HLV Phan Thanh Hùng: Từng thất bại, cay đắng rồi lại đứng lên

31/08/2013 13:12 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Sinh ra ở thành phố lớn nhất miền trung, Đà Nẵng, nhưng tài cầm quân của huấn luyện viên Phan Thanh Hùng chỉ phát tiết khi ông nhận lời ra thủ đô cầm Hà Nội T&T. Cho đến thời điểm này, sau ít nhất bốn năm triều đại Phan Thanh Hùng ở Hàng Đẫy, đó là quyết định đúng đắn nhất trong sự nghiệp cầm quân của cựu tiền đạo Quảng Nam Đà Nẵng và đội tuyển Việt Nam.

Chức vô địch V-League 2013 cùng với Hà Nội T&T mới đây, đã là danh hiệu thứ hai của ông Phan Thanh Hùng trong sự nghiệp huấn luyện và là thứ ba, tính cả khi còn chơi bóng.

Từ lận đận đến hoài nghi

Phan Thanh Hùng thuộc thế hệ thứ hai của bóng đá đất Quảng, sau lứa của những Trần Vũ, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Vũ Văn Tư. Bắt đầu nghiệp “quần đùi áo số” khi mới 17 tuổi, ở Công đoàn Ô-tô Đà Nẵng, rồi Cảng Đà Nẵng, tuy nhiên sự nghiệp của Phan Thanh Hùng chỉ thực sự thăng hoa khi ông chuyển về khoác áo Công nhân Quảng Nam Đà Nẵng đầu những năm 1980, thời điểm còn chưa tách tỉnh. Đội hình của Quảng Nam Đà Nẵng khi ấy sở hữu hàng loạt cầu thủ tài năng mà sau này người hâm mộ bóng đá xứ Quảng-Đà gọi họ là “thế hệ vàng”: Thanh Hùng, Công Thìn, anh em Thông Tân - Thông Tuân, Văn Lợi, Minh Toàn, Văn Sinh, Kim Tuấn…, đã lên ngôi vô địch quốc gia năm 1992.



Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng trong ngày vui của cô con gái rượu

Thời đó Quảng Nam Đà Nẵng rất mạnh, liên tiếp lọt vào trận chung kết hạng A1, đội mạnh, Cúp quốc gia, giai đoạn từ năm 1987 đến 1993. Ở vị trí trung phong, Phan Thanh Hùng luôn là mối hiểm họa của hàng thủ đối phương. Ngón độc của tiền đạo Phan Thanh Hùng là khả năng không chiến, dừng trên không và “lắc” đầu. Bối cảnh lịch sử đã khiến cho Phan Thanh Hùng, cũng như rất nhiều danh thủ khác của bóng đá Việt Nam thời bấy giờ, ít lần tìm được điểm chạm ở đấu trường quốc tế, cũng như khu vực. Nhưng bàn thắng anh ghi vào lưới Singapore ở vòng loại World Cup 1994 (bàn thắng thứ hai của bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế kể từ khi hòa nhập), là một cột mốc quan trọng.

Cầu thủ Phan Thanh Hùng tài năng là thế, song nghiệp huấn luyện lại khá lận đận. Cho đến trước khi đưa U21 SHB Đà Nẵng đoạt cú đúp vô địch các vòng chung kết U21 quốc gia - Cúp Báo Thanh Niên 2008 và 2009, Phan Thanh Hùng từng bị phế ngôi ở ca-bin ban huấn luyện đội một SHB Đà Nẵng (nhường chỗ cho tướng trẻ Lê Huỳnh Đức sau này). Trước đó, Phan Thanh Hùng cũng từng thăng hoa với đội tuyển U17 Việt Nam tại festival bóng đá Đông Nam Á ở Nam Định, năm 2007. Thế nên ngay cả khi đã lên tuyển làm trợ lý cho các huấn luyện viên Henrique Calisto hay Falko Goezt, thậm chí cầm luôn đội tuyển Việt Nam (2012) và Hà Nội T&T, nhiều người vẫn cứ hoài nghi năng lực làm bóng đá đỉnh cao của ông Hùng.

Thất thế ở cố hương, việc Phan Thanh Hùng ra Thủ đô chỉ là một giải pháp tình thế, với cơ chế bóng đá Đà Nẵng lúc ấy có mối quan hệ hữu cơ với Tập đoàn T&T của bầu Hiển. Ít ai ngờ rằng, đấy lại là duyên trời định. Cùng với Hà Nội T&T, chỉ sau 4 năm, Phan Thanh Hùng đã chứng minh cho tất cả thấy năng lực chinh phục và nguồn năng lượng bất tận trong huyết quản của một ông thầy mát tay.

Không chiến, bất tự thành ?

Cho đến tận sau này, Phan Thanh Hùng vẫn thường không muốn nhắc tới giai đoạn khó khăn ở xứ Quảng-Đà, thời điểm ông bị cho thôi việc ở ban huấn luyện đội một SHB Đà Nẵng, để nhường lại cho tướng trẻ Lê Huỳnh Đức. Đấy là một cú sốc thực sự trong sự nghiệp của Phan Thanh Hùng, khi người ta phế ngôi một công thần, một người cặm cụi, yêu nghề, được học hành tử tế và giao cho một lính mới, chỉ mới dứt sự nghiệp “quần đùi áo số”. Nhưng cũng giống như khi Phan Thanh Hùng thất bại ở tầm đội tuyển quốc gia (AFF Cup 2012), vị tướng họ Phan thường chọn cách im lặng. Phải, câu trả lời là trên sân. Bóng đá không đơn giản chỉ là thành tích, mà còn là sự cống hiến.

Sân Hàng Đẫy từng là ngôi nhà chung của rất nhiều các tên tuổi cũ trong làng bóng đá thủ đô: Công An Hà Nội, Đường Sắt Việt Nam, rồi phức hợp Hàng không Việt Nam và Hà Nội ACB… Trong số đó, Hà Nội T&T có tuổi đời non trẻ nhất, chỉ mới xuất hiện trên bản đồ V-League từ 5 năm đổ lại đây. Chỉ với 5 năm, nhưng có tới 4 lần họ lọt trận “chung kết” mùa và chiến thắng 2 lần. Tất cả đều chỉ đến dưới thời Phan Thanh Hùng. Có ý cho rằng, kỷ nguyên mới của V-League mở ra và nó thuộc về gia đình nhà T&T, với Hà Nội T&T ở đất Thăng Long và SHB Đà Nẵng ở xứ Quảng.

Với danh hiệu vô địch quốc gia thứ hai trong sự nghiệp huấn luyện và là thứ ba trong đời, Phan Thanh Hùng có thể sánh ngang với những bậc tiền bối như Lê Thụy Hải, Calisto và bằng phân với đồng nghiệp trẻ hơn, người thế vai ở sân Chi Lăng, Lê Huỳnh Đức. Với cơ chế thoáng và cả những cơ hội mở ra ở đất thủ đô, nơi mà Phan Thanh Hùng đã xem là quê hương thứ hai, có thể vị tướng họ Phan sẽ đào sâu hơn những kỷ lục trong tương lai gần. Đó là những chức vô địch V-League tiếp theo, Cúp quốc gia (danh hiệu duy nhất Hà Nội T&T còn thiếu) và thậm chí cả đấu trường châu lục AFC Cup. Ở tuổi 53 (sinh năm 1960), giờ mới là độ chín sự nghiệp huấn luyện của Phan Thanh Hùng.

Tất cả đều không tự nhiên đến, bởi bóng đá không có khái niệm bất chiến tự nhiên thành. Trước khi xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu ở tầm cao, Phan Thanh Hùng đã được biết đến như một trong những nhiều bằng cấp nhất của bóng đá Việt Nam. Ông tốt nghiệp rất sớm lớp huấn luyện viên bằng A của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), học thêm các lớp trợ giảng và các giáo trình đào tạo trẻ, nâng cao, cũng như ngoại ngữ... Một con người cầu thị và rất chừng mực trong ứng xử với thời cuộc.

Cuộc sống vẫn thường khép lại một cơ hội của bạn nhưng lại mở cánh cửa khác nhiều thách thức hơn. Tôi đã từng thất bại, cay đắng, rồi lại đứng lên. Tôi đã bắt đầu cảm thấy mình may mắn khi được làm việc với một chuyên gia hàng đầu như Henrique Calisto, kể từ năm 2008. Tôi học hỏi được rất nhiều và nó tiếp bước cho những thành công sau này, trong nghiệp huấn luyện. Trong mối quan hệ công việc, không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, những đấu tranh và tôi còn cảm thấy may mắn hơn, hạnh phúc hơn khi được làm việc với bầu Hiển, cũng như các cộng sự trong cabin ban huấn luyện Hà Nội T&T và cả các học trò giàu khát vọng. Với tôi, cái còn là cái để lại, chứ không phải chỉ biết sống cho mình.- HLV Phan Thanh Hùng


CCKM
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm