22/02/2013 19:19 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Mời nhạc sĩ Dương Thụ chầu “cà phê thể thao” đầu năm khi không khí Tết vẫn còn “đậm đặc”. Tưởng ông chưa “mặn” chuyện thi đấu, bóng đá…, nào ngờ ông lại đang rất hào hứng.
* Thưa ông, Tết nhất chắc không ai nói chuyện bóng đá, mình “cà phê” thế này liệu có vô duyên không?
- Không đâu. Bóng đá ở ta không chỉ là bóng đá, nó cho ta thấy nhiều điều về cái xã hội mình đang sống, thấy nhiều lắm, rõ lắm. Tết này có cái gì khang khác, cái khang khác ấy tôi bắt đầu nghiệm ra từ bóng đá. Hai mươi sáu Tết tới sân Mỹ Đình xem đội tuyển quốc gia đá với đội tuyển UAE, tôi vô cùng ngạc nhiên. Một đội tuyển gần như mới tinh với rất nhiều gương mặt còn vô danh và một huấn luyện viên nội không được đánh giá cao (thậm chí với một số huấn luyện viên gạo cội và một vài chuyên gia bóng đá, vị này còn bị coi là chưa đủ tiêu chuẩn lên tuyển), thế mà đá ngang ngửa, thậm chí vào cuối hiệp hai còn ép sân đối thủ, một đội tầm cỡ châu lục, đang có phong độ rất tốt.
Nguồn lực cầu thủ Việt kiều như Mạc Hồng Quân (trái) cần được khai thác. Ảnh: V.S.I
Lùi lại một chút, hơn một tháng trước thôi, bóng đá Việt Nam tuột dốc thê thảm, thậm chí có người gọi nó là sự sụp đổ không thể cứu vãn, từ các đội bóng tham dự giải chuyên nghiệp đến đội tuyễn quốc gia. Đó chính là câu chuyện khiến ta kinh ngạc và phấn khích. Xuân đến cà phê cà pháo cũng nên cho nó vui vẻ, cho nó có khí thế. Vậy thì câu chuyện bóng đá cũng là hợp đấy. Tết nhất nói chuyện bóng đá như thế đâu có vô duyên.
* Thưa ông, ông nói “Tết này có cái gì khang khác”, cái khang khác là cái gì vậy?
- Đó là không khí xã hội, nó thể hiện ở những người trẻ mà tôi gặp, ít thôi và có thể những người như thế còn rất ít, nhưng thật là tuyệt vời. Họ làm việc với một tâm thế mới. Đó là những người không xem đồng hồ khi làm việc, không có thói quen “đầu tiên” là “tiền đâu”, không quan tâm đến việc người khác biết đến mình. Chúng ta nghĩ quá nhiều về sự “hư đốn” của đám đông không chỉ ở lớp trẻ mà cả ở những người tuổi không còn trẻ nữa, về suy thoái kinh tế và những bất ổn xã hội, những cái này che lấp những gì tốt đẹp đang nảy nở (tôi gọi là “những tốt đẹp của những kẻ vô danh”, bởi nó chưa được biết đến và có thể nó chưa chính danh).
Những kẻ vô danh đó có thể đang lộ diện trong bóng đá và nó cho hàng vạn người trên sân Mỹ Đình thấy cái sức mạnh tiềm ẩn của mình. Cứ bám mãi vào cái cũ, lấy tiêu chuẩn của cái cũ để rồi đánh mất cái dũng khí đổi mới đương nhiên sẽ rơi vào bế tắc. Trông chờ vào những huấn luyện viên nổi tiếng có thành tích, những ngôi sao bóng đá bạc tỷ, trông chờ vào tiền bạc đầu tư của các đại gia mà không dám sử dụng “những kẻ vô danh”, kết quả thế nào thì đã rõ.
* Đặc tính của người làm văn nghệ là bao giờ cũng có một chút thái quá, ông có nghĩ rằng mình mừng hơi sớm không?
- Xã hội cũng có dấu hiệu tốt đẹp như bóng đá vậy. Tôi là người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc và văn hóa, va chạm rất nhiều, vướng cái cũ rất nhiều, nhiều tới mức nản lòng nên tôi cảm nhận được những dấu hiệu của sự đổi thay dù nó còn rất mờ nhạt. Bóng đá phản ánh xã hội rất rõ.Bạn cứ thử nghĩ mà xem bóng đá thế nào thì xã hội cũng y như thê. Cứ phân tích đời sống bóng đá của ta là ra hết. Nên nhận xét của tôi chẳng văn nghệ lắm đâu, cũng thực tế đấy.
Trước Tết, trên đường xuyên Việt về quê ăn Tết, tôi ghé qua Ninh Bình và có gặp Phạm Văn Quyến. Quyến là một điển hình cho sự tụt dốc của một cầu thủ và cũng là biểu tượng cho sự tụt dốc của bóng đá. Nghe anh Trường (bầu Trường) kể về Quyến, trò chuyện trực tiếp với Quyến, thấy anh chàng bẽn lẽn, hay lắm. Tôi tặng cậu ấy một quả bưởi da xanh mang từ Sài Gòn ra. Tôi tin Quyến sẽ thay đổi. Và rất có thể cuối năm nay sẽ được gọi lại vào đội tuyển quốc gia cũng chưa biết chừng. Chúng ta cần có lòng tin, không được để mất nó. Mất lòng tin là mất tất cả.
* Với sự quan sát đội tuyển, ông tin rằng bóng đá Việt Nam đã bắt đầu thời kỳ mới, nhưng V-League còn đang rối rắm lắm, ông nghĩ sao?
- Đúng, giải chuyên nghiệp mới là nền tảng thật sự cho sự đổi mới và phát triển của bóng đá và nó đang rắc rối thật. Nhưng bạn cứ tin tôi đi, dù muốn hay không muốn, tất cả từ ông bầu cho đến cầu thủ đều sẽ phải nhận ra mình không thể sống như cũ. Tuột dốc như thế là đến đáy rồi, muốn tồn tại phải leo lên thôi. Chật vật đấy và chắc có những kẻ sẽ bị rơi, nhưng việc leo dốc sẽ thành phong trào chứ không lẻ tẻ như lúc này đâu. Đời là như vậy, cùng tắc biến. Và tôi tin rằng bóng đá ta sẽ leo dốc được, dù sức cản nằm chính trong những người quản lý thể thao, trong liên đoàn và trong một vài ông bầu vẫn còn rất lớn.
* Ông là người phản đối dùng huấn luyện viên nội, nhưng kết quả việc dùng huấn luyện viên nội đã chứng tỏ ý kiến của ông là không đúng. Ông có thừa nhận điều ấy không?
- Huấn luyện viên Hoàng Văn Phúc đã chứng tỏ được năng lực của mình nhưng chỉ trong thời điểm này thôi. Một khi chúng ta dám đoạn tuyệt với cái cũ, sức mạnh tiềm ẩn của cái mới sẽ bùng phát. Ông Phúc và các cầu thủ của ông là yếu tố mới, nên cái phút đầu tiên ấy rực rỡ cũng là dễ hiểu. Nhưng đổi mới lại là một quá trình, chỉ có bùng phát thôi là chưa đủ. Tôi nghĩ về thực chất ông Phúc và các cầu thủ trẻ của ta còn phải học hỏi nhiều, nỗ lực nhiều. Cho nên về lâu dài ta vẫn phải mời huấn luyện viên ngoại và để cho đồng bộ với VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam), ta nên mời huấn luyện viên Nhật Bản và ông Phúc làm huấn luyện viên phó để học việc là tốt nhất.
* Thế còn việc dùng cầu thủ đang sinh sống ở nước ngoài, ta có vẻ đang học tập Philippines. Ông thấy thế nào?
- Bằng con đường này, Philippinesđã cải thiện vị thế của mình trong một thời gian rất ngắn. Vị thế của một nền bóng đá có ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển bóng đá, nó tạo cảm hứng cho người làm bóng đá, các cầu thủ, cho phong trào và cho công chúng trong nước. Ta có nhiều cầu thủ gốc Việt đẳng cấp có thể khắc phục những điểm yếu của cấu thủ nội (như trường hợp Mạc Hồng Quân và Michael Nguyễn) và ta có những cầu thủ nhập tịch đẳng cấp như Huỳnh Kesly, việc không gọi những người cỡ như thế vào đội tuyển là một sai lầm. Nếu cởi mở một chút như Philippines chắc việc đội tuyển lọt vào vòng trong của các giải đấu châu lục là có thể hy vọng. Nước Nhật từng làm thế, nước Nga cũng vậy, họ đều dùng cầu thủ Brazil nhập tịch trong đội hình chính của đội tuyển, dù họ đều đã có những đội tuyển mạnh. Vậy ta tại sao lại không?
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất