15/09/2017 11:15 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Như đã đề cập, trong 26 năm bóng đá Việt Nam đã "xài" 9 ông thầy ngoại, trung bình gần 3 năm/1 người, chưa tính đến các trường hợp còn "quay đi, quay lại"! Con số xứng đáng vào hàng kỷ lục thế giới, nhưng đó là kỷ lục buồn khi cả 9 ông thày ngoại trên đều chỉ là "nạn nhân"của giấc mơ Vàng...
Để có được những bước tiến như hôm nay, không thể phủ nhận sự đóng góp của rất, rất nhiều những ông thày ngoại cho bóng đá Việt Nam mà mỗi người trong số họ đều tạo nên dấu ấn cho riêng mình.
Edson Tavares là cuộc cách mạng thể lực (dù gây tranh cãi); K.H.Weigang là sự tự tin cần thiết khi bước ra đấu trường quốc tế; Colin Murphy là lối chơi bài bản đúng theo trường phái Anh; Alfred Riedl là sự hài hòa giữa tấn công và phòng ngự dựa trên sơ đồ 4-4-2 cùng bộ khung ổn định (đến mức xơ cứng); Henrique Cailisto là sự kết dính ở mức tối đa nhờ việc nắm chắc phẩm chất của từng cầu thủ... Gần nhất là Miura Toshiya, và chỉ khi chúng ta liên tiếp thất bại trên mọi mặt trận, thì mới nhận ra hiệu quả từ lối chơi cực kỳ thực dụng của ông thầy người Nhật Bản...
Nhưng tại sao tất cả họ đều không thành công với bóng đá Việt Nam? Một chức vô địch AFF Cup 2008 và 1 lần nữa vào đến tứ kết ASIAN Cup 2007 rõ ràng là quá ít so với kỳ vọng của người hâm mộ cũng như sự quan tâm, đầu tư cho môn thể thao Vua. Và khá kỳ lạ là hầu hết họ đều phải ra đi khi không giúp nổi bóng đá Việt Nam hiện thực hoá "giấc mơ Vàng" đã kéo dài hơn 50 năm qua - Giấc mơ Vàng mang tên SEA Games! Cái sân chơi trong khuôn khổ Đại hội thể thao khu vực, vốn chẳng hề là thước đo chính xác cho năng lực của một nền bóng đá, nhất là khi cái sân chơi ấy chỉ còn dành cho lứa U23 (từ năm 2001).
Riedl, người gắn bó lâu nhất, đã phải từ chức tại SEA Games 24 (Nakhon Ratchasima, Thái Lan 2007) khi U23 Việt Nam thua U23 Myanmar trên chấm 11m và đó cũng là thất bại thứ 4 của ông thầy người Áo tại sân chơi này. Calisto dù mang về chức vô địch AFF Cup, nhưng cũng chẳng trụ nổi sau trận thua tức tưởi trước Malaysia ở chung kết SEA Games 25 (Lào 2009)... Goetz "xịn" đến thế nhưng cũng phải về nước sau có 6 tháng khi không có được tấm HCĐ tại SEA Games 26 (Indonesia 2011)...
Câu trả lời đúng phải là việc tìm kiếm các ông thày ngoại chỉ để chạy theo thành tích cụ thể, giải đấu cụ thể chính là nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam phải nhận liên tiếp những thất bại. Thực tế là chẳng có 1 nơi nào trên thế giới mà HLV có thể gặt hái được thành công chỉ với các bản hợp đồng ngắn hạn như ở bóng đá Việt Nam.
Rồi cũng chính những bản hợp đồng và sức ép cực lớn từ những mục tiêu kiểu thời vụ ấy là nguyên nhân chính nảy sinh mâu thuẫn giữa "ông chủ" VFF và những người "làm thuê" HLV nước ngoài, mà hệ quả là liên tục phải "thay thầy" bằng cái giá cực đắt cả về tiền bạc lẫn uy tín.
Họ đến, rồi đi... bởi tất cả đều trở thành "nạn nhân" của giấc mơ muốn vươn tầm, nhưng là bằng cách làm kiểu chụp giật! Bóng đá Việt Nam thì vẫn ở lại, nhưng tay trắng bởi hơn 20 năm qua, với 9 ông thày ngoại, chúng ta vẫn không thể định hình nổi lối chơi cũng như phong cách. 20 năm cho sự phung phí nguồn lực ngoại.
Đón xem kỳ cuối: Người thứ 10! Ông là ai?
Ngay sau khi giành chức vô địch AFF Cup 2008 khá nhiều nhà quản lý bóng đá Việt Nam đã "mạnh dạn" nói tầm châu lục. Thế nhưng, chính kiến trúc sư của thành công này, HLV Calisto, đã tuyên bố: “Với lứa cầu thủ lúc đó, bóng đá Việt Nam vẫn chưa vượt qua khỏi khu vực Đông Nam Á. Để có thể vươn tới tầm châu lục, cần đầu tư vào tuyến trẻ mới, chất lượng cao hơn”. Tiếc là tuyên bố đó bị... bỏ quên |
Vũ Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất