Juergen Klinsmann: Đời không như là mơ

11/04/2009 08:25 GMT+7 | Bóng đá Đức

(TT&VH cuối tuần) -  Nhìn Bayern bị Barcelona quần cho tơi tả ở trận lượt đi tứ kết Champions League ở Nou Camp, người ta cảm thấy Juergen Klinsmann đáng thương hơn là đáng trách. Cuộc đời hiện tại của chiến lược gia 45 tuổi này chẳng khác nào một cơn ác mộng, thay vì là giấc mơ như cách đây gần một năm.

Là một tiền đạo từng tung hoành ngang dọc khắp các sân cỏ ở Đức, Italia, Pháp, Anh và cả Mỹ, Klinsmann đã nếm trải đủ mọi sự khắc nghiệt của bóng đá trên cương vị cầu thủ. Ông đã từng đối chọi với bao hàng phòng ngự vững như bàn thạch, đối đầu với những hậu vệ rắn như thép không ngại ngần chọn lối chơi “chém đinh, chặt sắt”, đối mặt với những thủ môn tài năng và tinh quái. Dù không ít lần thất bại song Klinsmann vẫn được cả thế giới biết đến như là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất, có hiệu suất ghi bàn khủng khiếp nhất từ trước đến nay. Nghĩa là, trên phương diện cầu thủ, Klinsmann đã thành công trong nỗ lực đi săn tìm bàn thắng, để mang về các danh hiệu, cho đội bóng và cho cá nhân mình. Cho đến khi giải nghệ, Klinsmann đã có một bộ sưu tập khá đồ sộ những phần thưởng quý giá, với chức vô địch châu Âu năm 1996 và vô địch thế giới năm 1990 cùng đội tuyển Đức, vô địch Cúp UEFA cùng Inter năm 1991 và Bayern năm 1996, vô địch Bundesliga cùng Bayern năm 1997... Bản thân ông cũng từng hai lần được tôn vinh là Cầu thủ xuất sắc nhất nước Đức vào các năm 1988 và 1994, Cầu thủ xuất sắc nhất nước Anh năm 1995...
 
Juergen Klinsmann thua kém đồng nghiệp trẻ Josef Guardiola

Cho đến mùa Hè 2004, mọi thứ vẫn diễn ra tốt đẹp với Klinsmann. Cuộc sống bên bờ biển California với vợ, một phụ nữ Mỹ gốc Hoa xinh đẹp, và hai con, bắt đầu bị xáo trộn sau thất bại tồi tệ của đội tuyển Đức ở EURO 2004 trên đất Bồ Đào Nha. Người Đức quyết định thực hiện một cuộc cách mạng triệt để nhằm cải tổ “Mannschaft” với mục tiêu trước mắt là World Cup 2006 diễn ra trên sân nhà. Hàng loạt chiến lược gia tên tuổi, như Ottmar Hitzfeld hay Otto Rehhagel, đều từ chối ngồi vào chiếc ghế do Rudi Voeller để lại. Dù không hề có một chút kinh nghiệm cầm quân nào song với uy tín vốn gây dựng được khi còn là cầu thủ, cuối cùng Klinsmann được để mắt đến và đã đứng ra nhận trọng trách chèo lái con thuyền bóng đá Đức hướng về những đỉnh cao vinh quang trong tương lai.

Được sự ủng hộ hết mình từ nhiều phía, Klinsmann đã mạnh dạn thực hiện một cuộc cách mạng tương đối triệt để, cả về mặt nhân sự lẫn lối chơi. Hàng loạt tài năng trẻ được trao cơ hội khoác áo đội tuyển quốc gia. Sức trẻ đã cho phép Klinsmann rũ bỏ hình ảnh chậm chạp của “Cỗ xe tăng” và thay vào đó là một lối đá đầy tốc độ và sức mạnh. “Mannschaft” dưới bàn tay của Klinsmann trở thành một đội bóng thiên hẳn về tấn công, luôn vận động pressing trên khắp mặt sân, mang lại cảm giác hưng phấn đặc biệt cho người xem. Cũng nhờ những con người mới và lối chơi mới, đội tuyển Đức đã vươn trở lại vị trí thứ ba thế giới ở World Cup 2006 sau khi bị loại ngay từ vòng bảng ở EURO 2004 diễn ra hai năm trước đó. Sau thành công bước đầu này, Klinsmann lại chia tay đội tuyển Đức để tìm về với cuộc sống bình lặng bên gia đình, trong sự thanh thản về tâm hồn vì đã là người đi tiên phong trong một cuộc cách mạng làm thay đổi diện mạo bóng đá Đức.
 

 
Không chỉ thua trên sân, nội bộ của Bayern còn lục đục
 
Nhưng khi nhận lời dẫn dắt Bayern vào tháng 1/2008, quyết định đưa cả gia đình trở lại Đức sinh sống, Klinsmann bắt đầu dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mà ông không hề biết rằng phía trước chẳng phải là một tương lai màu hồng. Ở nước Đức, Bayern là một đế chế và được dẫn dắt đội bóng xứ Bavaria thì chẳng khác nào được làm Vua! Nhưng có vẻ, Klinsmann đã nhầm, bởi ở đó, giữa Vua và bù nhìn đôi khi chẳng khác nhau là mấy. Không hoàn toàn tin tưởng để trao vận mệnh cả đội bóng vào tay Klinsmann, ban lãnh đạo Bayern luôn kèm cặp sát sao, thậm chí can thiệp vào công việc của vị HLV trẻ. Từ chỗ được tự do triển khai những ý tưởng ở đội tuyển Đức, giờ đây Klinsmann phải làm việc trong một khuôn phép nhất định ở Bayern, nơi mọi sự sáng tạo không được vượt quá khuôn khổ cho phép.
 
Không biết Bayern đã keo kiệt hay Klinsmann đã chủ quan mà trong cả kỳ chuyển nhượng mùa Hè rồi mùa Đông, không có một tân binh nào đáng kể gia nhập Allianz Arena. Hậu quả là cho đến giai đoạn này, khi hàng loạt trụ cột dính chấn thương, thì Bayern không còn đủ người để đá. Chống chọi với một Barcelona hùng mạnh ngay tại Nou Camp, Bayern lại trông chờ vào cặp trung vệ “lởm khởm” Breno - Martin Demichelis, thêm vào đó là sự bọc lót của Christian Lell từ bên cánh trái. Trong bộ tứ vệ của Bayern ở Nou Camp, chỉ có trung vệ Demichelis và hậu vệ cánh phải Massimo Oddo là ở đẳng cấp trung bình, còn Breno và Lell đều là những cầu thủ trẻ, chưa đủ bản lĩnh cũng như kinh nghiệm để đá chính ở mặt trận nóng bỏng Champions League. Cái gì đến đã đến, thất bại là điều khó tránh khỏi.

Ý tưởng lấy tấn công bù đắp cho phòng thủ của Klinsmann cũng không phát huy hiệu quả khi mà mỗi “đầu tàu” Franck Ribery không đủ sức kéo cả đội hình đi lên. Trên tuyến đầu, Luca Toni và Miroslav Klose cùng rủ nhau sa sút. Thậm chí, Klose còn dính chấn thương đầu gối và phải nghỉ đến hết mùa giải ngay từ giữa tháng Ba. Cả đội hình của Bayern ở mùa giải này, chẳng có cái tên nào thực sự nổi bật ngoài Ribery. Với lực lượng vừa thiếu lại vừa yếu như thế, Bayern khó lòng mà vươn đến đỉnh cao vinh quang, nhất là khi nội bộ của đội bóng luôn có những mâu thuẫn và tranh cãi, giữa các quan chức hay chính giữa cầu thủ với nhau.

Thua Barcelona 0-4 ở lượt đi, xem như cuộc phiêu của Bayern ở Champions League đã dừng lại ở tứ kết. Ở mặt trận Cúp quốc gia Đức, Bayern cũng đã dừng bước ở tứ kết sau thất bại 2-4 trước Leverkusen. Ở Bundesliga, sau trận thua 1-5 trước Wolfsburg cuối tuần qua, cơ hội bảo vệ danh hiệu vô địch của Bayern cũng bị sứt mẻ đáng kể. Bundesliga cũng là mặt trận duy nhất còn lại mà Klinsmann có thể mơ đến vinh quang, để bù đắp cho một mùa giải thất bại gần như toàn diện trong năm đầu tiên dẫn dắt Bayern. Quả thực, có lẽ lúc này Klinsmann mới nhận ra một điều, rằng đời chẳng đẹp như là trong mơ, bởi cuộc sống trên băng ghế huấn luyện của Bayern quá khắc nghiệt, vì áp lực thành tích, vì sức ép từ giới truyền thông và người hâm mộ...

Nếu Klinsmann còn là HLV của Bayern ở mùa giải tới, ông cần phải thực hiện một cuộc cách mạng triệt để nữa, như đã từng làm ở đội tuyển Đức, mới hy vọng gặt hái thành công. Nhưng trước khi tính đến điều đó, hãy phải đảm bảo được rằng, Bayern sẽ không trắng tay ở mùa giải này. Nếu không, mọi toan tính cho tương lai chỉ mãi là toan tính mà thôi...
 
Đông Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm