17/08/2013 20:03 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Đã đứng trong đội hình SHB Đà Nẵng đoạt hai chức vô địch V-League, chơi chính kể từ V-League 2010, hậu vệ cánh đa năng Phan Duy Lam xứng đáng được ý thức vai trò cao hơn trên bình diện các đội tuyển quốc gia. Nhưng tại sao và như thế nào, Lam vẫn ở đó, lầm lũi như một con ong thợ và chưa một lần được cất nhắc?
Đấy là một câu chuyện dài và người ta hiểu rằng, trong bóng đá, chỉ mỗi chuyên môn tốt là chưa đủ.
Đá bóng có dây ?
Không quá lời khi nói rằng, bất cứ thời điểm nào kể từ năm 2009, thậm chí là trước đó nữa, SHB Đà Nẵng cũng có thể cung cấp cho đội tuyển quốc gia nhiều hơn ba cái tên. Trước đây là Phước Vĩnh, Hải Lâm và Quang Cường; sau đó đến Phước Vĩnh, Cao Cường, Hoàng Quảng. Và ngay lúc này, có thể là Phước Vĩnh, Hải Lâm, Hoàng Quảng và cả “cánh chim lạ” Phan Duy Lam.
Duy Lam chơi tiến bộ bên cánh phải của SHB.ĐN. Ảnh: Phi Hải
Tất cả đều biết, Vĩnh đã dính chấn thương nặng, phải lên bàn mổ, khiến hàng hậu vệ đội tuyển Việt Nam phải vá víu, trước khi bại trận trên đất Thái trong khuôn khổ AFF Cup 2012. Vào thời điểm đó, Hải Lâm, người đá cặp với Phước Vĩnh ở trung tâm hàng hậu vệ bốn người trong màu áo SHB Đà Nẵng, được nhắm tới như một sự thay thế hoàn hảo. Nhưng người trong cuộc không nghĩ vậy.Hậu vệ Đà Nẵng cuối cùng từng tỏa sáng trên bình diện đội tuyển quốc gia, thật oái oăm, vẫn là cái tên Quang Cường. Cùng với đội tuyển Việt Nam, Quang Cường đã là nhà vô địch Đông Nam Á 2008. Ngoài Quang Thanh (Becamex Bình Dương) và Việt Cường (Xi măng Xuân Thành Sài Gòn bây giờ) ở một đẳng cấp khác, rất thường xuyên, các hậu vệ cánh đội tuyển quốc gia luôn là các sản phẩm của lò sông Lam và Hà Nội T&T.
Không hề vô cớ khi người ta nói, đá bóng có “dây” và lên tuyển cũng phải có “dây”. Người ta từng biết, cùng với cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn, “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam từng tập hợp rất nhiều cầu thủ Thể Công cũ. Đến lứa của Quốc Trung sau này vơi dần, bởi sự lớn mạnh và cạnh tranh khốc liệt từ lò Sông Lam Nghệ An, mà Huy Hoàng, Văn Quyến, Hồng Sơn…, là những lá cờ đầu.
Trong màu áo SHB Đà Nẵng, ai là thủ lĩnh có thể đứng ra đảm bảo cho đồng đội mỗi lần tuyển tập trung? Sau Quang Cường, tiếc là không còn ai cả. Cầu thủ Đà Nẵng cơ bản lành tính và cũng ít bon chen. Ai lo phận người nấy, thế nên, ngay cả Phước Vĩnh, người đã đeo băng đội trưởng SHB Đà Nẵng trước khi có sự xuất hiện của Minh Phương, cũng không được coi như một thủ lĩnh tuyệt đối.
Trở lại với Duy Lam. Thật lạ là một cầu thủ trẻ, với nguồn năng lượng bất tận, chơi ổn định và có đủ thành tích cấp câu lạc bộ, lại chưa một lần được cất nhắc. SEA Games 26 năm 2011 trên đất Indonesia, Lam đáng ra đã ứng thí, sau hơn hai mùa giải cầm suất chơi chính ở Chi Lăng. Nhưng như đã nhắc, quân Sông Lam quá thừa mứa, cộng thêm tài năng trẻ phố núi Xuân Hiếu. Lam không “có cửa”.
“Em cũng chỉ mong đá tốt và được ý thức vị trí trong màu áo câu lạc bộ thôi, chứ nói chuyện đội tuyển quốc gia xa xôi lắm”, Duy Lam cười hiền. Lần cuối cùng Lam chơi trong màu áo đội tuyển, đó là U21 Việt Nam đá giải quốc tế dành cho các cầu thủ trẻ ở Pleiku và TP.HCM, cách đây đã hai, ba năm. Khá phí phạm.
Mục tiêu vừa tầm
Phút thứ 63, trận đấu giữa Đồng Tâm Long An và SHB Đà Nẵng trong khuôn khổ vòng 19, V-League 2013, Duy Lam xuất hiện ở ngoài khu vực cấm địa của đối thủ để đón lõng, sau tình huống đá phạt góc của Minh Phương. Cú quăng chân hoàn hảo của hậu vệ trẻ với quỹ đạo quả bóng rất khó đoán và SHB Đà Nẵng lần đầu tiên vượt lên dẫn trước ở trận đấu này.
Đáng ra đó sẽ là một chiến thắng nữa cho Lam và đồng đội, để đội bóng bên bờ sông Hàn nuôi tiếp giấc mơ vô địch. Nhưng như thể đã là một thuộc tính của SHB Đà Nẵng, với viễn cảnh thua ngược diễn ra liên miên. Từ sân Thống Nhất, trận đấu với Xi măng Xuân Thành Sài Gòn (vòng 18) và mới đây là Long An, SHB Đà Nẵng đánh rơi điểm số bởi những sai lầm.
Ở Đà thành, từ khoảng ba, bốn năm đổ lại, người thường xuyên cầm suất đá chính ở cả hai hành lang cánh không phải Hoàng Quảng, cựu hậu vệ U23 Việt Nam, cũng không phải bản hợp đồng tiền tỷ Tấn Điền, mà là Phan Duy Lam, cầu thủ sinh năm 1988, cùng lứa với Thanh Hưng, Nguyên Sa, Hoàng Quảng… Đơn giản bởi Duy Lam thuần nhất và cũng bền bỉ nhất.
Người Đà Nẵng tính nhẩm rằng, sau khi cựu đội trưởng của họ, Lê Quang Cường, bất ngờ bỏ cuộc chơi ở tuổi 26, phải rất lâu nữa sân Chi Lăng mới lại tìm được một truyền nhân ở hành lang cánh phải, đủ khả năng lên công về thủ và đặc biệt, sở hữu cái lòng trong chân phải hoàn hảo như Cường. Nhưng Duy Lam là một giải pháp không tồi, đáp ứng đủ mọi tiêu chí.
Trong hầu hết các trận đấu, Duy Lam thường được dùng như một “số 2” thuần túy ở cánh phải, tuy nhiên, bất cứ lúc nào có sự điều chuyển, hậu vệ trẻ này cũng có thể chơi tốt ở cả hành lang đối diện. Đó là lý do mà huấn luyện viên Lê Huỳnh Đức chưa từng chịu sức ép về một cuộc khủng hoảng thiếu ở tuyến thấp nhất của đội bóng, sau khi Quang Cường treo giầy.
Ý thức kỷ luật, chiến thuật của Duy Lam là không cần bàn cãi. Ngoài những tình huống leo biên, cứa lòng, đưa bóng tìm đến cái đầu của Gaston Merlo, Duy Lam còn sở hữu cái cổ chân rất dẻo, cho những cú đá phạt ở cự ly xa và trung bình. Duy Lam và Hùng Sơn giúp cánh phải của SHB Đà Nẵng tạo sự cân đối đáng kể với hành lang trái, với Quốc Anh và Tấn Điền, hoặc Hoàng Quảng.
Ở tuổi 25, Duy Lam cùng lứa cầu thủ sinh năm 1988-89 đang bắt đầu độ chín của sự nghiệp. Nếu tiếp tục duy trì được phong độ ổn định, cùng sự cầu thị, cầu tiến, AFF Cup 2014 là một mục tiêu rất vừa tầm.
Tôi đã từng kỳ vọng rất nhiều vào lứa học trò sinh năm 87 – 89 với Thanh Hưng, Hoàng Quảng, Duy Lam…, và thậm chí còn cho rằng, họ có thể tiến xa hơn lứa của Quốc Anh, Phước Vĩnh, Quang Cường… trước đây. Nhưng, đến thời điểm này thì tôi có chút thất vọng. Hoàng Quảng, Cao Cường đã chạm ngưỡng, hiện chỉ còn lại mỗi Duy Lam. Một cầu thủ ngoan và có tố chất. Nếu tiếp tục phấn đấu, Lam sẽ còn tiến xa- Phan Thanh Hùng, cựu huấn luyện viên trưởng ĐTQG và câu lạc bộ Hà Nội.T&T. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất