M.U, Chelsea, Man City hay Arsenal đủ sức "quyến rũ" được Guardiola?

03/12/2012 18:51 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn)- Pep Guardiola có lẽ là HLV được nhiều CLB thèm khát nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Dù cựu HLV trưởng CLB Barcelona đã khẳng định ông sẽ không trở lại làm việc trước khi mùa giải này kết thúc, rất nhiều đội bóng vẫn đang xếp hàng để đợi chữ kí của ông. Tại Anh, Man City, Arsenal, Chelsea và cả M.U đều đã có những nỗ lực thuyết phục chiến lược gia người Tây Ban Nha. Sau tất cả, sẽ chỉ có một CLB thành công…

Man City: Tiền chưa phải là tất cả

Man City được xem là đội bóng theo đuổi Pep Guardiola quyết liệt nhất. Một trong những động thái đầu tiên của họ là việc đưa cựu phó chủ tịch Barca, Ferran Soriano, về làm GĐĐH của CLB. Họ cũng đã đưa về cựu GĐ bóng đá của Barca, bạn thân của Pep, Txiki Begiristain. Đương nhiên, sự có mặt của những cái tên quen thuộc từ xứ Catalunya không đảm bảo cho việc Pep sẽ đến Etihad. Nhưng điều đó đã cho thấy quyết tâm của đội bóng Anh quốc. Những động thái trên cũng cho thấy khát vọng đi theo con đường tiqui-taca của Man City, một lối chơi tương đồng với Barca của Pep.



Họ sẽ tái ngộ để làm nên những điều vĩ đại? - Ảnh: Getty

Chiến lược gia người Tây Ban Nha đã có một cái nhìn dài hạn trong suốt sự nghiệp huấn luyện của mình. Ông hẳn cũng nhận thức được những sự thuận lợi khi tới City. Công việc huấn luyện ở City, bên cạnh những người cộng sự cũ, sẽ có rất nhiều điểm tương đồng với thời gian Pep còn ở Barca.

Thế nhưng, việc Man City đưa Pep về CLB cũng sẽ mang tới những vấn đề riêng.

Đầu tiên, họ sẽ phải tìm cách hòa giải Pep và Yaya Toure, trụ cột quan trọng của City ở thời điểm này. Tiền vệ này đã phải rời Camp Nou sau khi Pep công khai ủng hộ Sergio Busquets và đưa chàng trai trẻ này tiến thẳng từ La Masia vào đội hình 1 của CLB.

Sau nữa, City cần phải nhớ rằng Pep cũng không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực chuyển nhượng. Dưới thời Txiki Begiristain ở Barca, Pep đã đưa về không ít chữ kí thất bại. Bộ đôi Zlatan Ibrahimovic và Dimytro Chygrynsky, những người đã ngốn của Barca khoảng 75 triệu bảng, khó có thể được coi là những hợp đồng thành công. Khi bộ đôi này tái hợp ở Etihad, City sẽ phải chấp nhận chi thêm nhiều, thậm chí là rất nhiều tiền, để họ đưa về những cái tên phù hợp. Tham vọng châu Âu sẽ chỉ thành công nếu City tiếp tục mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng.

Arsenal: Quá nhiều khó khăn đang chờ đợi

Nếu Pep từ chối City, ông có thể chọn Arsenal. Và như thế, lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, Pep sẽ phải làm việc với những điều kiện hạn chế về ngân sách. Nếu một HLV bình thường cũng có thể nhận thức được sự yếu kém của Arsenal trên mặt trận chuyển nhượng thì Pep chắc chắn phải nhìn thấu điều đó. Sẽ không còn những hợp đồng siêu khủng, những khoản chi lớn cho các ngôi sao. Để giải quyết vấn đề đó, Pep chỉ có 2 lựa chọn: hoặc dùng con mắt tinh tường để đưa về những cầu thủ xuất sắc với mức giá phải chăng, hoặc tìm đến lò đào tạo trẻ của CLB. Phương án đầu tiên chưa bao giờ là sở trường của Pep trong khi phương án thứ hai chưa chắc đã mang lại thành công. Học viện Arsenal, bất chấp tiếng tăm lừng lẫy của mình, vẫn chưa là gì khi đặt cạnh lò La Masia, nơi đã tạo ra thế hệ vàng của Barca và Tây Ban Nha thống trị mọi cấp độ của bóng đá thế giới.



Đến Arsenal, Pep sẽ gặp rất nhiều khó khăn - Ảnh: Getty

Trừ khi có một thay đổi lớn phía sau hậu trường của đội bóng, sẽ rất khó cho Pep có thể thành công ở Arsenal với những nguồn lực cực kì hạn chế. Thậm chí, duy trì được những thành tựu của Wenger cũng là cả một thử thách.

Chelsea: Không có chỗ cho sự kiên nhẫn

Điều mà Arsenal rất thiếu lại là thứ mà Chelsea có thừa. Đương kim vô địch châu Âu có đủ tiềm lực tài chính để đưa về mọi ngôi sao họ muốn. Abramovich cũng chưa từng giấu giếm tham vọng chiêu mộ Pep. Lối chơi tấn công tiqui-taca đầy mê hoặc, khả năng phát triển và sử dụng các cầu thủ trẻ, trên tất cả, là thành công tuyệt đỉnh của Barca, đã mê hoặc tỉ phú người Nga.

Điểm trừ duy nhất ở Stamford Bridge là sự kiên nhẫn. Pep dù có tài năng đến đâu cũng không thể khiến Chelsea thay đổi và thành công sau một đêm. Villas-Boas là một ví dụ điển hình. Abramovich đã có thể sa thải Carlo Ancelotti, người từng vô địch châu Âu cả trên tư cách cầu thủ và HLV, thì cũng hoàn toàn có thể đối xử tương tự với Pep. Bù lại, Pep sẽ được chi tiêu thoải mái và có trong tay một dàn siêu sao. Mọi sự lựa chọn đều có giá của nó.



Abramovich rất thiếu sự kiên nhẫn - Ảnh: Getty

M.U: Tiếp nối con đường huyền thoại của Ferguson

Sau tất cả, có lẽ đó vẫn chưa phải là những thử thách mà Pep chờ đợi. Người đã chinh phục mọi đỉnh cao của bóng đá thế giới cấp CLB có lẽ đang chờ một thách thức lớn hơn. Thành công? Pep đã có. Vinh quang? Pep không thiếu. Nhưng duy trì thành công và vinh quang? Pep chưa từng trải nghiệm. Vậy thì còn chờ gì nữa? Tiếp nối vị trí của Alex Feguson, ngồi lên chiếc ghế của một trong những chiến lược gia vĩ đại nhất lịch sử và tiếp tục gặt hái thành công sẽ là cách tốt nhất để Pep tự khẳng định mình trước những ai còn nghi ngờ ông.

Pep Guardiola vốn được biết tới như là một người ái mộ cuồng nhiệt của Sir Alex Ferguson. Ông từng cho biết được đối đầu với đội bóng của Sir Alex là một “niềm tự hào” trước thềm Chung kết Champions League năm 2009. Thành công của United và Barca cũng có khá nhiều điểm tương đồng. Họ cùng đưa về những tên tuổi đẳng cấp đồng thời tận dụng tối đa sức mạnh nội tại của lò đào tạo trẻ. Họ tìm kiếm sự cân bằng giữa tuổi trẻ và kinh nghiệm. Họ duy trì khát vọng thành công ở mức cao nhất. Cả M.U và Barca đều coi việc về đích thứ hai là một thất bại. Nếu tới Old Trafford, Pep cũng sẽ tìm thấy một môi trường tương đồng như ở Camp Nou. Cả hai CLB đều là những đội bóng vĩ đại, có truyền thống lâu đời. Môi trường của M.U cũng thân thiện, ấm cúng giống như không khí gia đình ở Barca.



Tiếp nối con đường của Sir Alex mới là thử thách mà Pep chờ đợi - Ảnh: Getty

Yếu tố con người cũng là điều cần nhắc tới. Với Nemanja Vidic, Pep sẽ có một Carles Puyol thứ hai, một thủ lĩnh đích thực, trái tim của hàng thủ. Phil Jones quá giống Pique còn Rafael chính là người sẽ kế nhiệm Alves ở đội tuyển Brazil. Wayne Rooney, ngôi sao số một của M.U, từng tiết lộ anh đã học hỏi rất nhiều khi xem các đoạn phim về Xavi. Rooney cũng là người đã chơi tuyệt hay trước Barca ở trận Chung kết Champions League 2011. Những Kagawa, Cleverley, Anderson hoàn toàn có thể thích ứng với hệ thống tiqui-taca. Van Persie, chân sút số một của United lúc này, từng có 8 năm gắn bó với Arsenal, một đội bóng sở hữu hệ thống được miêu tả là gần với Barca nhất.

Về lâu dài, Pep sẽ không thể có được sự phục vụ của Paul Scholes, tiền vệ kĩ thuật và sáng tạo nhất của M.U. Nhưng sau hơn 20 năm cống hiến, Scholes có thể trở lại Ban huấn luyện và hỗ trợ đắc lực cho Pep.

Đương nhiên, bất kì suy đoán nào về một vị trí cho Pep Guardiola ở M.U trong mùa giải tới đều sẽ “việt vị” nếu Sir Alex không giải nghệ. Chiến lược gia người Scotland cũng chưa hề cho thấy những dấu hiệu sẽ chia tay CLB trong tương lai gần như vậy. Mọi suy đoán lúc này chỉ là suy đoán. Thời gian sẽ trả lời tất cả.

Một điều khác cần nhớ. United có thừa sự lãng mạn và cả thực tế trong những kế hoạch của mình. Song song với việc nghĩ về một lối chơi cống hiến, đội bóng vẫn luôn có khát vọng vươn lên và cạnh tranh các danh hiệu. Sâu xa hơn, M.U muốn tìm một người có thể gắn bó lâu dài và tạo nên những thành công lớn cho đội bóng như Ferguson. Nếu đến Old Trafford, Pep sẽ trở thành một phần của kế hoạch vĩ đại mà M.U đang thực hiện và sẽ tiếp tục theo đuổi trong tương lai. Với M.U, chơi đẹp phải đồng nghĩa với chiến thắng.

Minh Chiến (TalkSPORT)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm