Bóng đá thời ‘chém gió’

08/10/2015 15:27 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chủ đề của ông chủ quán cà phê tuần này là về văn hóa bóng đá ở Việt Nam. Và khách mời là một ông bầu.

+ Ông chủ quán: Bóng đá Việt Nam có những phát ngôn thực sự thú vị. Hơn cả nhiều nền bóng đá đỉnh cao thế giới mà chúng ta có thể tiếp cận qua các phương tiện truyền thông.

- Ông bầu: Làm sao mà anh có thể khẳng định là nó hơn cả những nền bóng đá đỉnh cao.

+ Vì các nền bóng đá đỉnh cao châu Âu đều được truyền tải đầy đủ trên các báo thể thao Việt Nam thông qua việc tiếp cận các nguồn cung cấp trên các báo nước ngoài. Chẳng hạn, doanh thu và chi phí của 20 CLB Anh luôn được công bố trên các báo. Năm 2014 của Arsenal là 304 triệu bảng Anh, họ chi 166 triệu bảng cho lương, và lợi nhuận trước thuế là 5 triệu bảng. Trong khi với bóng đá Việt Nam thì cái gì cũng là bí ẩn. Như chuyện một CLB chi tiêu một mua hết bao nhiêu cũng tạo nên một sự tranh cãi.

-Nhưng công khai không phải là vấn đề riêng của một CLB bóng đá nào ở Việt Nam cả. Không mở rộng ra những lĩnh vực kinh tế xã hội khác, có nhiều vấn đề cần công khai ngay ở VFF như chuyện cái trung tâm bóng đá trẻ thu chi thế nào để cho sân tập xuống cấp tới mức đội tuyển bỏ đi tập chỗ khác nhưng tài chính của trung tâm này là một bí hiểm.


Bầu Hiển (phải) nổi tiếng về độ chịu chi và "máu" trong làng bóng đá Việt. Ảnh: V.S.I

+ Thực ra thì tôi không quan tâm lắm tới chuyện tài chính của các CLB hay của Liên đoàn. Mà tôi thấy có sự thay đổi lớn trong bóng đá Việt Nam trong cách đánh bóng bản thân của các CLB. Chẳng hạn, mười năm trước, nếu ai đó nói rằng ông ta chỉ chi 15 tỉ cho đội bóng một mùa thì CLB của ông ta sẽ bị liệt vào hàng ngũ nhà nghèo, thiếu tiềm lực, và công chúng sẽ không quan tâm. Ngân sách thổi phồng càng to càng tốt. Mua một cầu thủ nếu cho rằng anh ta chỉ có giá 2-3 tỉ đồng sẽ bị cho là kém cỏi.

Nếu cũng cầu thủ đó mà nói rằng giá lót tay là 7-10 tỉ thì mới là đại gia. Nếu anh nói chỉ thưởng đôi ba trăm triệu cho một trận thắng thì cũng là bình thường, mà phải là thưởng 1 tỉ đồng mới chịu chơi. Tôi nhớ "đại chiến Gạch – Gỗ" ngày trước HAGL hay tiết lộ những khoản thưởng tiền tỉ như thế. Nó sau đó lan ra các CLB khác, được các ông bầu khác khi mới nhảy vào bóng đá áp dụng theo, từ Navibank, T&T, Ninh Bình... đều thế cả.  Còn bây giờ, sau khi đã vươn lên tầm "đại gia", người ta giấu các khoản thưởng, tuyên bố không thưởng cho mỗi trận thắng, làm bé đi các khoản chi kể cả ngân sách. Thậm chí có những con số làm kinh ngạc số đông.

-Nó chỉ đơn giản là vấn đề của chiến lược quảng cáo, markerting. Không thể cứ quảng bá một sản phẩm mãi theo một cách nào đó. Cũng giống như khi quảng cáo một chai nước. Một năm đầu tôi phải cho người ta nhớ tên chai nước. Một năm sau thì tôi tìm cách cho mọi người nhớ tới chất lượng của chai nước đó, và nó khác các chai nước khác cái gì. Chúng tôi làm bóng đá cũng đơn giản vậy thôi. Cứ làm sao mà mọi người nói đến tên của mình nhiều là được.

+ Làm bóng đá với các anh đơn giản thế sao?

-Cũng chỉ cần thế thôi nếu xét về góc độ làm thương hiệu ở V-League. V-League chỉ cần tuyên bố và tuyên bố. Bầu Kiên chỉ sau một lần đăng đàn ở Lễ tổng kết là thay đổi hẳn trong con mắt của dư luận dù ông trước kia bị coi là người làm suy yếu bóng đá Thủ đô. HAGL đá thì không quá đặc biệt, và họ chỉ trở nên hấp dẫn hơn nhờ các tuyên bố của bầu Đức trong khi danh tiếng lại được tạo dựng từ giải U19, tức là khi cầu thủ HAGL khoác áo đội tuyển và chơi ở sân chơi khác. Rôi khi bầu Đức tuyên bố xuống hạng cũng không sao thì một số người cả tin coi đó là tuyên ngôn của một người làm bóng đá không chạy theo thành tích, trong khi thực chất là đội bóng ấy chưa đủ khả năng để có một vị trí cao hơn nhóm nguy hiểm trên bảng xếp hạng.

+ Cách quảng cáo khác. Thế còn cách làm thì sao. Ông bầu như các anh có làm gì khác đi không?

-Có, có những điều khác biệt. Chúng tôi không phải phải đốt tiền trong những cuộc đua tranh mua cầu thủ. Cũng không phải treo những khoản tiền thưởng thật điên rồ để mua sự tận tâm, nỗ lực của cầu thủ. Nhưng bóng đá Việt Nam, không thưởng là chết. Đồng Tâm Long An đó. Nợ thưởng cầu thủ là lĩnh hậu quả luôn, họ đi từ một đội bóng chơi rất hay, có những kết quả tích cực tới chỗ một đội bóng mỗi trận có thể thua năm bảy bàn.

+ Điều cốt yếu nhất mà người hâm mộ như tôi quan tâm là các anh cứ nói, cứ "chém gió" thoải mái, nếu như điều đó có lợi cho thương hiệu, nhưng cuối cùng thì kết quả phải được trả lời trên sân. Mà trên sân thì anh thấy đấy, V-League không có nhiều những trận đấu đỉnh cao. Đội tuyển dưới thời ông Miura chưa đá với Iraq đã nghĩ đến chuyện thua.

Các anh nói đến mô hình CLB căn cơ, không treo thưởng lớn, chi ít tiền đi mới thực sự là bóng đá chuyên nghiệp, nhưng cuối cùng thì bóng đá chuyên nghiệp vẫn phải kiếm được ra tiền. Arsenal năm 2013 họ bán được 100 triệu bảng tiền vé, thu 121 triệu bảng khác từ bản quyền truyền hình, và họ có lãi. Tỉ lệ như thế đều từ 25-30% so với tổng doanh thu. Còn của các anh, tiền bản quyền truyền hình được thay bằng tiền hỗ trợ mà VPF chia tính ra có CLB chỉ nhận được vài chục triệu hoặc nhiều hơn là vài ba trăm triệu/mùa. Tính ra giỏi lắm chỉ được 1-2% so với một CLB có ngân sách từ 30-45 tỉ. HAGL là một ngoại lệ, nhưng cũng chưa nhằm nhò gì.  

-Thế nên, khi chúng tôi làm bóng đá chưa ra tiền, mà chỉ tạo nên thương hiệu để quảng cáo cho doanh nghiệp, thì các anh hãy để chúng tôi được quyền "chém gió". Cũng chẳng còn cách nào hơn lúc này.  

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm