Bán độ, đừng để 'nhờn thuốc'

17/12/2014 13:27 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Bán độ đang trở thành nỗi ám ảnh của bóng đá Việt Nam, một nền bóng đá vốn kém phát triển. Ám ảnh đến mức hễ cứ thua (từ cấp độ V-League cho đến ĐTQG) là bị nghi “có mùi”... Vì sao vậy? Vì cầu thủ “nhờn thuốc” chăng?

1. Năm 2014 là năm ám ảnh bán độ của bóng đá Việt Nam. Có thể gọi như vậy khi cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, bắt giữ hàng chục cầu thủ của CLB V.Ninh Bình và Đồng Nai vì liên quan đến dàn xếp tỉ số. Trong số đó, có một số tuyển thủ quốc gia, nhiều người được đánh giá là rất có tương lai.

Có lẽ chính vì thế mà ngay sau thất bại 2-4 của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Malaysia ở Mỹ Đình, một bộ phận dư luận lập tức đặt dấu hỏi nghi ngờ. Tất nhiên, chuyện bán độ ở bóng đá Việt Nam đã nhiều lần dừng lại ở mức độ “nghi án” chứ không hề có bằng chứng.

Nhiều người cho rằng, sau 2 vụ bán độ ở V.Ninh Bình và Đồng Nai, có cho thêm tiền, cầu thủ Việt Nam cũng không dám “bán linh hồn cho quỷ”. Nhưng chúng ta đều nhớ rằng vụ cầu thủ Đồng Nai bị "khui" khi vụ Ninh Bình vẫn còn nóng hổi. Các cầu thủ đã có bài học nhãn tiền nhưng họ vẫn không sợ bị pháp luật trừng trị.

Từ 2 vụ việc diễn ra quá gần nhau này, có người nói rằng, phải chăng bán độ đã ăn vào máu một bộ phận không nhỏ giới cầu thủ và họ sẵn sàng "nhúng chàm", chấp nhận đánh đổi sự nghiệp? Ngay cả Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng từng nói, vụ cầu thủ Đồng Nai bán độ chỉ là "tập 2" sau vụ Ninh Bình. Nghĩa là, vụ Ninh Bình, Đồng Nai chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”?

2. Lật lại vấn đề chống tiêu cực ở bóng đá Việt Nam, có vẻ mọi thứ đã quyết liệt lên nhưng chừng đó vẫn chưa đủ sức răn đe. Tại sao bài học nhãn tiền từ vụ bán độ động trời ở SEA Games 23 luôn được báo chí ra rả, bằng chứng là những bài viết về số phận, hoàn cảnh cầu thủ bán độ rồi đến những giọt nước mắt của người thân họ, nhưng bóng đá Việt Nam vẫn phải chứng kiến hàng loạt cầu thủ tiếp tục tra tay vào còng? Tại sao vụ bán độ cũng động trời ở V.Ninh Bình chưa ráo mực lại diễn ra vụ ở Đồng Nai? Phải chăng các hình phạt cho tội bán độ chưa đủ sức răn đe, khiến cầu thủ bán độ “lờn thuốc”?

Năm 1994, Chính phủ Malaysia đã thẳng tay kỷ luật 84 cầu thủ tham gia vào các đường dây mua bán độ ở các giải trong nước sau khi nhận được đề nghị của Ủy ban Olympic và LĐBĐ nước này. Quá trình điều tra bắt đầu sau khi LĐBĐ Malaysia (FAM) nhận được các báo cáo về một số trận có dấu hiệu bị dàn xếp tỉ số và hiện tượng giàu lên một cách bất thường của nhiều cầu thủ, trong đó có 6 tuyển thủ quốc gia.

Sau thời gian dài điều tra, tìm được đầy đủ bằng chứng, Chính phủ Malaysia quyết định hành động, dù thời điểm ấy đội tuyển Malaysia rất cần cầu thủ để chuẩn bị cho SEA Games 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan). 84 cầu thủ vi phạm bị đưa vào các trại tập trung ở các tỉnh vùng xa, bị cấm thi đấu vĩnh viễn, sau khi rời khỏi trại tập trung, họ không được quyền mua nhà, mua xe.

4 năm trước, Singapore đã treo giò vĩnh viễn 2 cầu thủ người nước ngoài tham gia dàn xếp tỉ số trận đấu ở giải vô địch chuyên nghiệp và đề nghị LĐBĐ châu Á cấm 2 cầu thủ này hành nghề trên toàn châu lục. Tiếp đó, Singapore đã tiến hành điều tra, phanh phui một đường dây dàn xếp tỉ số các trận đấu ở S-League có dính líu đến nhiều cầu thủ, trong đó có tiền đạo S. Indra, cầu thủ chơi xuất sắc nhất tại Tiger Cup 2002. Gần đây nhất, LĐBĐ Singapore cũng đã kỷ luật, kiểm điểm một vài quan chức của các CLB ở S-League sau khi xảy ra những trận đấu có tính quyết định đến chức vô địch, nhưng kết thúc với tỉ số khó hiểu (6-0, 5-1).

Nói chuyện Malaysia, Singapore để thấy họ quyết liệt đến mức nào trong việc chống tiêu cực. Nhờ sự mạnh tay cách đây 10 năm mà bóng đá Malaysia sau đó đã phát triển bền vững, hùng mạnh bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Còn các biện pháp chống tiêu cực, cụ thể là bán độ ở bóng đá Việt Nam thì sao? Rất khó để nói đã quyết liệt, thực sự mạnh tay.

Dùng thuốc không đúng liều, người bệnh sẽ bị lờn thuốc. Khi đó, bệnh sẽ khó chữa hơn. Chống tiêu cực trong bóng đá cũng vậy, không có những biện pháp đủ sức răn đe thì khó ngăn cầu thủ bán độ.

Phạm Tâm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm