn của ông Dương Nghiệp Khôi, Tổng thư ký VFF và cũng gần như chắc chắn được thông qua tại cuộc họp Ban chấp hành VFF và đại hội thường niên.

Quy chế cấp phép cho các câu lạc bộ được chờ đợi sẽ là bước ngoặt giúp bóng đá Viết Nam phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, ngay cả việc quy chế được thông qua thì thực hiện nó là cả một vấn đề nan giải với tình hình thực tế hiện nay. Các câu lạc bộ chuyên nghiệp phải đáp ứng năm tiêu chí bắt buộc theo quy định của AFC: Tiêu chí thể thao, cơ sở vật chất, tổ chức-nhân sự, pháp lý và tài chính. Hiện giờ, chẳng có mấy đội đủ tiêu chuẩn. Trong đó, tiêu chí tài chính, dĩ nhiên không câu lạc bộ nào có lãi. Vậy thì, VFF và cái phòng cấp phép kia có dám cấm các câu lạc bộ không đủ tiêu chí từ mùa giải 2013? Đẻ ra phòng cấp phép thì dễ, nhưng giúp các câu lạc bộ thoát ra được cơn khủng hoảng toàn diện hiện nay để đáp ứng những yêu cầu của cái giấy phép mới là khó.

Sẽ có rất nhiều chương trình, nội dung quan trọng được đưa ra tại cuộc họp Ban chấp hành VFF và đại hội thường niên. Tuy nhiên, chúng tôi dự cảm sẽ lại màn tung hứng giữa các ủy viên ban chấp hành theo hướng có lợi cho VFF. Đây là thời điểm cần sự giám sát nhất từ Tổng cục Thể dục thể thao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tránh bị cấp dưới “xỏ kim”.

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao mới đây đăng đàn bảo VFF phải đột phá về nhân sự, có lẽ cần thêm: VFF cần có sự đột phá về chỉ số minh bạch.

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm