Blog bóng đá: THUYẾT TƯƠNG ĐỐI

14/02/2011 09:43 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH)- Cách đây trăm năm, Albert Einstein lão tiền bối sáng tạo ra một cái bí kíp gọi là “Thuyết tương đối”. Tuy sở học của Einstein là vật lý nhưng “thuyết tương đối” của ông vẫn có ý nghĩa sáng ngời trong mọi ngành nghề trong cuộc sống. Một ví dụ sống động về thuyết tương đối: một sợi tóc trong tô súp là quá nhiều trong khi trên đầu Zinedine Zidane là quá ít.

Thuyết tương đối nói về… sự tương đối. Đại ý: không có cái gì là tuyệt đối hết ráo. Tùy theo hệ quy chiếu mà nó sẽ như thế này hoặc như thế khác. Bởi vậy, tui mới cảm thấy buồn cười khi người ta ca ngợi bàn thắng mà Wayne Rooney mới ghi được trong trận derby thành Manchester là siêu phẩm, là vô tiền khoáng hậu, vân vân và vân vân. Tui buồn cười vì cá nhân tui thấy bàn đó cũng… thường. Đẹp thì có đẹp, nhưng thường thì có thường.

Vậy mà Sir Alex Ferguson bảo là cả đời ông chưa thấy bàn nào đẹp dữ thần vậy. Tờ Daily Mail đăng cả chụp tấm hình như phim quay chậm về cái gọi là “bàn thắng cuộc đời”. Thống kê những lời khen mà các nhân vật của bóng đá Anh dành cho Rooney dài bằng sớ Táo quân. Rồi họ phán luôn: bàn đó là bàn đẹp nhất trong mùa Premier League này bất chấp 1 sự thật là còn mấy chục trận nữa giải Ngoại hạng Anh mới hết. Wayne Rooney được thể nói luôn: 10 trái xe đạp chổng ngược như thế hết 9 trái ra ngoài. Rất may là trái của anh nó vào. Rồi Rooney bầu chọn đó là bàn đẹp nhất trong sự nghiệp, bàn ngả bàn đền đầu tiên từ thuở cắp sách đến trường.

"Tuyệt tác" của Rooney vào lưới Man City- Ảnh Getty

Nếu thật sự bàn của Rooney đẹp dữ thần vậy thì đúng là tội nghiệp bóng đá Anh. Nói chi Pele hay Diego Maradona cho xa vời. Đẳng cấp cỡ Zidane, Ronaldinho, Van Basten, Ruud Gullit thôi là đủ tung người móc bóng kiểu đó, mà móc thường xuyên chứ không phải chỉ một hai vài lần trong đời. Ở La Liga, cứ vài vòng là có vài pha tung người vô lê như thế. Rivaldo tung người móc bóng vào lưới Valencia, Ronaldinho móc vào lưới Villarreal, ở Italia Ibrahimovic tung người vô lê nhiều như cơm bữa… Sở dĩ những bàn ấy ít được nhắc đến là vì nó… thường quá. Nghĩa là: trái banh ấy ở Tây Ban Nha, Italia, Brazil hay Argentina thì bình thường, nhưng sang một nơi hiếm cầu thủ kỹ thuật như Anh thì lại trở nên đặc biệt.

Johan Cruyff và Sir Alex Ferguson từng ra rả cái câu: “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Câu này cũng có vấn đề. Đội Uruguay từng vô địch World Cup và Olympic từ cái thuở hồng hoang của bóng đá để rồi chìm nghỉm suốt mấy chục năm. Tự nhiên đùng 1 cái Diego Forlan, Luis Suarez và các đồng đội đưa Uruguay giành giải 3 World Cup 2010 vừa qua. Thế là người ta lại kháo nhau về cái gọi là “đẳng cấp vĩnh cửu”. Nhưng người ngày xưa từng chừng kiến thời oai hùng của Uruguay giờ không ra người thiên cổ cũng ở tuổi bách niên giai lão, vĩnh cửu kiểu gì mà lâu vậy.

Mới đây, Barcelona vang danh thiên hạ cũng bất ngờ bị Sporting Gijon cầm chân. Điều này càng làm tui tin vào triết lý của Einstein tiền bối. Rooney ngày nào bị dân chúng chửi tơi bời hoa lá, chỉ cần 1 bàn thắng “vô tiền khoáng hậu” mà anh được tôn vinh như người hùng. Ai dám chắc sau này Rooney sẽ không bị chê là vụng về, thô kệch như nhiều pha xử lý như trong chính trận gặp Man City? Bởi vậy, đẳng cấp hay phong độ gì cũng là tương đối hết ráo. Một ông nguyên thủ quốc gia lừng lẫy từng được dân chúng yêu mến bên nước ngoài nay từ chức một phát là người dân thiếu điều muốn mở tiệc ăn mừng. Cuộc sống quả là biến đổi khôn lường. Thôi thì tất cả cũng chỉ là tương đối thôi…

BLV ĐÌNH 8

Bài viết mang tính trào phúng, xuất hiện vào thứ Hai hàng tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm