Biến tấu World Cup: Tìm ý nghĩa từ những gì vô nghĩa

12/07/2014 18:32 GMT+7 | World Cup 2018

(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ World Cup đầu tiên, năm 1930, cho tới nay, thực tế cũng mới chỉ có 6 nước chủ nhà đoạt được ngôi vị quán quân mà thôi.

1. Đó là con số rất khiêm tốn so với hàng loạt chủ nhà đã từng thất bại ở đấu trường lớn này, đấu trường mà kẻ đăng cai luôn kỳ vọng sân nhà sẽ mang lại cho họ một ưu thế lớn để lên ngôi vô địch.

Và bởi thế, chuyện một nước chủ nhà thất bại ở bán kết World Cup không hẳn đã là một điều gì ghê gớm như một thảm họa. Nhưng với Brazil thì lại khác. Thảm họa không phải là thất bại trước Đức, mà là tỷ số của cái thất bại ấy. Nó là một đại bại kỷ lục, mang tính lịch sử, bị hằn dấu ấn bởi những ám ảnh 64 năm trước và vượt trên hết, nó là sự mất mặt của nền bóng đá vẫn tự hào về việc sản sinh ra những ông hoàng sân cỏ lừng danh.

Tờ L’Equipe hôm qua dành hẳn 2 trang để đăng tải danh sách 100 ông Vua của World Cup. Trong 100 ông Vua ấy, Pele đứng thứ nhất, Maradona xếp thứ hai, Ronaldo đứng thứ 3, Beckenbauer xếp thứ 4 và Zidane đứng thứ 5. Đó là 5 vị trí dẫn đầu được chọn lựa khá khách quan và chuẩn xác. Brazil có 2 trong 5 vị trí ấy và họ cũng chiếm đến 19 trong số 95 vị trí còn lại.

Như vậy, với 21 trong số 100 vị Vua của World Cup, Brazil rõ ràng vẫn luôn là một nền bóng đá được xây nên bởi những tượng đài. Vậy mà nền bóng đá với nền tảng, uy tín như thế lại thất bại lần thứ hai trong việc chinh phục World Cup trên sân nhà của mình và phải bước vào trận cầu tranh giải Ba, một trận cầu gần như chỉ mang tính an ủi.

2. Brazil không cần giải ba. Brazil không cần ở cái vị trí không đúng với khát vọng, tầm vóc và tâm thế của họ. Brazil đã ra quân là phải vô địch nên có đứng thứ nhì đi chăng nữa, với họ cũng đã đủ là một thất bại rồi. Nhưng thực tế luôn là thực tế và con người ta không thể xa rời thực tế, dù nó có đắng ngắt đến chừng nào. Brazil hôm nay vẫn phải ở đây, chơi bóng, một trận cuối cùng của World Cup, để cố đoạt lấy cái giải an ủi cho mình.

Với đối thủ của Brazil, trận tranh giải Ba chỉ là một trận cầu nhạt nhẽo và vô nghĩa. Chính Van Gaal đã nói như thế và ông cũng ngỏ ý muốn không phải chơi cái trận cầu vô nghĩa ấy. Đó có lẽ là tâm thức chung của các nền bóng đá lớn, những nền bóng đá xác định không vào được trận chung kết là World Cup đã chấm hết. Chắc chưa ai quên hồi 1998, sau thất bại trước Brazil ở bán kết, Hà Lan đã chơi vô hồn thế nào ở trận tranh giải Ba với Croatia. Họ chơi như phó mặc. Họ chơi như thể chỉ muốn 90 phút trôi qua cho rồi. Họ chơi với suy nghĩ ‘giải Ba hay giải Tư cũng chẳng hơn nhau chút giá trị nào’.

Brazil có thể cũng sẽ suy nghĩ như vậy, nếu họ thất bại ở một bán kết nào khác. Nhưng đằng này, họ lại mới thảm bại kinh hoàng nhất trong lịch sử của mình, một thảm bại gột sạch hết những nền tảng được xây dựng bởi 21 vị Vua World Cup mà họ sở hữu. Thế nên, trận gặp Hà Lan lần này sẽ là một trận tranh giải Ba đặc biệt nhất trong lịch sử World Cup. Nó là trận cầu để Brazil chứng minh cho thấy họ bắt đầu làm lại từ đầu, từ ngay lúc này, chứ không phải từ một thay đổi nào đó từ thượng tầng của bộ máy bóng đá.

3. Cuộc sống là thế. Có những điều tưởng như vô nghĩa nhưng hóa ra ta có thể bắt đầu tìm lại được ý nghĩa để sống ở những điều như thế. Trận tranh giải Ba là vô nghĩa, nhưng lúc này nó có giá trị bội phần đối với người Brazil, giá trị để tìm lại ý nghĩa của tình yêu, của niềm tin, của khát vọng và của tự tôn bất diệt.

Chắc, có những người cao tuổi từng chứng kiến thất bại 1950 cũng đang ước gì ngày ấy, Brazil cũng có cơ hội để tìm lại ý nghĩa ngay lập tức như chính lúc này…

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm