Serie A ở Champions League: Số 0 tròn trĩnh

27/02/2009 12:44 GMT+7 | Champions League

(TT&VH) -Sự khác biệt duy nhất trong 3 kết quả đối đầu Ý-Anh ở lượt đi vòng 1/8 chính là ở chỗ Roma và Juve đều thua 0-1, trong khi Inter không thủng lưới bàn nào trước đội bóng tấn công hay nhất nước Anh, M.U.
 
Tuy nhiên, xét về tổng thế, trận hòa đó cũng không khác gì thất bại. Vấn đề không chỉ nằm trong việc tất cả những hàng công hàng đầu Serie A bất lực trước mành lưới của đối thủ, một khi các đội bóng đến từ nước Anh xây dựng chiến thắng trong cách phòng ngự chặt chẽ và hiệu quả hơn chính người Ý (không thua Ý 1 bàn nào trong 9 trận đối đầu gần nhất ở các vòng knock-out) mà là ở lối chơi và thái độ chiến đấu của họ trước các đối thủ Premier League.
 
Tất cả theo cùng một kịch bản, cho thấy, bài học thất bại đồng loạt của mùa bóng trước vẫn chưa hề được học: khởi đầu chậm chạp và từ thận trọng thái quá trở thành sợ sệt để rồi ngay lập tức nhận đòn phủ đầu của đối phương, không tìm ra phương cách nhằm kiềm chế đối thủ, không có ngôi sao nào tỏa sáng trong thời điểm khó khăn nhất và thua trong hầu hết những cuộc đua cá nhân về thể lực và tốc độ. Vấn đề nghiêm trọng nhất về tinh thần: ngay cả sự kháng cự mãnh liệt của Juve ở cuối trận đấu trên sân Stamford Bridge và sự vùng vẫy tuyệt vọng của Inter cũng không thể xóa đi được ấn tượng của các tifosi, rằng họ đã ra sân với tư tưởng yếm thế ngay từ đầu. Vậy là người Ý đã thua trong hiệp đầu cuộc chiến Ý-Anh mùa giải mới, và còn có thể thua tiếp ở hiệp sau. 
Inter gặp cả núi khó khăn trước trận lượt về ở Old Trafford

Sự chênh lệch về chất lượng lối chơi và con người trong những cuộc đối đầu liên tiếp 2 năm qua đã thấy rõ. Trong khi 4 đại gia Italia ngày càng thụt lùi (Milan già cỗi và đi theo những chính sách sai lầm về ngôi sao, Inter vẫn không phải là một đội đá Cúp, Juventus mới trở lại châu Âu, Roma thiếu ổn định tâm lí, thi thoảng mới có những trận xuất thần) thì trình độ và chiều sâu đội hình của 4 đại gia Anh càng cao. Chỉ cần nhìn Ferguson tung ra một đội hình chỉ còn 5 người đá chính ở trận CK với Chelsea 8 tháng trước, cất đi Tevez, Scholes, Rooney (dự bị), không cần nốt Vidic (treo giò) và Neville (chấn thương) mà vẫn áp đảo Inter ngay ở San Siro là đủ hiểu. Mà đội Inter ấy trong 3 năm qua không có đối thủ ở Serie A. Sự vượt trội ở khả năng tài chính không có đối thủ được biến thành sự vượt trội về ngôi sao và sự thức thời trong cách chơi bóng đá: trong 2 mùa bóng liền, không nền bóng đá nào phòng ngự và tấn công tốt hơn họ, thể hiện qua số bàn thua ít nhất và bàn thắng nhiều nhất.

Chất Ý thấm vào cách phòng ngự và hỗ trợ phòng ngự. Chất Anh thể hiện trong tốc độ lên bóng và tinh thần chiến đấu đến phút cuối cùng. Các ông chủ tư bản trên đất Anh, sau khi bắt đầu mua những ngôi sao hết thời từ Serie A, chuyển sang những ngôi sao hàng đầu thế giới và tìm cách cuỗm đi những cầu thủ hay nhất Italia, giờ quay sang đánh bại các CLB Italia bằng chính những bài học calcio (họ mua luôn cả chất xám của Capello cho ĐTQG). Đấy là cả một quá trình kéo dài hơn 1 thập kỉ. Và sự thống trị toàn diện ấy sẽ còn kéo dài. Chẳng có gì ngạc nhiên khi lần lượt Lampard rồi Drogba cùng từ chối những lời chèo kéo của ông thầy cũ Mourinho. Vụ chuyển nhượng thế kỉ của Kaka cũng chỉ bị đình lại ở giây cuối cùng, khi Berlusconi trước đó đã chấp nhận bán danh dự và niềm tự hào của mình với giá 120 triệu euro.

Cơ hội cho các CLB Italia ở lượt về rất ít. M.U, con cừu giả bộ ngây ngô sẽ hiện nguyên hình là con sói ở Old Trafford trước Inter và những cơn cáu giận của Mourinho với trọng tài chẳng qua cũng chỉ thể hiện sự bất lực (nhưng Mou vẫn rất tự tin, bởi trong 3 năm trên đất Anh, Chelsea của ông đã 2 lần đánh bại M.U tại Old Trafford trong vòng 3 tháng đầu năm 2005). Juve là đội chơi tốt nhất trong 3 đội Italia nhưng mọi chuyện sẽ không hề dễ dàng bởi Chelsea đá sân khách hay không kém sân nhà. Roma khẳng định có thể tạo nên bất ngờ trước Arsenal, nhưng mùa này Roma đã sa sút quá nhiều. Những cuộc đối đầu nhỏ lẻ đầu những năm 2000 là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự thua kém của calcio và trở thành một cuộc tổng công kích người Ý kể từ chiến thắng của Liverpool ở Istanbul năm 2005. Năm 2007, Milan là đám lửa cuối cùng bùng lên từ calcio khi đánh bại cả M.U lẫn Liverpool trên đường đăng quang, nhưng chỉ là một ngọn nến nhỏ nhoi không ngăn cản được cơn lốc Anh nhưng lại đủ sức đốt cháy chính họ khi tạo nên những ảo tưởng về một Milan có thể đánh bại tất cả mà không cần trẻ hóa và tăng cường lực lượng một cách thông minh. Người Ý đang thất bại nặng nề trong những cuộc đối đầu mà số phận đã áp đặt lên họ. Vấn đề là họ rút ra được bài học gì từ đó. Người Anh giàu và ít nợ nần hơn. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở đó.

Bóng đá Italia có nguy cơ "diệt vong". Người TBN khủng hoảng. Bayern của Klinsmann là một ẩn số thú vị. Nhưng số 0 tròn trĩnh chưa dành cho ai cả, dù những kẻ chống lại quyền lực gần như tuyết đối của những đội bóng bên kia biển Manche có rất ít lí do để lạc quan.

Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm