Vấn đề của U23 Việt Nam: Đâu chỉ là chiều cao?

11/11/2009 11:09 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Hàng phòng ngự của U23 Việt Nam đang bộc lộ những hạn chế trong chống bóng bổng?! Thì rõ rồi, vì ngoài Minh Đức ra, không một trung vệ nào lại cao hơn 1m80. Nhưng tồn tại của tuyến phòng ngự U23 Việt Nam không đơn thuần là vấn đề chiều cao, cân nặng…

Năm 2006, khi giành “Quả bóng vàng châu Âu” và “Cầu thủ xuất sắc nhất FIFA”, đội trưởng ĐT Italia Fabio Cannavaro chỉ cao 1m76 (tức là tương đương với Xuân Hợp, Đại Đồng và chỉ nhỉnh hơn Long Giang một chút). Tiền vệ Paul Scholes của M.U (và ĐT Anh trước đây) cũng chỉ cao 1m70, nhưng đã ghi không ít bàn thắng bằng đầu… Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng. Có thể thấy rõ rằng tuyến phòng ngự (bao gồm cả thủ môn) của U23 Việt Nam chưa có sự tổ chức tốt, khả năng phán đoán, bọc lót và chọn điểm rơi rất hạn chế.

Trong hai trận đấu với U23 Singapore và U23 Trung Quốc tại VFF SmartDoor Cup vừa qua, Tấn Trường đã chứng tỏ kỹ năng ra vào, phán đoán và làm chủ các tình huống treo bóng bổng của đối phương rất tốt. Chiều cao 1m88 và sải tay dài của Trường giúp ích rất nhiều cho bộ đôi trung vệ của U23 Việt Nam, vốn vẫn bị xem là hạn chế chiều cao. Nhưng đến trận đấu với U23 Thái Lan thì hàng loạt bất ổn ở khu vực 16m50 bộc lộ, khi Tấn Trường tỏ ra lúng túng. Cần nhớ rằng, các tiền đạo của U23 Thái đâu có cao hơn bộ đôi trung vệ của ta (Long Giang và Xuân Hợp) là mấy?!


Cầu thủ U23 Thái Lan (phải) không cao hơn đồng nghiệp Việt Nam nhưng sức bật lại rất tốt.

Bàn thắng đầu tiên của U23 Thái Lan (không được công nhận), nếu quan sát kỹ, thì thấy tiền đạo đối phương không hề phạm lỗi với Tấn Trường khi tranh chấp trên không. Trước đó, Trường cũng liên tục phán đoán sai điểm rơi, từ các quả tạt của nhạc trưởng Arthit. Ngay cả khi đối phương nhồi bóng tầm thấp vào khu cấm địa thì hàng phòng ngự của U23 Việt Nam vẫn lúng túng trông thấy. Không dưới 3 tình huống chúng ta để lọt vài cầu thủ Thái đối diện với Tấn Trường. Tiếc rằng các cú dứt điểm sau đó, hoặc ra ngoài, hoặc không được trọng tài công nhận (bàn thứ 2 của U23 Thái là một bằng chứng).

Rõ ràng khâu phân công tổ chức – bắt người (theo khu vực hoặc “khoán” theo kiểu 1 kèm 1) của tuyến phòng ngự U23 Việt Nam chưa được quán triệt. Bất ổn này xuất hiện ngay từ trận đấu với U23 Singapore, khi Long Giang và Minh Đức đã phối hợp không tốt ở một vài thời điểm. Giang với Đại Đồng (hiệp 1 trận đấu với U23 Trung Quốc) có khá hơn, nhưng đến khi Xuân Hợp xuất hiện trên sân thì phá sản. Tóm lại, khi chọn Long Giang là trung tâm thì HLV Calisto vẫn chưa tìm được người đá cặp ăn ý với trung vệ người Tiền Giang.

Lại nhớ, Bùi Thị Nhung khi giành HCV châu Á môn nhảy cao cách đây 6 năm (với thành tích 1m88) thì chị đâu có đôi chân dài (Bùi Thị Nhung chỉ cao 1m69 nhưng đã từng nhảy qua mức xà 1m94 tại giải điền kinh Thái Lan mở rộng 2005) ?! Chiều cao chỉ là yếu tố cần chứ chưa đủ, bởi nó hoàn toàn có thể được khỏa lấp bằng sức bật. Hàng phòng ngự với rất đông con người ở khu vực 16m50 cần được tổ chức tốt, trong đó đề cao kỹ năng đánh chặn, bọc lót và phán đoán tình huống. Đây mới là tồn tại cần được giải quyết của U23 Việt Nam chứ không phải là chiều cao vốn không thể đòi hỏi hơn được nữa.

Cả U23 Singapore và U23 Thái Lan – 2 đối thủ chính của U23 Việt Nam tại SEA Games 25, đều đã không mang đến VFF SmartDoor Cup đội hình mạnh nhất. Thẳng thắn mà nói, họ cũng chưa chơi với khả năng tốt nhất. Nhưng, điểm yếu của U23 Việt Nam đã bộc lộ, trong đó hàng phòng ngự là trung tâm. Vẫn còn thời gian để thầy trò HLV Calisto hoàn thiện mình, khi gần 1 tháng nữa môn bóng đá nam SEA Games mới khai cuộc. Tất cả đều hy vọng đến lúc ấy sẽ là một U23 Việt Nam rất khác.

TÙY PHONG

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm