Bóng đá vị kinh tế

06/10/2011 13:53 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Cách đây chưa lâu, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình K+, trước câu hỏi về việc làm sao để VN trở thành điểm đến trong tour du đấu châu Á mùa hè của các CLB ở Premier League, ông Paul Molnar, trưởng ban Truyền thông BTC Premier League, đơn vị sở hữu bản quyền Premier League trên toàn thế giới, đã nói: “Đây là một vấn đề được thương thảo trực tiếp giữa các CLB bóng đá VN và các CLB Vương quốc Anh. Premier League không phải là đơn vị tham gia các cuộc thương thảo hoặc nắm rõ các tiêu chí mà mỗi CLB đặt ra để xác định quốc gia, thành phố hay CLB mà họ sẽ đến”.

Qua câu trả lời của ông Molnar thì có thể thấy dù được coi là BTC giải VĐQG làm ăn hiệu quả nhất thế giới hiện nay, nhưng BTC Premier League gần như chỉ tập trung vào nhiệm vụ duy nhất là tổ chức giải Ngoại hạng Anh sao cho thật “ngon lành” để Premier League thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với các CĐV yêu thích bóng đá ở Anh cũng như trên toàn thế giới, trong đó có VN, còn những vấn đề khác như du đấu giao hữu lại là chuyện riêng của từng CLB.


VPF khi ra đời chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ tổ chức V-League sao cho thật hấp dẫn chứ không phải để kiếm tiền

Nếu chiếu theo tiêu chí này, Cty CP bóng đá chuyên nghiệp VN VPF (Vietnam Professional Football) khi ra đời cũng chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ tổ chức V-League sao cho thật hấp dẫn, để lôi kéo khán giả trở lại sân cỏ và trong tương lai xa có thể nghĩ tới việc xuất khẩu V-League lên sóng truyền hình quốc tế. Bản thân bầu Kiên khi chấp bút viết bản đề án xây dựng VPF cũng nói rõ mục đích thành lập VPF là để “để điều hành tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp tại VN”.

Thế mà VPF còn chưa ra đời nhưng đã thấy bầu Kiên quyết liệt đòi VFF trả lại quyền sở hữu bản quyền truyền hình V-League, hay bầu Đức lên báo chỉ cách giúp VPF kiếm tiền. Thực tế mà nói, khi 28 CLB cùng nhất trí biểu quyết thông qua việc thành lập VPF, hẳn tất cả đều chờ mong sẽ có một BTC giải công tâm và chuyên nghiệp để tạo nên một sân chơi công bằng, chứ ít ai nghĩ tới chuyện chờ VPF kiếm tiền rồi được chia lại cổ tức.

Tuyệt đại đa số đội bóng ở V-League và giải hạng Nhất bây giờ đều có Mạnh Thường Quân hỗ trợ, không nhiều thì ít, thế nên sẽ ít có CLB nào kỳ vọng VPF sẽ biến thành một cái cầu cơm hiệu quả nhờ các hoạt động tổ chức sự kiện, kiểu như mời Arsenal sang VN hay cá cược thể thao, để họ được “thơm lây”. Như bài phỏng vấn HLV Hoàng Anh Tuấn của K.KH trên báo TT&VH ra ngày hôm qua, ông Tuấn cũng bày tỏ rằng lo lắng lớn nhất của ông là việc ai sẽ ngồi vào ghế trưởng BTC hay ghế trưởng ban Trọng tài, chứ chẳng phải các đội bóng sẽ nhận được lợi ích như thế nào về kinh tế nhờ năng lực kiếm tiền của VPF.

Nói một cách khác, sự ra đời của VPF được chờ mong là bởi các CLB muốn có một bộ máy điều hành giải có năng lực tốt hơn để thay thế BTC giải do VFF cử ra từ nhiều mùa bóng năm nay, và cơ chế thành lập BTC giải theo kiểu những CLB cùng góp cổ phần như VPF sẽ giúp các đội bóng cùng giám sát lẫn nhau để hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra tiêu cực, chứ không phải chung tay thành lập VPF để mong VPF sẽ biến thành một cỗ máy in tiền mang lại lợi nhuận khổng lồ.

Chẳng phải bầu Kiên vẫn dùng câu nói: “Bóng đá và kinh tế là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau” để đáp trả những ý kiến chỉ trích về việc bầu Kiên tuy là nhà kinh tế đại tài, nhưng ngót 10 năm làm bóng đá, dấu ấn lớn nhất của ông chỉ là việc thay tên đổi họ cho 4 CLB cùng chiếc Cúp QG ở mùa bóng 2008 đấy thôi sao?! Đúng là bóng đá và kinh tế khác nhau thật!

Hoàng Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm