Ngày hội Biếm họa: Ngẫu hứng với không gian kiểu đường phố

07:17 04/04/2014

 
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu phải “điểm mặt đặt tên” những nghệ sĩ biểu diễn tại Ngày hội Biếm họa và Lễ trao giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần IV - Cúp Rồng tre (sẽ diễn ra tại số 3A Tôn Đức Thắng - Quận 1 - TP. HCM vào ngày 6/4) tới, ở những tên tuổi mới thì họa sĩ Lê Hào và guitarist Trường Sa là hai điểm nhấn ý vị.

Tham gia Ngày hội Biếm họa lần này, Lê Hào đại diện nhóm graffiti cho biết: “Rất thú vị khi nghệ thuật graffiti được chúng tôi thực hiện, mô phỏng những hình tượng, ngôn ngữ từ tranh biếm họa qua góc nhìn và cách thể hiện theo phong cách hip-hop trẻ trung, đầy màu sắc. Tranh biếm họa và nghệ thuật graffiti không khác nhau lắm về tính chất, tính tuyên truyền, sự phê phán, phản ánh…, chỉ có cách thể hiện là khác nhau thôi”.

Hòa cá tính vào tổng thể

Về việc nghệ thuật graffiti chỉ gắn với đường phố, giờ được trình diễn tại một không gian cố định trong Ngày hội Biếm họa, có gì khác với tinh thần chung của loại hình này? Lê Hào cho rằng: “Graffiti tồn tại luôn gắn liền với đường phố, vỉa hè là đương nhiên. Tuy nhiên, vẫn có thể đem graffiti vào không gian cố định hay không gian biểu diễn, trưng bày… Chúng tôi không muốn làm mất tinh thần chung của graffiti, mà chỉ thực hiện chúng cho phù hợp với hiện tại, ít nhất là trong không gian của Ngày hội Biếm họa”.


Trường Sa đại diện nhóm nhạc

“Hầu hết nhiều loại hình nghệ thuật thực hiện ở nhà, trong studio rồi đem ra trưng bày. Với graffiti, chúng tôi muốn nhấn mạnh tính chất biểu diễn, vẽ tại chỗ để người xem được tiếp xúc với cả quá trình tạo ra tác phẩm của họa sĩ. Hy vọng giá trị thẩm mỹ, tính nghệ thuật mà chúng tôi sáng tạo tại Ngày hội Biếm họa được công chúng đón nhận”.

Nhóm graffiti Lê Hào gồm những cá nhân yêu thích nghệ thuật graffiti hoạt động độc lập. Thế nhưng khi có sân chơi dù lớn hay bé, thì họ cùng tụ về một điểm, hòa cá tính riêng thành chung. Những “nick name” trong nhóm này thể hiện cá tính và phong cách mỗi người được giới graffiti đánh giá cao. Nếu Endo - Phan Thế Duyệt, Sloch - Hoàng Minh Lộc, Cheekie - Nguyễn Hoàng Tùng… thiên về nét và hình khối; thì Dazger - Cao Ngọc Hải Đăng, Chicko - Nguyễn Phước Thọ… tạo ra sự thú vị khi bóp méo hình tượng nhân vật; còn Leur - Lê Nhật Huy… thì luôn trăn trở làm sao thể hiện tính cách thông qua màu sắc.


Lê Hào đại diện nhóm graffiti

Sự đồng cảm

Khi nhận lời trình diễn trong Lễ trao giải Biếm họa ngày 6/4, guitarist Trường Sa tâm sự: “Tiếng đàn của tôi vốn “méo mó, phóng túng” nên ngay tức thời tìm được sự đồng cảm lớn đối với người họa sĩ vẽ biếm họa”.

Trường Sa sẽ có nhiều phút ngẫu hứng và cuồng nhiệt cùng với cello Tuấn Anh, trống Hải Quang, guitar bass Song Toàn, và ca sĩ Song Tú. Ban nhạc này chơi theo kiểu: Trường Sa ra một câu nhạc chủ đề, mọi người sẽ dựa vào đó phát triển và phiêu theo, nhằm tạo ra một bức tranh được vẽ bằng giai điệu trực tiếp trên sân khấu. Ngoài ra, ban nhạc này cũng sẽ tương tác với nhóm graffiti, các họa sĩ và công chúng mê thích biếm họa tại chỗ để kết nối mọi người lại với nhau.

“Ngày hội biếm họa là một sự kiện văn hóa có nhiều ý nghĩa xã hội, tôi và các bạn diễn rất háo hức đóng góp cho chương trình những phút giây thăng hoa trong âm nhạc. Tôi nghĩ những chương trình như thế này nên diễn ra đều đặn, thường niên để những họa sĩ trẻ đam mê biếm họa sẽ được thỏa sức sáng tạo, gửi gắm cảm xúc và bày tỏ thái độ về những điều đáng phê phán trong xã hội” - Trường Sa chia sẻ. Nghệ sĩ này cũng sẽ mang đến chương trình hai ca khúc mới là Ôi người điênMơ giữa ban ngày.

Thanh Kiều - Như Hà
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự