Cô bé 11 tuổi “gây cháy”: Do dấu hiệu “lạ” ở não phải?

16/05/2012 09:46 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Chiều qua (15/5), một đoàn gồm các vị giáo sư, tiến sĩ thuộc các lĩnh vực nghiên cứu y học, văn hóa, sinh học môi trường của Trường ĐH Hồng Bàng đã có mặt tại nhà cô bé P.L.B.T (11 tuổi) - người được xem là có khả năng gây cháy đồ vật - để thăm hỏi và điều tra cơ bản về gia đình, cuộc sống và sức khỏe của cô bé…

Sự kiện này đang khiến dư luận rất quan tâm.

Xôn xao cả xóm

Chưa bao giờ khu tập thể A75, đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM lại ầm ĩ như vậy. Từ sau khi xảy ra các vụ cháy trong gia đình cô bé T, nhiều người dân trong khu vực không ngớt bàn tán. Họ bán tín, bán nghi, có người cho rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, có người thậm chí cho rằng cha mẹ cô bé “dựng chuyện”. Vì họ thấy cô bé rất bình thường, hoàn toàn không có những biểu hiện gì khác lạ gì ở bề ngoài.

Gia đình cô bé “có khả năng gây cháy” chưa muốn cô bé xuất hiện trước công chúng

Nhưng sự việc không chỉ dừng lại ở những đồ vật riêng lẻ bị bén lửa, ngày 12/5, cô bé chạy lên tầng 3 lấy quần áo đem xuống giúp mẹ. Sau khi cô bé xuống ăn cơm cùng gia đình thì tầng 3 của căn nhà bỗng dưng bốc cháy dữ dội, khiến gia đình phải báo cảnh sát PCCC đến dập lửa.

Hiện tượng cô bé làm cháy đồ vật dù chưa được kết luận nhưng đang khiến cuộc sống của gia đình cháu bị đảo lộn. Anh N., là bác ruột của cô bé đã cho các phóng viên xem những đoạn video clip được quay lại bằng điện thoại khi đồ đạc như giường, tủ, ổ điện... đã cháy đen. “Hiện nay cuộc sống của gia đình chúng tôi rất căng thẳng. Chúng tôi rất lo đến sức khoẻ và sự an toàn của cháu. Nhiều ngày qua, chúng tôi phải để mắt đến cháu 24/24h. Chúng tôi rất mong có kết luận về những gì đang xảy ra đối với cháu”.

Anh N., bác của cô bé cho phóng viên xem video clip đồ vật bị cháy

Tiếp tục nghiên cứu

Ngay sau khi khảo sát, tìm hiểu tại gia đình cháu T., PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Bàng cho TT&VH biết: “Đây là một hiện tượng lạ của Việt Nam và thế giới. Ở bên Pháp, từng có trường hợp một phụ nữ nhìn đống khoai tây ẩm ướt và làm cho nó bốc cháy bằng cách tập trung tư tưởng. Nhưng cháu T., hoàn toàn không tập trung tư tưởng. Cháu gây cháy bất kể chỗ nào dù cháu không có ở gần đó. Như cháu ở trên lầu thì gây cháy đồ vật ở dưới lầu. Trước hết là cháy ổ điện, sau này là cháy các vật dụng bằng nhựa, quần áo hay bất kể thứ gì. Đặc biệt, cuộc sống của cháu vẫn hoàn toàn bình thường, không biểu hiện gì về bệnh”.

“Chúng tôi tin là nếu cháu đi học thì có thể làm cho xe buýt cũng cháy và trường học cũng cháy. Đây là trường hợp rất đặc biệt, chúng tôi sẽ nghiên cứu và từng bước thông tin đến báo chí” - Ông Hùng khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng trả lời phỏng vấn báo chí

Về kết quả đánh giá ban đầu, ông Hùng cho hay: “Chúng tôi đã chụp não đồ bằng phương pháp EDST thì sơ bộ thấy bên bán cầu não phải phát triển khá đặc biệt. Đó là một hiện tượng lạ”.

Ông Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Cảm xạ Địa sinh học - ĐH Hồng Bàng cho biết: Ở những người có tư duy trừu tượng đặc biệt, hoặc có trí tưởng tượng phong phú, mạnh mẽ như nghệ sĩ, thi sĩ, họa sĩ... thì bán cầu não phải thường phát triển rất mạnh. Trường hợp cháu T., cũng có thể do bán cầu não phải có vấn đề nên có thể phát ra trường năng lượng mạnh, sinh ra nhiệt độ cao và làm phát cháy những đồ đạc ở gần(!)

Tuy nhiên, đó mới chỉ là giả thuyết do ông Châu đưa ra, hoàn toàn chưa có cơ sở khoa học nào để khẳng định mối quan hệ giữa sự “bất thường” ở não phải với khả năng gây cháy của cô bé. Và cũng chưa có kết luận nào về khả năng gây cháy là có thực hay chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay còn một lý do nào đó mà người ta chưa biết.

Ngoài ra, đoàn nghiên cứu cũng đã lấy mẫu máu, nước tiểu, da... của cô bé, nhưng hiện chưa có thông tin gì về các mẫu xét nghiệm này.

Gia đình cô bé cũng cho biết thêm: Khi đeo vòng đá thạch anh thì khả năng gây cháy của cháu không còn, thế nhưng cháu lại hay bị lên cơn co giật. Về điều này, ông Hùng cho rằng, cháu T., không thích ứng với mọi loại đá.

Trong thời gian tới để có kết luận và tìm ra phương án xử lý, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị phía gia đình, nhà trường... phải trang bị bình chữa cháy vì rất có thể cô bé sẽ tiếp tục gây cháy bất cứ lúc nào. Ngoài ra, Trường ĐH Hồng Bàng sẽ cử một chuyên gia cảm xạ địa sinh học đến để theo dõi và ghi nhận thường xuyên tình trạng của cô bé. Đoàn nghiên cứu của ĐH Hồng Bàng sẽ thực hiện các nghiên cứu ban đầu và sẽ giới thiệu trường hợp của cô bé đến các nhà nghiên cứu trên thế giới.

T.Nguyên - A.Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm