Góc Hồng Ngọc: Cam kết gắn bó (Bài 4)

27/10/2011 11:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Bóng đá VN chưa có đủ nội lực để tự bật lên, nên rất cần sự đầu tư của các doanh nghiệp. Nhưng không phải là vơ bèo vạt tép, vì những doanh nghiệp nhảy vào làm bóng đá trong chốc lát chỉ làm hại bóng đá.

Bong bóng và hụt hẫng

Rất nhiều doanh nghiệp đã nhảy vào làm bóng đá, ở mức kiểm soát toàn bộ, kiểm soát và đầu tư tài chính, hay tài trợ ghép tên. Nhưng như đã nói, có rất ít doanh nghiệp ở lại với đội bóng, mà hầu hết là ra đi nhanh chóng, thậm chí chỉ sau một năm.

Bóng đá VN được gì từ những doanh nghiệp như thế? Ngay lập tức có thêm tiền, và dường như là có thêm sinh khí cho đội bóng. Các cầu thủ thì có thêm tiền “bán mình”, lương và thưởng. Nhưng cái được ấy ẩn chứa họa nhiều hơn phúc.

Nam Định (phải) từng cạnh tranh quyết liệt chức vô địch V-League với HA.GL ở mùa giải 2004,

nhưng giờ đã xuống tới hạng Nhì sau khi tụt liền 2 hạng trong 2 năm. Ảnh: Quang Nhựt

Sinh khí ở đây chính là hiệu ứng kích thích ban đầu của doping tiền. Nhưng như chúng ta đã nói, hiệu ứng đó chỉ trong ngắn hạn, và để duy trì nó lại phải tiếp tục nâng mức thưởng. Tiền trở thành thứ chi phối mọi hành vi của cầu thủ, làm tha hóa nhân cách của họ.

Tiền khi được chi trả vượt quá giá trị lao động thực tế của người lao động cũng sẽ gây ra ngộ nhận về giá trị của bản thân họ, khiến họ định giá sai lệch đồng tiền, và dẫn đến những hành vi lệch lạc trong việc sử dụng đồng tiền. Một cầu thủ hàng đầu của V-League nhiều năm qua mới đây đã thừa nhận anh ta mất hết những tài sản đã có vì những trò đỏ đen, dù số tiền mà anh ta thu được tới hàng chục tỷ sau những lần “bán mình” cho Bình Dương rồi Ninh Bình.

Đẩy giá trị cầu thủ vượt quá giá trị thật là hiện tượng phổ biến trong bóng đá VN những năm qua, bắt nguồn chính từ các doanh nghiệp đầu tư ăn xổi vào bóng đá. Vì thời gian để bắt đầu đào tạo cầu thủ cho đến khi gặt hái thành quả tốn cả một thập kỷ, nên một doanh nghiệp làm bóng đá không có tâm thức hoạt động lâu dài, cách tất yếu họ sẽ làm là đi “cướp” cầu thủ đã trưởng thành của các đội bóng khác, bằng cách trả tiền cao hơn cho cầu thủ.

Thực tế, giá trị cầu thủ VN đã được đẩy lên cao nhanh chóng mặt trong nửa thập kỷ qua, tỷ lệ thuận với số doanh nghiệp nhảy vào làm bóng đá (và nhảy ra).

Những doanh nghiệp làm bóng đá ngắn hạn là thủ phạm tạo ra bong bóng giá trị cầu thủ, để rồi chính họ lại là nạn nhân vì chi phí quá cao, càng phải rút lui sớm.

Nhưng các cầu thủ cũng đừng ảo tưởng rằng quá trình leo thang giá trị là vô hạn. Số doanh nghiệp sẵn sàng nhảy vào bóng đá có hạn, trong số đó, những kẻ đã trải nghiệm (ngán ngẩm) với bóng đá thì ngày một nhiều. Khi doanh nghiệp rút lui là lúc họ phải hẫng hụt.

Như đội Nam Định đã phải hẫng hụt khi không còn nhà tài trợ đủ hào phóng tiếp tục chơi, để đến nỗi 2 năm tụt 2 hạng.

Và mới đây các cầu thủ Hòa Phát cũng hẫng hụt khi Hòa Phát từ bỏ bóng đá. Cũng không có doanh nghiệp mới nào nhảy vào, mà lại là ACB hứng lấy.

Chúng ta hãy để ý một điều: Những doanh nghiệp làm bóng đá đầu tiên và hiện vẫn không từ bỏ như HA.GL, Đồng Tâm, ACB lại là những đội “cứng nhắc” nhất trong việc không chạy đua giá cầu thủ.

Vì những nhà đầu tư dài hạn không chủ trương chạy theo bong bóng và thổi bong bóng.

Trong số này, HA.GL đã đầu tư một Học viện bóng đá rất được kỳ vọng. ACB mới đây cũng mua lại toàn bộ cơ sở đào tạo của Hòa Phát với giá cao ngất ngưởng.

Cần cam kết gắn bó từ doanh nghiệp

Chỉ có những doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào bóng đá mới có thể được kỳ vọng thúc đẩy bóng đá VN phát triển.

Với việc thành lập VPF (hoặc V-League JSC), rất thích hợp để đòi hỏi một cam kết như vậy từ các doanh nghiệp trong khuôn khổ VPF, hơn là khi VFF đòi hỏi các doanh nghiệp điều này. Tạm gọi là “cam kết gắn bó”, hoặc “cam kết dài lâu”. Tôi xin đề xuất:

Thứ nhất, các doanh nghiệp bước vào làm bóng đá hoặc tài trợ ghép tên phải cam kết tham gia hoạt động bóng đá dài hạn tối thiểu 10 năm. Chỉ với thời hạn tối thiểu này, các doanh nghiệp mới đầu tư vào hệ thống đào tạo bóng đá.

Thứ hai, các doanh nghiệp làm bóng đá phải đặt cọc để thể hiện trách nhiệm về mặt tài chính đối với cam kết. Mức đặt cọc thích hợp là 100 tỷ với doanh nghiệp làm bóng đá, và 50 tỷ với doanh nghiệp tài trợ ghép tên. Toàn bộ số tiền cọc do VPF kiểm soát, được gửi ngân hàng hoặc đầu tư an toàn. Từ năm thứ 6 tới năm thứ 10, VPF trả lại cho các doanh nghiệp mỗi năm 10% số tiền cọc cùng với lãi suất. Hết thời hạn 10 năm, toàn bộ số tiền cọc được hoàn trả. Nếu doanh nghiệp bỏ bóng đá trước thời hạn cam kết, toàn bộ số tiền cọc còn lại ở thời điểm đó sẽ thuộc về VPF.

Thứ ba, có thể bổ sung cam kết về xây dựng hệ thống đào tạo. Nếu doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống đào tạo đạt chuẩn quy định, họ được hoàn lại toàn bộ số tiền cọc ngay sau thời điểm đó. Nếu sau 10 năm vẫn không xây dựng được hệ thống đào tạo đạt chuẩn, 50% số tiền cọc sẽ thuộc về VPF.

Với chế độ cam kết và đặt cọc, các doanh nghiệp có ý định ăn xổi sẽ từ bỏ ý định làm bóng đá, còn nếu họ vẫn cứ làm nhờ mối lợi thu lại lớn hơn, VPF và bóng đá VN sẽ được “bồi thường” bằng số tiền cọc thu được.

Tôi tin rằng, ở thời điểm này, các doanh nghiệp có ý định làm bóng đá dài hạn sẽ sẵn sàng cam kết để chứng tỏ sự chân thành của mình với việc góp sức phát triển bóng đá VN.

Và khi các doanh nghiệp thực hiện cam kết, sẽ giảm căn bản hiện tượng chạy đua nâng giá cầu thủ, và các đội bóng đều chú tâm vào đào tạo. Nó sẽ tạo ra sự phát triển thực chất cho bóng đá VN.

Hồng Ngọc


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm