Bóng đá Quân đội là một thời hoa lửa

06/02/2016 06:11 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, người từng gắn bó với bóng đá Việt Nam hơn 40 năm cho rằng các đội bóng quân đội đã một thời khắc sâu trong tim người hâm mộ chứ không chỉ phản ánh một quá trình phát triển. Và ông mong đợi một ngày được thấy những đội bóng quân đội được tái sinh.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng lâu nay vẫn được nhớ tới với tư cách một người từng là Tư lệnh Quân khu cũng đôi khi người ta coi ông như một ông bầu bóng đá khi đội bóng Quân khu 4 còn chưa bị giải thể. Nhưng tướng Hưởng còn kể, ông chính là một trong những cầu thủ được đá trận Nam– Bắc đầu tiên sau khi đất nước thống nhất. Ông kể, ngày 15/5/1975, đội Quân đoàn 3  về Bình Dương đá với đội Lã Bố - đội bóng do trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang làm đội trưởng. Chính cái duyên ấy mà sau này ông làm Chủ tịch đội bóng QK4 để rồi bóng đá luôn đồng hành trong sự nghiệp nhà binh của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng. Ông chia sẻ:

- Nhìn chung là bóng đá Việt Nam phát triển phụ thuộc vào nền kinh tế Việt Nam và phụ thuộc vào một số yếu tố khác. Để lấy gì so sánh thì chúng ta nhắc lại thời kỳ bóng đá đầu tiên khi miền Bắc đã giải phóng còn miền Nam thì chưa nhưng vẫn có nhiều đội bóng được hình thành phát triển rất mạnh như Thể Công, Tổng cục Bưu Điện, Tổng cục đường sắt, CAHN, CAHP, Sông Cấm, QK1, PQKQ... Trong khi đó, ở miền Nam theo tôi biết thì thời kỳ này cũng có nhiều đội bóng được thành lập như Cảng Sài Gòn, Lã Bố...

Những trận bóng đá ở các sân khi ấy đều chật ních khán giả và trở thành những ngày hội của người dân. Tuy nhiên, thời kỳ đó nói phát triển mạnh nhưng cũng chỉ có từng đấy đội bóng. Còn bây giờ, bóng đá chúng ta đã xã hội hoá khi các đội của ngành dần dần giải tán theo yêu cầu phát triển của xã hội. Bây giờ, quy mô chúng ta có các giải đấu từ giải Hạng 3 tới V-League. Tỉnh nào chúng ta cũng có đội bóng và số lượng cầu thủ bây giờ rất nhiều.

* Trong sự phát triển của bóng đá Việt Nam, thời thịnh có rất nhiều đội bóng áo lính mà ta có thể kể như Phòng không không quân, hàng loạt đội bóng Quân khu, Thể Công.... Song, kể từ khi bóng đá Việt Nam bước sang chuyên nghiệp V-League thì chỉ còn QK4 và Thể Công còn thi đấu nhưng rồi cũng chính thức xoá tên trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến việc các đội bóng quân đội chấm dứt vai trò lịch sử của mình?

- Thể thao quân đội nói chung phát triển toàn diện cả thể thao thành tích cao, thể thao phong trào không riêng gì bóng đá mà các môn thể thao khác cũng phát triển như bóng chuyền, bóng bàn, quần vợt. Thời điểm cao trào nhất thì trong toàn quân có rất nhiều đội bóng quân đội tham gia vào nền bóng đá Việt Nam. Nguyên nhân việc giải tán này là tất yếu khi các đội không có nguồn kinh phí để duy trì.

Bóng đá chuyên nghiệp  cần có các nguồn tài trợ nhưng các đội bóng quân đội chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí quốc phòng. Vì thế khi không đủ tài chính thì các đội bóng dần dần rút lui thành các đội bóng thể thao phong trào. Sau khi các đội giải thể  duy chỉ còn Thể Công và QK4 trụ lại được vì  những đặc thù riêng.


Tác giả và Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng

Đó là Thể Công được Bộ Quốc phòng thành lập và cái tên Thể Công cũng do Bác Hồ đặt cho nên để duy trì với Thể Công là điều cần thiết. Sau này Thể Công giải tán tôi cũng không nghĩ ra nguyên nhân vì sao nhưng theo tôi cũng vì kinh phí cả. Còn đội bóng QK4 trước đây được tồn tại khi tự chủ được nguồn kinh phí hoạt động không nhờ tài trợ của ngân sách quốc phòng.

Đội bóng QK4 do Bộ tư lệnh Quân khu 4 ký sắc lệnh thành lập nên nguồn kinh phí do Quân khu 4 đảm nhiệm. Để duy trì hàng năm cũng phải kêu gọi tài trợ. Có những mùa giải chúng tôi huy động được 10 tỷ/ mùa. Nhưng sau khi tôi nghỉ hưu 15 ngày thì CLB cũng bị bán và chấm hết cho vai trò của mình. Tiếc lắm!

* Vậy theo ông đâu là đặc điểm nổi bật nhất của các đội bóng quân đội mà các đội khác không có?

- Đó là tinh thần. Người lính đá bóng luôn giữ được tinh thần thể thao vì màu cờ sắc áo. Đội bóng nào tôi không rõ nhưng với QK4 chưa bao giờ tôi thấy một cầu thủ nào mất niềm tin vì đội bóng. Họ ra sân là công hiến cho khán giả chứ không phải vì tiền thưởng. Tôi từng nghe có nhiều đội trước khi đá cầu thủ hỏi HLV: “Sếp ơi, thắng trận này được thưởng bao nhiêu, hoà được bao nhiêu?”. Điều này ở QK4 là không bao giờ. Bản thân tôi là Tư lệnh nhưng khi đội bóng thắng muốn thưởng 30 -50 triệu phải họp thường vụ mới quyết được chế độ cho anh em.

Nhưng các anh em đâu có đòi hỏi về chuyển thưởng này thưởng nọ. Tôi nhớ có trận đấu QK4 chiến thắng vang dội trên sân Ninh Bình, tôi đi đón anh em về cũng chỉ thưởng được cho mọi người bát phở và 2 quả trứng vịt lộn. Anh em vui vẻ ăn uống xong về tập luyện bình thường. Có lẽ mức thưởng lớn nhất ở Quân Khu 4 là các cầu thủ được nâng quân hàm và bậc lương trước thời hạn. Nhưng chỉ một lần duy nhất với các cầu thủ xuất sắc và có nhiều cống hiến.


Ước muốn của nhiều người là được thấy Thể Công (áo đỏ) trở lại

Ngoài, ra tôi có thể nói một đặc thù mà các đội bóng khác không có là trên sân thi đấu có những đảng viên đá bóng. Thể Công, QK4 luôn có 4-5 đảng viên có mặt trên sân. Nói điều này ra thì có thể mọi người cho là không hấp dẫn, không đúng với thời đại. Nhưng tầm quan trọng của những đảng viên là rất lớn. Đây là những nòng cốt đê duy trì tinh thần anh em thi đấu trong những giai đoạn khó khăn và chỉ đạo cho các anh em khác bên cạnh vai trò của huấn luyện viên.

* Với những đặc thù như thế, theo ông có nên duy trì lại những đội bóng quân đội để làm đa dạng hoá nền bóng đá Việt Nam?

- Đến giờ này tôi khẳng định nếu có sự đóng góp của các đội bóng quân đội vào sự phát triển của nền bóng Việt Nam là lý tưởng nhất. Tôi mong muốn khôi phục lại những đội bóng đã in sâu vào tâm trí người hâm mộ như Thể Công, QK4. Phát triển bóng đá quân đội là phát triển theo hướng rèn luyện và đào tạo.

Tôi đã đi công tác nước ngoài nhiều, theo dõi bóng đá nhiều nước, tôi thấy họ đào tạo cầu thủ theo 3 tiêu chí đó là: thứ nhất phải là tấm gương tốt cho xã hội; thứ hai là phải là một cầu thủ giỏi (kỹ- chiến thuật); thứ ba là phải có nghề thích hợp khi giải nghệ.

 Điều này các đội bóng đá Việt Nam đang thiếu nhưng ở các đội bóng quân khu không khó. Khi có những cầu thủ mang áo lính đảm bảo về đạo đức lối sống sẽ luôn luôn tốt vì kỷ luật là sức mạnh của quân đội đây chính là tấm gương tốt cho xã hội. Hơn nữa với sự phát triển của các trung tâm, các đội bóng quân đội sẽ có nhiều lựa chọn đầu ra cho các đội tuyển quốc gia. Tôi nghe nhiều, đọc nhiều khi thấy mọi người đều mong bóng đá Việt Nam vượt Thái Lan.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

“Nếu như có các đội bóng quân đội đóng góp vào bản đồ bóng đá Việt Nam này thì đó là điều lý tưởng nhất bởi sự tồn tại những đội bóng đã in dấu ấn trong lòng người hâm mộ. Vì phát triển bóng đá quân đội là phát triển theo hướng rèn luyện và đào tạo”.

* * *

“Một đặc thù mà các đội bóng khác không có là trên sân thi đấu có những đảng viên đá bóng. Thể Công, QK4 luôn có 4-5 đảng viên có mặt trên sân. Nói điều này ra thì có thể mọi người cho là không hấp dẫn, không đúng với thời đại. Nhưng tầm quan trọng của những đảng viên là rất lớn”.

* * *

Đội bóng QK4 do Bộ tư lệnh Quân khu 4 ký sắc lệnh thành lập nên nguồn kinh phí do Quân khu 4 đảm nhiệm. Để duy trì hàng năm cũng phải kêu gọi tài trợ. Có những mùa giải chúng tôi huy động được 10 tỷ/ mùa. Nhưng sau khi tôi nghỉ hưu 15 ngày thì CLB cũng bị bán và chấm hết cho vai trò của mình. Tiếc lắm!

Đại Nghĩa
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm