“Tìm thuốc chữa” cho điện ảnh Việt

19/10/2010 11:22 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Bàn về một vấn đề không mới, song cuộc tọa đàm được tổ chức chiều qua (18/10) trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Việt Nam (VNIFF) lần thứ nhất với chủ đề: Giải pháp tăng cường sản xuất phim Việt đã diễn ra sôi nổi với những ý kiến trái chiều của các chuyên gia, nhà làm phim trong và ngoài nước.

>> Chuyên đề: Liên hoan phim quốc tế Việt Nam

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - người đang đi bằng cả “hai chân”: làm trong hãng phim nhà nước và thành lập hãng phim tư nhân đã ví điện ảnh Việt Nam như một cơ thể xanh xao, gầy mòn. Cơ thể này cần phải có được phương thuốc đặc trị.

“Việt Nam là thị trường điện ảnh tiềm năng”

Đó là nhận định của ông Kim Ji Seok - đồng GĐ chương trình LHP quốc tế Busan. Từ kinh nghiệm của chính nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, ông cho rằng điện ảnh Việt Nam cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ chính sách kết hợp với đầu tư của các tập đoàn, công ty tư nhân. Chính phủ có thể thông qua các quỹ đầu tư để hỗ trợ điện ảnh. Ngoài ra, phim Việt cũng nên tìm kiếm cơ hội ở những LHP quốc tế... “Dân số VN hiện tại là 86 triệu người - đây là một thị trường tiềm năng. Hàn Quốc có số dân bằng một nửa, nhưng mỗi năm chúng tôi có 100 triệu lượt khán giả mua vé xem phim” - ông nói.


Phim Trung úy cháy vé buổi ra mắt tối 18/10
Còn ông Phillip Cheah - Giám đốc LHP quốc tế Singapore cũng dẫn ra những ví dụ lạc quan. Ông cho biết ở Singapore, sản xuất phim là ngành công nghiệp hoàn toàn độc lập, nó thuộc sở hữu tư nhân. “Kinh nghiệm của tôi, sau khi đã đi nhiều nước trên thế giới, cho thấy, ở một quốc gia hay một vùng lãnh thổ nhỏ, dù điều kiện kinh tế khó khăn đến mấy, họ vẫn có điện ảnh. Nigeria là nước đông dân và đời sống còn nghèo khổ, song ở đất nước này, mỗi năm vẫn có vài bộ phim ra đời. Họ nghèo đến mức không dám mơ tới việc gửi phim đi dự thi thế giới... Nói thế để thấy sức sống mãnh liệt của điện ảnh. Kinh nghiệm của tôi để chia sẻ với các bạn là phải biết lắng nghe và trao đổi với khán giả...”.

Nhà nước đầu tư thế nào là… đủ?

TS Lưu Trọng Hồng - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh nhấn mạnh rằng, điện ảnh Việt Nam cần giải pháp đồng bộ trên cả ba khâu. Theo ông, bình quân mỗi năm VN sản xuất 11-12 phim truyện nhựa là quá thấp. Bởi so với sản lượng phim của một số nước trong năm 2008, ta thấy cứ 1 triệu dân Hàn Quốc có 2 phim, 1 triệu dân Thái Lan có 1,5 phim, 1 triệu dân Malaysia có 1 phim, còn 1 triệu dân Việt Nam có 0,14 phim...

“Nhìn chung, chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật của phim Việt Nam còn thấp - ông Hồng nhận định - Có thể nói phim tốt nhiều, nhưng phim hay, hấp dẫn còn quá ít. Trừ các phim tư nhân, còn phim của nhà nước đầu tư hầu như không có doanh thu... Để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất phim, đưa nền điện ảnh nước ta phát triển cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ trên cả ba khâu cốt lõi là sản xuất, phổ biến phim và nhân lực...

Cụ thể, ông kiến nghị trong 10 năm tới, cùng với đầu tư thực hiện chỉ tiêu sản xuất phim hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, đề nghị nhà nước đầu tư mỗi năm 2 - 3 phim lớn, ưu tiên đề tài lịch sử, đảm bảo nội dung, chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật... Thứ hai, trong 3 - 5 năm, tập trung đầu tư 14 rạp chiếu hiện đại có quy mô nhỏ và vừa cho các tỉnh hiện chưa có rạp và một trung tâm chiếu phim quốc gia ở TP.HCM. Thứ ba, gửi ra nước ngoài đào tạo trong 10 năm tới từ 80 - 100 cán bộ “mũi nhọn”: đạo diễn, quay phim, kỹ sư âm thanh, giám đốc sản xuất...

“Ngoài ra, theo tôi, nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích sản xuất phim, đồng thời sớm hình thành Quỹ Phát triển điện ảnh và cho phép ngành điện ảnh quản lý một kênh truyền hình” - ông Hồng kết luận.

Chiều nay, sự kiện thảm đỏ dọc phố Tràng Tiền

Sự kiện thảm đỏ giao lưu diễn viên nước ngoài và VN với khán giả sẽ diễn ra từ 17h-19h hôm nay tại phố Tràng Tiền, đoạn từ Nguyễn Khắc Cần tới Quảng trường Nhà hát Lớn).

Trước đó, buổi tọa đàm “VN môi trường hấp dẫn sản xuất phim” sẽ diễn ra từ lúc 14h - 16h tại Nhà hát Lớn. Đồng thời, tại các cụm rạp của VNIFF sẽ có các buổi chiếu phim: Chuyện của Pao, Chỉ điểm, Người nước ngoài, Sinh mệnh, Dòng máu anh hùng, Đừng đốt, Chậm thì chết... tại các cụm rạp của VNIFF

Tuy nhiên, đạo diễn Lê Hoàng lại có suy nghĩ khác. “Theo tôi đầu tư cho điện ảnh hiện nay không thấp mà là lãng phí. Là người làm điện ảnh, chứng kiến cảnh những thiết bị đắt tiền giá hàng trăm ngàn USD được bỏ tiền ra mua rồi... đắp chiếu mới thấy xót xa”. Lê Hoàng dẫn chứng: “Hồi tôi làm bộ phim Chiếc chìa khóa vàng, trong đó có một cảnh kỹ xảo vài phút. Khi tới trung tâm kỹ thuật điện ảnh, mở cánh cửa kho lâu ngày không ai đụng tới ra, mới thấy chiếc máy làm kỹ xảo, nếu tôi không nhầm là được đầu tư tới gần 1 triệu USD, nằm đó từ bao giờ. Rất nhiều máy móc khác được đầu tư nhưng không dùng hết công năng... Vừa rồi, có một biên kịch cũng phát biểu nhuận bút phải trả cao. Đòi hỏi cao quá thì người ta không trả được, nhưng đòi hỏi cũng phải phụ thuộc vào sức tiêu thụ của xã hội chứ”.


Trước 3 giải pháp mà TS Lưu Trọng Hồng nêu ra, đạo diễn Lê Hoàng chỉ tán đồng việc nhà nước cần đầu tư cho nhân lực. Thực tế, bệnh viện cũng đòi xây thêm vì quá tải bệnh nhân, trường học cũng thiếu lớp... Nếu đi... khóc với những ngành đó, chắc ngành ta sẽ... thua. Việc xây rạp hãy để tư nhân lo, nếu họ thấy lãi, họ sẽ nhảy vào ngay... Khâu đào tạo là cả một chiến lược cần đầu tư lớn và lâu dài vì thế cần sự hỗ trợ của nhà nước.  

Không bán được vé, điện ảnh sẽ chết

Đạo diễn Lê Hoàng tiếp tục gây sốc khi thẳng thắn nói rằng không còn hào hứng lắm với chuyện đi dự LHP quốc tế. “Tôi từng dự nhiều LHP quốc tế, kể cả Busan hay Singapore. Mấy năm gần đây, tôi không đi nữa, đơn giản vì tôi không thấy tự hào lắm về điều đó. Tôi thấy, ở đó, vị thế của mình không có gì quan trọng, dù người ta có cố gắng dành cho mình một vị trí tốt và cố tỏ ra nồng nhiệt với mình... Điều quan trọng với tôi bây giờ là phim của tôi được khán giả trong nước đánh giá như thế nào”.

“Điện ảnh không bán được vé, thì điện ảnh sẽ chết! - Anh nhấn mạnh và chia sẻ - Thực tế từng đứng ở cửa rạp chiếu phim, tôi quan sát khán giả đa phần là người trẻ. Phim mang tiếng chiếu toàn quốc, nhưng 7 đồng vé bán ở TP.HCM, 2 đồng ở Hà Nội, còn lại 1 đồng là ở tất cả các tỉnh, thành phố khác. Như vậy, việc làm phim không phải là hướng tới cả 86 triệu dân, mà là hướng tới khán giả trẻ thành thị.

Người trẻ ở thành thị hiện nay quan tâm tới điều gì? Họ có quan tâm tới quá khứ, hiện tại, nhưng quan trọng nhất là cuộc sống hôm nay... Ngoài ra, tôi vẫn muốn nói một điều về duyệt phim ở ta. Có những phim được ra rạp khiến tôi ngạc nhiên và ngạc nhiên không kém khi có những phim phải cắt chỗ nọ, bỏ chỗ kia. Tôi không nói khâu hay hay dở, mà cần phải thay đổi phương thức của hội đồng duyệt...”.

Thu Hằng (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm