Hậu vệ Phạm Văn Nam: Được đá bóng đã là vui

21/03/2013 15:45 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Biết mình bị loại trước ngày ĐT Việt Nam lên đường đi Hong Kong (Trung Quốc), Phạm Văn Nam không hề buồn, bởi “với em, được lên tập trung, luyện tập đã là quá vui rồi. Em trân trọng đến từng phút giây được chơi bóng ở ĐTQG…”

Với một cầu thủ từ giải hạng Nhì mà được khoác áo ĐTQG như Văn Nam thì chẳng khác nào giấc mơ trở thành hiện thực. Ảnh: TUV

Dù khó khăn, mảnh đất bóng đá Nam Định vẫn cứ khởi phát tài năng, và trường hợp trung vệ trẻ Phạm Văn Nam thực sự là một câu chuyện có nhiều những điều lạ kì. Người ta hay nói “tùy duyên”, và Văn Nam như có cái duyên tiền định với bóng đá.

“Thằng nhóc này, đi đâu, đi tuyển bóng đá à”

Nam là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, quê gốc Giao Thủy (Nam Định). 11 tuổi, học lớp 6, thằng nhóc Văn Nam ngày ngày có một thú vui bất tận là đuổi theo quả bóng trên cái sân bóng ở gần nhà. Nam luôn chơi bóng với những đàn anh lớn hơn mình, bé đã vậy, và bây giờ, cả lúc đã khoác áo ĐTQG, cũng vẫn thế.

Một ngày, đang ăn dở bữa cơm cùng gia đình, cậu nhóc Văn Nam chỉ nghe được loáng thoáng trên TV thông tin Trung tâm đào tạo bóng đá Nam Định đang tuyển cầu thủ năng khiếu. Cũng chẳng biết phải thế nào mới được tuyển, ngày hôm sau, cậu nhóc lần đầu tiên có một quyết định quá liều lĩnh trong đời: âm thầm trốn nhà bắt xe lên thành phố Nam Định đi dự tuyển. Lên đến thành phố, chẳng biết đâu vào với đâu, Văn Nam đến gần sân Thiên Trường vì tưởng sẽ có thi tuyển bóng đá ở đây, ngờ đâu chẳng phải.

Một thằng bé ở huyện lên đang lơ ngơ chẳng biết phải làm sao, tình cờ ông thầy Vũ Thiện Luật đi ngang qua đó, cất tiếng hỏi: “Thằng nhóc này, đi đâu, đi tuyển bóng đá à…” May mắn cho Nam, chẳng hiểu nhìn thấy điều gì ở cậu nhóc này, ông Luật lọ mọ chở thẳng cu cậu ra Trung tâm đào tạo bóng đá Nam Định.

Thấy toàn anh lớn hơn mình đang dự thi, Nam cũng vào thi, lúc đấy mới lần đầu được biết các bài tập như tâng bóng, chạy, bật nhảy, các động tác cơ bản với quả bóng để tuyển cầu thủ năng khiếu là như thế nào. Các thầy yêu cầu gì, Nam cứ làm thử, vào đá thử thì cứ chơi như lúc đá bóng trên sân ở gần nhà. Ngờ đâu, Văn Nam trúng tuyển luôn. Cậu bé Văn Nam sau khi trúng tuyển, thì… ra về, lý do là đủ năng khiếu nhưng không đủ tuổi, bởi lần đó, Trung tâm đào tạo Nam Định chỉ tuyển cầu thủ 13 tuổi.

Văn Nam là lứa sau so với lứa của Danh Ngọc, Nhật Nam. Sau những thăng trầm của bóng đá Nam Định, nhiều anh lớn thành danh đã ra đi, nhiều cầu thủ trẻ tuyến dưới đã bỏ không còn tập bóng đá, riêng Văn Nam vẫn quyết theo đuổi, với một ý chí và lòng đam mê mãnh liệt, và sự quyết tâm đó đã được đền đáp.

Ông Vũ Thiện Luật trở thành người thầy dạy bóng đá đầu tiên của Văn Nam. Nếu không có cuộc gặp gỡ tình cờ và may mắn ấy, biết đâu Nam đã không đến được với niềm đam mê của mình. 10 năm sau cái ngày mà ông Luật hỏi “thằng nhóc, đi đâu” ấy, Nam Định có một tuyển thủ QG.

Giá trị của nỗi sợ hãi

Sau một thời gian khổ luyện, Văn Nam bắt đầu đi đá các giải trẻ. Dù bóng đá đi xuống, nhưng truyền thống và cái “chất” Nam Định vẫn còn, các đội U của Nam Định vẫn khá chất lượng. “Đá mấy giải U15, U17, bọn em đều lọt sâu, nhưng rút cuộc, toàn thua bởi SLNA. Trẻ SLNA đá ghê thật. Bọn em cùng lứa, đi đá với nhau nhiều, nên cũng quen nhau, rồi cùng được triệu tập ĐT Olympic, ĐT U22 về sau, đúng chỉ có mình em là cầu thủ Nam Định”, Văn Nam chia sẻ. Chơi tốt, Văn Nam được HLV Triệu Quang Hà triệu tập vào ĐT U19 QG.

18 tuổi, Văn Nam lên khoác áo U21 Nam Định. Mùa bóng 2011 đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp cầu thủ của Văn Nam. Trung vệ này được lên đội 1 để đá giải hạng Nhất. Nam cày ải nguyên mùa đó không thiếu trận nào. Đội yếu kém, rút cuộc kết thúc mùa giải bằng việc phải xuống hạng Nhì, nhưng riêng Văn Nam, với những gì đã thể hiện thì được HLV Phan Thanh Hùng để ý và gọi lên ĐT Olympic. Chuẩn bị cho SEA Games 26, Văn Nam cũng có tên, nhưng thời điểm ấy, ĐT U23 có nhiều trung vệ tốt, và đến khi chốt lại danh sách, ông Falko Goetz đã gạch tên Văn Nam.

Không coi đó là một cú sốc, không nản chí, biết mình còn trẻ và cơ hội còn nhiều, quay về Nam Định, Văn Nam lại ngày ngày tự mình ra sân tập luyện, đi đá cùng đội trẻ Nam Định, thậm chí để được chơi bóng liên tục đỡ đánh mất cảm giác, Văn Nam đá phủi, đá phong trào đủ cả. Phải như vậy, bởi Văn Nam chỉ chơi ở giải hạng Nhì, giải đấu chỉ diễn ra gói gọn trong thời gian ngắn với rất ít trận đấu.

Nam nói: “Có những lúc em rất sợ, sợ vì mình sẽ thụt lùi. Các thầy nói đây là giai đoạn phát triển nhất, cần phải nỗ lực học hỏi nhiều nhất, và em sợ, em tiếc khi mình không có nhiều cơ hội cọ xát, nên tự nhủ mình phải cố gắng thôi”.  Khó mà có thể hiểu hết những khó khăn, và cả những nỗi lòng, của một cầu thủ trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết, nhưng lại có quá ít cơ hội để hoàn thiện bản thân ấy, và cũng vì thế, những sự nỗ lực để đi lên của Văn Nam quả là rất đáng ghi nhận.

Niềm tự hào còn lại của bóng đá thành Nam

Nam nói rất thật lòng: “Em cũng may mắn, vì mình được các thầy lưu ý, chứ không, đá ở giải hạng Nhì khéo chẳng ai để mắt đến mình. Năm ngoái, em cùng Hữu Khôi được thầy Phúc gọi vào ĐT U22, cả 2 đều mừng vui lắm, cứ hồi hộp chờ ngày lên tập trung, rồi lên là lao vào tập luyện”. Đá BTV Cup 2012, Văn Nam chơi cặp trung vệ cùng Thanh Hào. ĐT U22 có một giải đấu thành công, đánh bại nhiều đối thủ mạnh hơn và chỉ thua Bình Dương ở trận chung kết.

Niềm vui lớn đến với Văn Nam khi bất ngờ được có tên trong thành phần ĐTQG. “Lần đầu được khoác lên mình chiếc áo ĐTQG, cảm giác quả thật lâng lâng sung sướng. Được lên tập cùng anh em đồng đội, khi mình cứ liên tục bị “khát” bóng đá, chỉ sợ không tập luyện liên tục là mình tụt lùi đi, hỏi sao em không vui mừng. Biết mình thua thiệt hơn, em tự nhủ phải luôn cố gắng. Được làm việc với thầy Phúc cũng là một sự may mắn, bởi nhờ thầy, rồi có cả sự giúp đỡ của các anh lớn khác, em học hỏi được rất nhiều”, Văn Nam tâm sự.

Lên tập trung, trong cách buổi tập, Văn Nam chơi cặp cùng Tiến Thành hoặc Thanh Hào. Rất chăm chỉ và nỗ lực, ánh mắt Văn Nam cứ luôn rạng ngời lên niềm vui chẳng thể che giấu. Hiệp 2 trận đấu giao hữu với HN T&T trên sân Hà Nam, Văn Nam được tung vào sân. Đá xong, trung vệ này nở nụ cười tươi và bảo: “Được chơi bóng với sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo CĐV, công nhận sướng thật. Với em, cứ được chơi bóng là vui rồi”. Sau những gì đã trải qua, thì Văn Nam trân trọng từng phút giây được chơi bóng, được luyện tập cùng ĐTQG, cùng anh em đồng đội, cùng thầy Phúc.

Nhìn lại, thì suốt thời gian qua, bóng đá Nam Định tụt lùi đi rất nhiều, và trong sự tụt lùi và khó khăn ấy, dường như ngày càng ít tài năng được sản sinh ra. Sau lứa Trung Kiên, Trọng Lộc, Đức Dương, đến lứa của Danh Ngọc, Nhật Nam, giờ đây không biết đến bao giờ bóng đá Nam Định mới có được cả một lứa cầu thủ, một đội hình gồm nhiều những tài năng nữa.

Trong hoàn cảnh ấy, Nam Định vẫn còn có một cầu thủ có tên ở ĐTQG, và Văn Nam bỗng dưng lại trở thành của hiếm, thành niềm tự hào nho nhỏ cho những người dân vẫn còn quan tâm, vẫn còn nhiệt huyết và hy vọng ở bóng đá thành Nam. Niềm vui, may mắn chỉ đến với những ai biết cố gắng và nỗ lực, điều này rất đúng với Văn Nam. Tròn chục năm phấn đấu với nghị lực hơn người, chiếc áo ĐTQG đang mặc giống như một phần thưởng quý giá đối với Văn Nam.

21 tuổi, đích đến, mục tiêu phấn đấu của Văn Nam sẽ là SEA Games 27 vào cuối năm nay, và Nam còn cơ hội đá thêm một kỳ SEA Games nữa. Thêm nữa, cơ hội cho các đội thăng hạng Nhất mùa bóng năm nay cũng nhiều, và mong muốn của Văn Nam là sẽ được cùng các đồng đội ở Nam Định chơi ở mùa giải hạng Nhất mùa năm sau. Nam còn trẻ, và với tinh thần cầu tiến cao độ, chắc chắn sẽ còn tiến bộ rất nhiều.

Trần Uy Vũ
Thể thao & Văn hóa

HLV trưởng ĐT Việt Nam Hoàng Văn Phúc: ĐT Việt Nam luôn cần có những trung vệ tốt, đặc biệt là những cầu thủ trẻ trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games. Văn Nam là cầu thủ có tinh thần cầu thị cao, em ấy còn rất ngoan, chịu khó. Những cầu thủ như Phạm Văn Nam hay Đinh Tiến Thành là “của để dành” cho SEA Games vào cuối năm nay. Các em ấy còn trẻ, cơ hội còn rất nhiều.

- Trong danh sách ĐTQG hiện tại, trung vệ sinh năm 1992 Phạm Văn Nam không phải cầu thủ duy nhất trưởng thành từ “lò” đào tạo bóng đá Nam Định, nhưng Nam là người duy nhất đang khoác áo CLB Nam Định. “Chỉ đá ở giải hạng Nhì, em thua thiệt hơn nhiều so với những anh em đồng đội khác. Vì thế, được khoác áo ĐTQG, em cứ luôn là người cảm thấy may mắn, thấy vui và hạnh phúc nhất…”, Văn Nam tâm sự rất thật.

- Trung vệ nội mà Văn Nam yêu thích là Như Thành, cũng là người gốc Nam Định. Thời gian đá giải hạng Nhất trong màu áo Nam Định, Văn Nam chỉ thích đối đầu với những tiền đạo ngoại binh to khỏe, bởi “dù có mệt mỏi, bầm dập, thậm chí thua trận, đá với người mạnh hơn mình mới có kinh nghiệm hơn được”.

- Mất đúng một năm, Nam phải xin xỏ, thuyết phục các kiểu thì bố mẹ mới đồng ý cho lên thành phố Nam Định vừa tập bóng vừa đi học, vì thương cậu con nhỏ vất vả, không muốn cho xa nhà. Chưa được đưa vào ăn ở tập trung, bố mẹ đành gửi cậu con ở nhà trọ cùng người thân, nhờ người thân “nấu nướng cho em nó ăn uống đầy đủ, mới có sức tập bóng được”. Nam nhớ lại hồi đó, ham tập bóng quá, sáng có buổi tập thì ra tập, chiều lại tự ra tập tiếp, tập về phải tắm, tắm nhiều quá tốn nước, chủ nhà khó chịu thu thêm cả tiền nước.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm