"Ben-Hur" - Siêu phẩm của những siêu phẩm (phần 1)

19/11/2010 07:01 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Điện ảnh thế giới không hiếm những thiên sử thi vĩ đại mang tầm vóc siêu phẩm đúng nghĩa cả về thương mại lẫn nghệ thuật. Nhưng sẽ không có phim nào sánh nổi với Ben-Hur - một bộ phim ra đời cách đây hơn 60 năm, vào thời mà khái niệm kỹ thuật số còn rất lâu nữa mới xuất hiện trên đời.

>> Chuyên đề: Những bộ phim đi cùng năm tháng

Không phải là nhân vật trong Kinh thánh

Từ trước đến nay rất nhiều người nghĩ rằng, nhân vật Ben-Hur, và một số thiên sử thi được đưa lên màn ảnh ở thập niên 50, là được lấy từ Kinh thánh. Nhưng trên thực tế không có một cái tên Ben-Hur nào tồn tại, kể cả trong kinh Cựu ước lẫn Tân ước.

Nhân vật Ben-Hur được hiện thực hóa bởi một vị anh hùng thời nội chiến Nam-Bắc Mỹ cuối thế kỷ 19 - tướng Lew Wallace. Ông là một luật sư thành công trong sự nghiệp, từng là thống đốc bang New Mexico và Indiana, trước khi thành danh trong binh nghiệp.

Năm 1876, Wallace quyết định viết một cuốn tiểu thuyết. Nó đáng lẽ phải bắt đầu bằng việc ba nhà thông thái lên đường đến Bethlehem để tìm đức chúa Jesus mới hạ sinh. Nhưng Wallace lại thêm vào truyền thuyết ba vua, và cũng hư cấu thêm nhân vật trung tâm là vị hoàng tử Do Thái, Judah Ben-Hur.

Sau gần 5 năm chấp bút, cuối cùng tác phẩm Ben-Hur: A Tale of the Christ (Ben-Hur - Câu chuyện về Chúa cứu thế) của tướng Lew Wallace cũng được xuất bản vào năm 1880. Ban đầu nó không thu được thành công, nhưng 2 năm sau cuốn sách vụt trở nên ăn khách và trở thành sách bán chạy lúc ấy.

Bộ phim đại vĩ tuyến 70 mm đầu tiên

Năm 1923, hãng phim MGM mua bản quyền cuốn sách và năm 1925 bỏ ra 4 triệu USD để sản xuất phim. Ben-Hur: A Tale of the Christ đã trở thành bộ phim tốn kém nhất, vĩ đại nhất và ăn khách nhất trong lịch sử phim câm.

Thập niên 1950, Hãng phim MGM danh tiếng ở bên bờ vực phá sản như các hãng phim khác vì sự tấn công mạnh mẽ của truyền hình. Năm 1954, ban lãnh đạo của hãng quyết định dốc hết vốn liếng chơi một canh bạc chót cực kỳ mạo hiểm, dựng lại Ben-Hur trên màn ảnh đại vĩ tuyến 70 mm.

Lý do những nhà điều hành MGM muốn quay bằng phim 70 mm (thực tế là 65 mm, gần gấp đôi cỡ phim thông dụng 35mm), để tạo ra sự khác biệt về hình ảnh nhằm kéo khán giả đến lại với rạp. Bộ phim sẽ được bấm máy theo quy trình được gọi là “MGM Camera 65”, với 4 chiếc máy quay Ultra Panavision 70, được chế tạo riêng lên đến 100.000 USD/cái.

Mọi thứ đều rất đắt đỏ và phải đồng bộ từ máy quay, phim (âm bản và dương bản), in tráng, hậu kỳ, đến màn ảnh rạp chiếu… Khi hoàn tất nó sẽ cho ra một bản phim rộng nhất từng được thực hiện là 2.76:1 – chiều rộng gần gấp ba lần chiều cao, tạo ra một tỷ lệ khung hình cực rộng – điều này cho phép quay những đại cảnh cực kỳ ngoạn mục. Để tăng thêm hiệu quả, Ben-Hur còn kèm theo âm thanh nổi 6 kênh.

Trở lại với Ben-Hur sau 34 năm

Sam Zimbalist, một trong những nhà sản xuất phim thành công nhất từ kỷ nguyên phim câm, đảm nhận trọng trách sản xuất. Ngay lập tức ông mời người bạn thân đã 2 lần đoạt giải Oscar, William Wyler làm đạo diễn. Wyler trước đó 34 năm từng làm trợ lý đạo diễn cho bộ phim câm Ben-Hur năm 1925.

Đã có nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu Wyler có thích hợp với chiếc ghế đạo diễn đầy rủi ro này hay không, vì trước đó ông chưa từng thực hiện một bộ phim nào có quy mô vĩ đại như vậy. Một trong những người nêu câu hỏi đó, chính là… William Wyler!

Nhưng Zimbalist vẫn muốn có được Wyler bằng mọi giá, nên đã đưa ra lời đề nghị gây choáng váng Hollywood: Một triệu USD! – Số tiền lớn nhất mà một đạo diễn nhận được vào thời điểm đó. “Tôi sẽ làm một bộ phim thực sự thu hút khán giả bất kể họ theo tôn giáo nào”, Wyler hứa chắc như đinh đóng cột.

Một dự án có thể nói là vĩ đại nhất vào thời điểm ấy với khoản đầu tư kinh phí khổng lồ nhưng nhà sản xuất Zimbalist và đạo diễn Wyler lại quyết định thực hiện Ben-Hur tại phim trường lừng danh Cinecitta ở Italia để giảm chi phí.

Casting… trên toàn thế giới

Với độ dài của phim ước lượng khoảng 4 giờ và hàng ngàn vai diễn lớn nhỏ, ngay từ giữa năm 1957, Hãng MGM phải mở văn phòng tuyển chọn diễn viên tại Mỹ, Anh và Italia. Hơn 50.000 ứng cử viên từ khắp mọi nơi đã đến dự tuyển để chọn ra vài ngàn người.

Do gần như toàn bộ diễn viên trong phim đều là mắt xanh, nên đạo diễn Wyler quyết định rằng, vai tên quan La Mã độc ác Messala – kẻ thù không đội trời chung của Ben-Hur – phải là mắt nâu để phân biệt rõ giữa chính và tà. Đầu tiên Robert Ryan được cân nhắc, nhưng cuối cùng Stephen Boyd, một diễn viên trẻ đang lên người Ireland, đã vượt qua nhiều ứng cử viên khác để được chọn vào vai này.

Đây cũng là lần đầu tiên một bộ phim của Hollywood tập trung được một dàn diễn viên đa quốc gia: Stephen Boyd (Ireland), Haya Harareet (Israel), Jack Hawkins (Anh), Hugh Griffith (xứ Wales), Frank Thring (Australia), Marina Berti (Italia), Finlay Currie (Scotland)…

Khó nhất là việc chọn ai thủ vai chính Ben-Hur. Người đầu tiên mà hãng MGM muốn là Paul Newman, nhưng ông từ chối vì trước đó đã thất bại trong một bộ phim sử thi khác về Kinh thánh. Sau đó hàng loạt cái tên đã được nhắc đến, có cả những ngôi sao lớn như Marlon Brando, Kirk Douglas, Burt Lancaster, Rock Hudson…

Hãng MGM đã thực hiện một việc táo bạo mà lúc ấy chưa hãng phim nào làm: Tổ chức một cuộc thi tuyển vai chính trên khắp thế giới, bất cứ ai cũng có thể dự thi để đóng vai Ben-Hur. Miễn là họ phải nói được tiếng Anh và có một thân hình cường tráng khỏe mạnh.

Nhưng thật ra đây chỉ là một chiêu tiếp thị để tạo sự tò mò và gây tiếng vang cho bộ phim. Thực chất họ đã tìm được người thủ vai này thật hoàn hảo. Đó là Charlton Heston, cao đến 1m98, có thân hình vạm vỡ và một gương mặt được sinh ra chỉ để đóng những nhân vật thần thánh và vĩ nhân.

Những con số gây choáng ngợp

Năm 1957, sau 2 năm chuẩn bị, đoàn kỹ thuật viên hùng hậu gồm 125 người đã đến Italia để thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ cùng với hàng trăm kỹ thuật viên thiện chiến nhất của phim trường Cinecitta.

Nhà thiết kế Edward Carfagno, từ 15.000 bức phác họa được nghiên cứu hàng năm trời, đã cho tái tạo lại 300 bối cảnh, trải rộng trên 1,4 km². Tổng cộng, quá trình sản xuất đã sử dụng gần 12.200 m³ gỗ, gần nửa triệu ký thạch cao và 400 km ống kim loại. Các thợ chạm khắc đã tạo hơn 200 bức tượng để bổ sung cho hàng nghìn đạo cụ lấy từ nhà kho của phim trường Cinecitta.

Toàn thể ngôi làng vùng núi Arcinazzo được cải tạo lại thành Nazareth. Còn cư dân của ngôi làng đó thì tham gia đóng phim, trở thành dân Nazareth. Chỉ riêng việc tái tạo lại thành phố Jerusalem đã chiếm tới 10 khu phố, bao gồm nhà cửa và những khu vực buôn bán sầm uất cho hàng ngàn người sinh hoạt. Bên cạnh đó là cổng Joppa uy nghi, cao hơn 22m, nơi quay cảnh quân đội La Mã ca khúc khải hoàn.

Để tất cả các bối cảnh đạt đến sự hoành tráng như yêu cầu, các nhà thiết kế đã nghĩ ra một cách vừa tiết kiệm chi phí, mà lại đạt hiệu quả cao nhất. Đó là vẽ thêm phông nền bối cảnh xung quanh, chứ không cần thiết phải xây dựng toàn bộ như thật. Thực tế chỉ có 40% đại cảnh là dàn dựng như thật, còn lại là ghép với những cảnh đã vẽ để tạo cảm giác chiều sâu và mức độ hoành tráng của bối cảnh. Như cảnh đoàn quân La Mã ca khúc khải hoàn trên đường phố Roma tráng lệ, thật ra chỉ có phần ở gần máy quay là thật, còn xung quanh là cảnh vẽ.

Khâu thiết kế trang phục mới thật sự phức tạp và tỉ mỉ. Các chuyên gia đã thiết kế hơn 8.000 mẫu và bản vẽ y phục, trong đó công phu và tốn kém nhất là vật liệu để thực hiện được đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới: Tơ lụa Thái Lan dùng để may quần áo cho các nhân vật chính, tất cả giày dép làm ở Italia, Đức chế tạo vũ khí, đăng-ten các loại đến từ Pháp, Thụy Sĩ thực hiện quần áo có đính trang sức, và mất một năm ở Anh để thêu trang phục và đóng đồ da…

Râu và tóc giả của hàng ngàn diễn viên phụ được kết từ tóc của phụ nữ Italia vùng Upper Piedmont. Cư dân vùng núi này từ hàng thế kỷ qua đã rất nổi tiếng về mái tóc đẹp và mịn màng, nó trở thành món hàng xuất khẩu được những người thợ làm tóc giả trên thế giới rất ưa chuộng. Phim Ben-Hur đã sử dụng trên 180 kg tóc của họ.

Trên 100.000 bộ trang phục các loại và hơn một triệu đạo cụ được chứa đầy trong 3 tòa nhà cao tầng của phim trường Cinecitta. Hơn 100 thợ chuyên môn phải túc trực thường xuyên, để giữ cho chúng luôn ở trong tình trạng tốt.

Trong suốt thời gian quay Ben-Hur, hơn 500 nhà báo và khoảng 25.000 du khách trên thế giới đã đổ xô đến phim trường Cinecitta để tham quan những hoạt động của đoàn phim. Họ đã bị thu hút trước những cảnh quan của quá khứ được tái tạo lại, bởi hầu như ai cũng ít nhiều biết đến thời kỳ này qua Kinh Thánh Tân Ước. Thế nhưng được nhìn thấy tận mắt những cảnh quan sống động như vậy thật là một điều quá sức tưởng tượng.

Đón xem Phần 2: Ben-Hur & cảnh hành động vĩ đại nhất mọi thời đại.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm