30/08/2013 09:13 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Chưa đến Hội nghị tổng kết mùa giải nhưng ai cũng thấu được tình cảnh đã, đang và sắp sửa xảy đến với bóng đá Việt Nam.
V-League 2013 chưa hạ màn nhưng cầu thủ đã lo thất nghiệp, các ông bầu cùng đắn đo có hay không đầu tư quảng bá thương hiệu vào lĩnh vực vốn tiêu tiền như nước này…
1. Điểm qua một loạt những đại biểu phía Nam sẽ thấy chung những điều lo ngại đã nêu ở trên. Ai cũng biết XMXT.SG là một quả bom nổ chậm của V-League. Và chỉ cần “một mồi lửa” là án phạt trừ 4 điểm của Ban Kỷ luật, XMXT.SG lập tức có lý do “hợp pháp” để giải tán.
Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người ta càng sốc với những khoản tiền mà lãnh đạo đội bóng này bỏ ra để đầu tư cho bóng đá. Quỹ lương khoảng 1,1 tỷ đồng/tháng trong mùa giải này của XMXT.SG tuy đã giảm đi rất nhiều so với 2 năm trước đó, nhưng vẫn là con số khiến người nghe giật mình.
Câu chuyện hậu giải tán của XMXT.SG cũng lắm thú vị. Đó là khi CLB này phải trả cho tiền đạo Kesley 29.000 USD và 77 triệu đồng từ các khoản phí vụn vặt hồi Kesley còn hợp đồng với đội bóng.
Việc XMXT.SG giải tán giúp ông bầu nhẹ hẳn một gánh nặng. Song với những cầu thủ trẻ quyết tâm đeo đuổi sự nghiệp bóng đá thì tương lai hẳn là một nỗi ám ảnh lớn với họ.
Bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể thoát khỏi cảnh khó khăn hiện tại. Ảnh: VSI
Sau mùa giải này, họ sẽ phải tứ tán nhiều nơi để mong tìm cho mình bến đỗ mới. Với hàng trăm cầu thủ thất nghiệp trong vòng 2 năm trở lại đây, việc cạnh tranh một cơ hội việc làm bây giờ hết sức khắc nghiệt.
Nó khác hẳn thời hoàng kim, khi mà các CLB tranh nhau mua sắm. Tại ĐT.LA, GĐĐH Võ Thành Nhiệm cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa nghĩ đến việc mua sắm lực lượng cho mùa giải mới. Thời buổi này kinh tế khó khăn, chúng tôi phải cân nhắc khi chi tiêu. Cầu thủ không thiếu nên ĐT.LA cũng không lo ngại không có người đá bóng”.
Thái độ hờ hững của “Gạch” trên thị trường chuyển nhượng đó nhắc người ta nhớ về tuyên bố của ông bầu Võ Quốc Thắng trước mùa giải này. Khi đó, bầu Thắng cân nhắc khả năng sẽ chỉ là một nhà tài trợ đơn thuần của ĐT.LA thay vì “độc quyền” toàn tập như chục năm qua.
Lãnh đạo ĐT.LA cũng điêu đứng bóng đá trong hoàn cảnh tình hình làm ăn còn nhiều khó khăn. Với hơn chục cầu thủ ĐT.LA hết hạn hợp đồng với CLB sau mùa giải này, có lẽ họ sẽ lo mình thất nghiệp hơn là lo cho một nửa của khoản thưởng 7 tỷ đồng cho chức vô địch hạng Nhất 2012 đến giờ vẫn bặt tăm.
2. Một đội bóng miền Tây khác là K.KG cũng không hiểu họ sẽ tồn tại ra sao trong mùa giải mới. Chỉ còn một trận đấu nữa, V-League 2013 sẽ hạ màn và gần như cả đội sẽ kết thúc hợp đồng với CLB.
Thế nhưng, những chế độ như đã cam kết trong hợp đồng với các cầu thủ thì lãnh đạo K.KG chưa biết tìm đâu ra tiền để trả nợ cho họ. Cầu thủ K.KG vừa lo tương lai chưa biết về đâu, lại phải lo CLB quỵt tiền.
Đó là chuyện rất hiện hữu bởi lẽ ngay cả người trong cuộc cũng thừa nhận, dù không phải rớt hạng nhưng họ vẫn chưa biết giải quyết sao cho ổn thỏa bài toán tương lai. Cách tồn tại kiểu “mò cua trong lỗ” đó quả thật khó lường.
Không khí V-League buổi chợ chiều không khỏi ảm đạm. Những cầu thủ thất nghiệp mơ ước được lãnh đạo B.BD trao cho một cơ hội nghề nghiệp. Đội bóng đất Thủ sau mỗi mùa giải là tâm điểm chú ý của dư luận với vô số đồn thổi chuyên bán mua.
Nhưng lãnh đạo B.BD vẫn rất thận trọng để đưa ra phát ngôn sau những thương vụ thất bại liên tiếp vài năm gần đây. Nghe nói B.BD đã âm thầm ký nháy với một số tên tuổi lớn ở V-League, điều đó đồng nghĩa với không ít ngôi sao của họ phải ra đường sau mùa giải này.
Bóng đá Việt Nam tìm đâu ra động lực phát triển từ những gam màu u ám như thế!
Bình Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất