Bóng đá Đông Nam Á nhìn từ AFF Cup 2014: 19 năm vẫn thế!

27/11/2014 20:09 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Còn quá sớm để nói về chức vô địch AFF Cup 2014 khi mới chỉ qua loạt trận thứ 2 của vòng đấu bảng. Nhưng cũng chẳng hề là sớm để nhận định rằng, đã bước sang năm thứ 19 với 10 giải vô địch được tổ chức, bóng đá Đông Nam Á vẫn thế, vẫn không có nhiều sự biến động cần thiết làm động lực cho sự phát triển.

1. Tổ chức lần đầu vào năm 1996 với cái tên Tiger Cup, 4 năm sau được tách hẳn ra để trở thành sân chơi dành riêng cho cấp đội tuyển quốc gia (từ năm 2001, các cầu thủ U23 thi đấu riêng tại SEA Game). Việc ra đời giải vô địch khu vực được xem là động thái quan trọng nhằm mục tiêu cải thiện trình độ chuyên môn của bóng đá Đông Nam Á mà trước hết là để tiệm cận với mặt bằng chuyên môn châu lục, trước khi nghĩ tới cái đích xa hơn là World Cup. Và Tiger Cup trước đây cũng như AFF Cup sau này được tổ chức với mật độ khá dầy 2 năm/1 lần cũng không nằm ngoài mục tiêu ấy.

Tuy nhiên, qua 9 mùa giải đã được tổ chức, cái mục tiêu đó xem ra vẫn... bất thành! mà nguyên nhân vẫn là tính khác biệt lớn cũng như sự phân hóa sâu về chuyên môn của chính bóng đá Đông Nam Á. 9 chức vô địch lần lượt thuộc về Singapore (4 lần); Thái Lan (3), Việt Nam và Malaysia (cùng 1 lần), những nền bóng đá đã vượt lên khá xa về trình độ. Tốp những đội bóng dưới như: Lào, Brunei, Campuchia, Đông Timor... thì qua được vòng sơ loại cũng đã là thành công.



Bóng đá Đông Nam Á vẫn chưa có nhiều bước tiến tại AFF Cup 2014. Ảnh: Q.T

Thực ra thì chẳng cần phải tới khi có riêng cho mình một giải vô địch thì bóng đá Đông Nam Á mới có sự phân hóa bởi nguyên do đến từ nhiều mặt: Từ những biến động về chính trị, xã hội trong khu vực, tới cả cách làm bóng đá rất khác nhau, cũng như sức mạnh nội sinh của từng nền bóng đá.

Thái Lan dù có số lần vô địch ít hơn, nhưng họ xứng đáng đứng ngôi số 1 bằng cách làm bài bản, khoa học để duy trì được sức mạnh, mặc cho giấc mơ vươn tới tầm châu lục chưa thành hiện thực. Malaysia cũng là trường hợp tương tự với những thành công kể từ năm 2000. Trong khi đó, Việt Nam và Indonesia, tương đối giống nhau, luôn sở hữu nguồn tiềm năng lớn, tiếc là luôn phập phù kiểu "lúa trời" bởi thiếu cách đầu tư khoa học. Trong khi đó, Singapore trước đây và cả Philippines hiện tại lại là những cú "ăn xổi" nhờ tận dụng nguồn ngoại lực từ các cầu thủ nhập tịch.

Trong khi các nền bóng đá khác ở khu vực, có nơi còn chưa hình thành nổi giải VĐQG, hoặc mới chỉ ở tầm nghiệp dư, thì sự phân hóa là dễ hiểu. Và sự phân hóa quá lớn về trình độ ở nơi chỉ có 11 đội bóng (nhưng vẫn phải thi đấu vòng loại!), thì dễ hiểu chẳng tạo được động lực gì cho sự phát triển.

2. AFF Cup 2014 là giải vô địch Đông Nam Á thứ 10 được tổ chức trong chưa đầy 2 thập kỷ. Với vị thế là sân chơi số 1, sự kỳ vọng là có thật, tuy nhiên, chỉ qua 2 vòng đấu đầu tiên của 2 bảng đấu, không khó để nhận ra, bóng đá Đông Nam Á qua 19 năm tổ chức giải vô địch... vẫn thế mà thôi.

Tại bảng A, cuộc đua 2 vé vào bán kết chỉ diễn ra giữa 3 cái tên: chủ nhà Việt Nam, Indonesia và Philippines, trong khi đội tuyển Lào với dàn cầu thủ quá trẻ dù được dẫn dắt bởi ông thày ngoại quen mặt với bóng đá khu vực là David Booth không có cửa tiến xa do quá non về kinh nghiệm, trình độ. Philippines vẫn duy trì được sức mạnh nhờ dàn cầu thủ ngoại nhập, tuy nhiên, lối chơi hoàn toàn dự vào thể hình, thể lực bằng những đường bóng dài, được nhận diện là không khó để hóa giải. Tuyển Việt Nam và Indonesia nhỉnh hơn về trình độ, nhưng vẫn gặp phải vấn đề đã cũ - Thể hiện được tối đa phong độ lẫn sức mạnh của mình.

Bảng B xứng đáng được xem là "tử thần" khi ngay ở loạt trận đầu, một Thái Lan trẻ trung đã đánh bại chủ nhà và cũng là ĐKVĐ Singapore với tỷ số 2-1, còn Malaysia bất ngờ để Myanmar cầm hòa không tỷ số. Nhưng xét về thực lực, 2 vé vào bán kết của bảng đấu này có lẽ vẫn là chuyện tay ba giữa Singapore - Thái Lan và Malaysia.

Vẫn còn loạt trận cuối của vòng đấu bảng lẫn các trận bán kết và chung kết. Mọi khả năng còn bỏ ngỏ, tuy nhiên, chắc chắn là chức vô địch AFF Cup 2014 khó thoát khỏi những cái tên đã quá quen thuộc, những đội tuyển đã vượt trên về đẳng cấp và trình độ tại mặt bằng khu vực như: Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia... Sự bất biến đang trở nên nhàm chán về mặt con số, thống kê, bất chấp việc chiếc Cúp Vàng vẫn là thứ mà... nhiều đội "thèm".

3. Bước sang năm thứ 19 với lần tổ chức thứ 10, rõ ràng nếu nhìn vào những mục tiêu ban đầu đề ra thì rõ ràng cái giải vô địch riêng này chưa thực sự là cú hích để giúp bóng đá khu vực nâng tầm.

Tất nhiên, một giải vô địch vẫn là cần thiết, nhất là trong bối cảnh các đội tuyển quốc gia vốn có quá ít cơ hội cọ xát đỉnh cao, nhưng cũng đã tới lúc cần phải xem lại cung cách tổ chức của sân chơi vốn được xem là hàng đầu khu vực này. 2 năm/1 lần là khoảng cách quá ngắn về để tạo ra sự thay đổi về chuyên môn, rồi việc chỉ có 11 đội, nhưng lại tổ chức cả vòng loại đến vòng chung kết dài tới hơn 2 tháng là sự bất cập lớn, nếu không muốn nói thực chất là để phục vụ... nhà tài trợ!

Có lẽ, bóng đá Đông Nam Á cũng như nhiều nền bóng đá quốc gia khác trong khu vực đã tới lúc cần quay lại với những giá trị nền tảng, thay vì cứ 2 năm lại cùng chạy đua tới ngôi số 1 mà chẳng để làm gì. Quay lại bằng cách tổ chức thêm nhiều sân chơi cho các CLB trong khu vực (điều mà bóng đá Đông Nam Á đã từng làm rồi bỏ quên), hay tính toán lại khoảng thời gian, phương án tổ chức thi đấu hợp lý hơn cho các kỳ AFF Cup... Bằng không, thì có thêm nhiều năm nữa... vẫn thế.

Australia sẽ dự AFF Cup 2016?

Năm 2006, bóng đá Australia gia nhập Liên đoàn bóng đá châu Á - AFC từ Liên đoàn Bóng đá châu Đại dương.

Khi ấy đã có cuộc tranh cãi lớn mà không ít ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính của động thái này là giúp đội tuyển Australia dễ có suất tham dự VCK World Cup, thay vì cứ đứng nhất châu Đại dương để phải đá trận play-off với thứ 4 đội Nam Mỹ vốn rất mạnh.

Tới năm 2013, Australia cũng chính thức trở thành thành viên của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) sau khi nhận được sự ủng hộ của tất cả thành viên khu vực và đội tuyển nữ, các đội tuyển U của xứ chuột túi bắt đầu tham gia những giải đấu của khu vực.

Gần nhất là giải U19 mở rộng năm 2014 diễn ra trên sân Mỹ Đình. Tuy nhiên, việc đội tuyển quốc gia Australia tham dự AFF Cup vẫn chưa nhận được sự đồng tình của các các Liên đoàn quốc gia thuộc Đông Nam Á bởi sự e ngại khoảng cách lớn về chuyên môn.

Quan điểm này cần phải được thay đổi nếu bóng đá Đông Nam Á muốn phát triển thông qua cọ xát và sự thay đổi theo dự báo, có thể đến tại AFF Cup 2016?


Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm