Bóng đá trẻ Việt Nam: Cầm vàng mà để vàng rơi...

27/08/2014 16:07 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân dịp sát cánh cùng các cầu thủ U13 SLNA trong chuyến du đấu giao hữu tại Nhật Bản, chúng tôi nhận thấy rằng ở lứa tuổi thiếu niên, cầu thủ Việt Nam và cầu thủ Nhật Bản dường như không có quá nhiều sự khác biệt.

Nhưng vì nhiều lý do mà chỉ sau đấy vài năm, hầu như tất cả đều thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Người ta thường nói: “Trẻ nhỏ dễ dạy”, điều đó rất đúng với trường hợp của các cầu thủ đang ở độ tuổi thiếu nhi hoặc thiếu niên.

Khác biệt về môi trường làm nên khác biệt về ý thức?

Đây là giai đoạn mà các em bắt đầu hình thành sự thay đổi một cách rõ rệt từ nhỏ sang lớn nên vai trò dạy dỗ của người lớn là vô cùng quan trọng. Vì thế, cho dù giữa các cầu thủ nhí Việt Nam và cầu thủ nhí Nhật Bản hiện có khoảng cách không nhỏ về cách ứng xử cũng như kỹ năng sống, nhưng chỉ cần được người lớn nhắc nhở chu đáo thì các em cầu thủ U13 SLNA cũng có thể phần nào làm được như các bạn Nhật Bản.

Tuy nhiên, cái gì cũng cần phải có quá trình, và bởi vì các cầu thủ nhí Nhật Bản được đào tạo và xây dựng ý thức tự lập từ thưở nhỏ trong một môi trường hoàn toàn khác biệt so với chúng ta nên có những việc cầu thủ nhí Nhật Bản tự động thực hiện như  điều mặc nhiên, chẳng hạn như tuyệt đối không xả rác nơi công cộng thì chúng ta lại vẫn phải nhắc nhở vài lần mới thành thói quen.

Đến đây hẳn sẽ có người nói rằng vậy chúng ta hãy đầu tư kinh phí để đưa các tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam đi tập huấn tại những quốc gia có nền bóng đá tiên tiến hơn, chẳng hạn gần như Nhật Bản, hoặc xa là châu Âu, Nam Mỹ. Tuy nhiên, việc này nói thì rất dễ, làm cũng không quá khó, nhưng kết quả thế nào lại rất khó nói.

Thái Sung hay nỗi đau của một tài năng trẻ

Những người hâm mộ bóng đá Việt Nam chắc vẫn chưa quên Thái Sung, cầu thủ trẻ của Đà Nẵng từng được Học viện Aspire (Qatar) cấp học bổng đào tạo miễn phí rất bài bản trong 3 năm sau khi Thái Sung vượt qua hơn 4.000 thí sinh Việt Nam ở kỳ thi tuyển “Giấc mơ sân cỏ” năm 2009.

Bất chấp thiệt thòi về thể hình, Thái Sung vẫn xác lập được chỗ đứng vững chắc ở đội bóng của Học viện Aspire và cầu thủ này còn được Học viện Aspire giới thiệu sang thử việc tại các đội bóng châu Âu, nhưng vì SHB.Đà Nẵng yêu cầu nên Thái Sung đã trở về Việt Nam sau khi hoàn thành khoá đào tạo 3 năm.

Thế nhưng, ở một đội bóng mà chiến thuật chủ yếu được xây dựng là nhồi bóng ra 2 biên rồi lật vào cho tiền đạo ngoại binh dứt điểm như SHB.Đà Nẵng, lối chơi thiên về kỹ thuật và đầu óc của 1 cầu thủ nhỏ con như Thái Sung không có chỗ đứng.

Thêm nữa, tư duy chơi bóng kiểu nước ngoài mà Thái Sung được hình thành khi theo học tại Học viện Aspire dường như cũng không phù hợp với bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, hậu quả là Thái Sung phải rời SHB.Đà Nẵng và chuyển đến đội bóng hạng Nhất Đăk Lăk để tìm kiếm cơ hội cho mình.

Đủ tốt cho châu Âu nhưng không đủ tốt cho V-League?

Thật là nghịch lý khi một tài năng trẻ hứa hẹn từng được đích thân ngôi sao Frank Ribery của Bayern Munich khen ngợi sau khi tiền vệ này theo dõi Thái Sung thi đấu trong một trận giao hữu giữa Học viện Aspire với đội trẻ của Bayern Munich giờ lại không thể có chỗ đứng ở chính đội bóng quê hương.

Trò chuyện với chúng tôi về vấn đề này, một HLV chuyên làm công tác đào tạo trẻ cho biết trong câu chuyện kể trên thì bản thân Thái Sung hay CLB SHB.Đà Nẵng đều không có lỗi hoàn toàn. Nguyên nhân chủ yếu vì bóng đá Việt Nam vẫn tồn tại quá nhiều khác biệt so với những chuẩn mực chung của bóng đá thế giới, đặc biệt là trong công tác đào tạo trẻ, nên một tài năng trẻ được huấn luyện theo tư duy chiến thuật hiện đại của bóng đá nước ngoài như Thái Sung rất khó xác lập được vị trí của mình ở một giải VĐQG mà hầu hết các đội bóng đều chơi theo kiểu “trăm sự nhờ Tây” như V-League.

Cũng vì nhìn từ tấm gương của Thái Sung nên CLB của vị HLV chuyên đào tạo trẻ nói trên đã thẳng thừng từ chối lời mời của một CLB nước ngoài về việc đưa một tài năng trẻ của đội bóng này ra nước ngoài tu nghiệp, vì họ sợ rằng khi cầu thủ của mình trở về sẽ không thể thích ứng được với điều kiện thực tế của bóng đá Việt Nam.

Điều đó cho thấy một sự thực rằng bóng đá Việt Nam chưa và không bao giờ cạn kiệt hay khan hiếm tài năng, mà vấn đề là chúng ta có biết khai thác, phát hiện và chăm chút để tài năng ấy thực sự chín muồi hay không?

Hoàng Huy (từ Nhật Bản)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm