Tiền đạo Lê Sỹ Mạnh: “Tay chơi” Mạnh “Kanu”

19/07/2009 18:51 GMT+7 | Hạng Nhất

(TT&VH cuối tuần) – “Vẫn chơi chứ anh, không chơi thì đâu còn là chính con người mình nữa. Nhưng em hết tuổi chơi rồi, chơi cũng chán rồi. Và bây giờ chỉ muốn chơi bóng thôi. Chơi để cho tất cả biết mình có khả năng, để có một cái tên có thể khiến người ngoài nhìn vào và dành cho một sự tôn trọng nhất định…”, Mạnh cười rất thoải mái khi nói về mình.

Cầu thủ... cá biệt

Đó là một cầu thủ đặc biệt, có thể nói là tiêu biểu cho một bộ phận không nhỏ cầu thủ của BĐVN. Như chuyện dám thẳng thắn thừa nhận “đúng, tôi là tay chơi đấy”, hay tự xếp mình thuộc thể loại “thích chơi và kiểu gì cũng chơi được hết” mà chẳng sợ mang tiếng, chẳng cần e ngại đánh giá của thiên hạ.

Lê Sỹ Mạnh không có tiểu sử “đẹp” giống như nhiều những mô-týp quen thuộc của giới bóng đá: Đại loại như sinh ra, lớn lên ở một vùng quê xa xôi, nghèo khó, có hoàn cảnh gia đình không mấy thuận lợi. Đi theo bóng đá, vượt qua bao khó khăn, thử thách của một hành trình gian khổ để cuối cùng đạt đến những thành công có được và khi nhìn lại thì mỉm cười tự hào.

Bởi Mạnh là một cậu ấm con nhà giàu. Nhà có điều kiện nên từ bé đã được chiều, được sung sướng và đá bóng chỉ đơn giản là sở thích.

Nhà Mạnh ngay trung tâm thành phố, đứng trên gác là nhìn sang được sân Thanh Hóa. Ăn ngủ, hít thở bầu không khí bóng đá hàng ngày nên Mạnh theo đá bóng. Ăn tập từ những lứa năng khiếu đầu tiên và lớn lên cùng quả bóng.

Mạnh không xác định bóng đá là nghề để kiếm cơm hay để đổi đời. Nó chỉ là một thú vui, chơi cho sướng của một cậu nhóc có năng khiếu. Lại thêm không phải quan tâm đến chuyện kinh tế nhiều nên dù có khả năng, được đánh giá tốt từ bé nhưng Mạnh vẫn luôn bị nhìn nhận là trường hợp “khó thành công, khó tiến xa bởi tính cách và cả điều kiện gia đình quá thuận lợi”.

Sướng quá cũng... khổ. Mạnh ham chơi, tính cách rất phóng khoáng và bất cần. Ăn tập bao năm, có tiếng ở Thanh Hóa và từng lên đội 1 từ năm 18 tuổi nhưng không tập trung với nghề nên cũng “chẳng ai biết Lê Sỹ Mạnh là ai cả”. Cái tên Sỹ Mạnh chỉ nổi tiếng nhờ những tai tiếng trong sinh hoạt.
 
Cái nickname “Kanu” gắn với Sỹ Mạnh từ khá lâu. Sở dĩ là Kanu cao to, có nước da ngăm đen và Mạnh đá tiền đạo, chân cũng ngon, cách chơi bóng có phần điệu đàng. Ảnh: Quốc An.
 
Đến sự cá biệt của Mạnh “Kanu”

Hòa HN.ACB 1-1, trận hòa thứ 2 trong 17 trận đấu của V.Ninh Bình từ khi Văn Sỹ lên làm HLV trưởng, Sỹ Mạnh ghi bàn gỡ. Vòng 14 thắng Than Quảng Ninh 3-1, vòng 19 thắng TPK.Tiền Giang 3-1, vòng 20 thắng Sài Gòn United 3-0, đều là Sỹ Mạnh ghi bàn mở tỷ số. 2 trận đấu khó khăn và tưởng như sẽ bị chia điểm trước NHS.Quảng Nam và H.Huế nhưng cuối cùng, Sỹ Mạnh lại nổ súng và V.Ninh Bình thắng 1-0 để có trọn 3 điểm.

Có thể do gần gũi trong công việc, quan hệ hàng ngày nên tôi chủ quan. Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn tin rằng trong số những tiền đạo nội hiện nay, cậu ấy chẳng kém ai cả. Công Vinh là một trường hợp đặc biệt rồi nên không thể so sánh, chứ tầm tên tuổi cỡ Việt Thắng, cho lên bàn cân so sánh trên mọi yếu tố tôi nghĩ Mạnh giờ cũng ngang ngửa 5-5. Đến giờ cả chuyên môn, cách nghĩ, cách sống của cầu thủ này tôi đều an tâm bởi sự trưởng thành và tin rằng cậu ấy sẽ còn “lớn” thêm nữa...”. HLV Nguyễn Văn Sỹ



Những con số thống kê quá ấn tượng về phong độ của Sỹ Mạnh đối với V.Ninh Bình kể từ đầu giai đoạn 2 đến giờ. Một ngạc nhiên lớn kèm cả thú vị nữa. Trong cú nước rút thần tốc toàn thắng cả 7 trận đó, 6 trận Mạnh ghi 6 bàn. Toàn những bàn thắng quan trọng hoặc có tính chất quyết định trận đấu. Đúng giai đoạn quyết định của mùa giải lịch sử, Mạnh đã để lại dấu ấn của mình, thậm chí còn đậm nét hơn cả các ngoại binh. Ở V.Ninh Bình bây giờ, trung phong số 1 là Sỹ Mạnh, Sulieman chỉ là số 2 và nếu phải dùng 1 thì Suleiman sẽ phải lên ghế dự bị.

Hơn chục bàn của các chân sút ngoại xuất phát từ những đường chuyền dọn cỗ của Sỹ Mạnh. Bởi Suleiman, Đinh Hoàng Max, Baptist John là một nhóm, thường chỉ đá với nhau, khi có cơ hội nếu không tự dứt điểm thì tạo điều kiện cho người quen ghi bàn. Nếu họ chuyền cho Mạnh trong những tình huống đáng lẽ phải chuyền, số bàn thắng của tiền đạo này có lẽ phải gấp đôi con số 6.

Nhưng bao nhiêu bàn cũng chẳng quá quan trọng với Sỹ Mạnh, dù tiền đạo nào chả thích ghi bàn. Mạnh bảo “lớn rồi, giờ ít nghĩ đến mình lắm và đã biết vì cái chung nhiều hơn”. Thực tế đã chứng minh điều đó. Lần bị phạt gần nhất cách đây lâu lắm rồi, cũng chỉ vì Mạnh về muộn một chút. Sinh hoạt và luyện tập đàng hoàng, BHL khỏi phải chê điều gì ở cầu thủ có tiếng là “liều” này. Chuyên môn thì ngày càng lên, chơi hợp lý chứ không cầm bóng rườm rà, biết ghi những bàn quyết định và có rất nhiều đường chuyền thành bàn cho đồng đội.

Mạnh “Kanu” đã khác, chứ không còn là môt đứa trẻ lớn xác ham chơi nữa. Trải qua rất nhiều biến cố, đã có rất nhiều thay đổi ở tiền đạo này. Sẽ còn thay đổi nữa, đó là lời hứa của Mạnh.

Bởi bây giờ, Lê Sỹ Mạnh chỉ thích chơi bóng. Thích có một cái tên, “mỗi khi ghi bàn thắng, chơi tốt gọi điện về báo cáo cho ông bà già vui, thấy hạnh phúc thật” và cũng tự hào khi đồng nghiệp hay đám bạn chơi gật đầu tôn trọng khi nói về chuyện chuyên môn.

Với Mạnh “Kanu”, chỉ cần thế thôi!
 
Triều Khúc
 

Cứ nhắc đến chuyện sinh hoạt bừa, chơi bời của cầu thủ là người ta nhắc đến vụ bay lắc của các cầu thủ T&T.HN. Cứ nói đến mâu thuẫn nội bộ, đánh nhau là nhớ đến vụ đánh nhau ở Thành Long. Sỹ Mạnh luôn được nhắc tên cùng những cú phốt. Đó là một nỗi đau. Nhưng Mạnh không trốn tránh hay dằn văt bởi xấu hổ bởi “mình là đàn ông, chơi thì phải chịu, sai thì trả giá”. Trả giá như chuyện gắn bó với T&T.HN từ hạng 3, đến ngày chuẩn bị lên V-League thì không còn là nhân vật chính rồi bị đẩy ra rìa. Rồi chuyện khi bắt đầu tu chí, chơi tốt, chuẩn bị được tăng lương, nhấc lên chức đội phó thì lại xảy ra vụ uống quá chén, hành xử như trẻ con khi bức xúc vì những trò tiểu nhân. Thế là quá đủ, Mạnh cũng ngấm đòn và nghĩ rất nhiều. Âu, trong cái rủi cũng có cái may!

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm