B.Bình Dương mất Cúp Quốc gia 2014: Thua có khi lại hay...

19/08/2014 11:46 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Khi nhà vô địch V-League 2014 B.Bình Dương bất ngờ thúc thủ với 2 bàn không gỡ trước Hải Phòng, đội bóng chỉ xếp thứ 10 chung cuộc ở giải VĐQG, có người đã gọi đó là cơn địa chấn. Thực tế thì đội chơi hợp lý hơn đã thắng. Và một trận thua với B.Bình Dương có khi lại hay.

Quả thật là trước giờ bóng lăn, B.Bình Dương có cơ hội mười mươi để hoàn tất cú đúp danh hiệu ở mùa này, khi đối thủ của họ trong trận chung kết chỉ là Hải Phòng, đội bóng khiêm tốn cả về mặt con người, lẫn tham vọng. Sự chênh lệch dễ dàng cảm nhận, khi B.Bình Dương đã giành 6 điểm tuyệt đối trước Hải Phòng ở V-League 2014, bằng các chiến thắng 2-0, trên sân nhà và sân đối phương. Đó là cơ sở để GĐKT Lê Thuỵ Hải tin rằng, lần thứ 2 trở lại Lạch Tray sẽ lại là một câu chuyện đẹp.

Nói trước bước không qua

Nhưng, chức vô địch V-League 2014 sớm 1 vòng đấu cùng những lời tung hô có cánh đã khiến các đôi chân tiền tỷ của B.Bình Dương rời khỏi mặt đất.

“Đội bóng sở hữu tính cách của nhà vô địch” (như lời khẳng định của ông Hải “lơ”) đã không còn là chính họ tại Lạch Tray, khi đối phương chủ động quây, chơi rát và thậm chí rắn hơn mức cần thiết. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, bởi suy cho cùng, B.Bình Dương không phải là đội bóng bách chiến bách thắng ở mùa giải năm nay.

Giấc mộng cú đúp tan tành theo mây khói và người ta ước tính rằng, thầy trò ông Hải “lơ” đã tự tay ném qua cửa sổ thêm vài tỷ đồng tiền thưởng nữa. Nhưng, chuyện đó không quan trọng bằng việc người trong cuộc như ông Hải phải thẩm định lại năng lực chinh phục của đội bóng.

B.Bình Dương có mạnh như lời ông nói không, khi một số biểu hiện “no xôi chán chè” đã xuất hiện và nhiều cầu thủ, nói thẳng ra là chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng với cách dụng binh của ông?!

Bóng đá có thắng, có thua và việc thua một đội bóng giàu khát vọng hơn, có lối chơi hợp lý hơn, cũng chẳng phải là ngày tận thế. Và biết đâu được, trận thua này còn là cái cớ cho những toan tính tiếp theo, khi người trong cuộc “bất giác” nhận ra rằng, đội bóng còn chưa hoàn thiện, cần phải tăng cường thêm rất nhiều tinh binh nữa.

Sẽ lại “cách mạng nhân sự”?

Như một thuộc tính, trung bình mỗi mùa giải, B.Bình Dương luôn đưa về Thủ Dầu Một hơn chục con người và tiếp tục đẩy đi tương đương số lượng cầu thủ đó. 6 mùa giải trắng tay của đất Thủ, nếu quy đổi ra tiền, gần như không đếm xuể, bởi một cầu thủ trung bình như Trần Chí Công cũng có giá 9 tỷ đồng/3 năm gia hạn (chưa tính lương, thưởng và các chế độ kèm theo khác ở thời điểm trước mùa giải 2012), thì đừng hỏi Anh Đức, Kesley Huỳnh Alves, Dieng Abass hay Đình Luật, Trọng Hoàng... có giá bao nhiêu?!

Câu hỏi đặt ra là người Bình Dương đang theo đuổi bóng đá để làm gì?! Chắc chắn không chỉ để phục vụ cái sướng của một bộ phận người dân, bởi ở Bình Dương, nơi có quá nhiều khu công nghiệp, số người ngoại tỉnh là công nhân chiếm đa số gần như không có nhu cầu xem bóng đá. Vì mục đích quảng bá cũng không nốt, khi Bình Dương vốn dĩ đã được xem là “đất lành”, với rất nhiều các Công ty nước ngoài chọn nơi này để hợp tác làm ăn…

Thực tế đã có giai đoạn, lãnh đạo cấp cao nhất của B.Bình Dương ra tối hậu thư cho những người chịu trách nhiệm trực tiếp với sự tồn vong của đội bóng, rằng nếu thàng tích cứ èo uột, sẽ “cắt” luôn. Nó rơi vào khoảng thời gian từ 2010 đến 2012, khi cabin BHL B.Bình Dương liên tục xáo trộn, đại bản doanh CLB người đến kẻ đi tấp nập như trẩy hội, dòng tiền đổ vào không ngớt…, nhưng B.Bình Dương lại đánh mất vị thế của nhà vô địch và thậm chí không còn được nhắc đến như một ứng viên nữa.

Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới. Chức vô địch V-League 2014 của B.Bình Dương hay trận thua Hải Phòng ở Lạch Tray mới đây có là chính kịch, hài hay bi kịch, thời gian mới cho câu trả lời. Chỉ một điều chắc chắn là, với lý do phải căng sức chơi cả 3 đấu trường vào năm sau (trong đó có AFC Champions League 2015), người Bình Dương sẽ lại có dịp tiêu thêm rất nhiều tiền nữa.

“Bầu sữa” Becamex

Becamex IDC là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc tỉnh, cũng là bầu sữa mẹ cho B.Bình Dương, dù trên danh nghĩa, Công ty CP Thể thao - Bóng đá Bình Dương mới là chủ sở hữu hợp pháp. Tiềm lực tài chính của Becamex IDC là điều không phải bàn cãi và chừng nào họ còn làm ăn có lãi, còn máu bóng đá và còn coi bóng đá như một thứ trang sức đắt tiền, thì chừng ấy đội bóng (hay các bộ môn khác nhận được sự bảo trợ) còn được hưởng lợi. Tất nhiên, người ta có quyền nghĩ theo chiều ngược lại.

Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm