"Hiện vật mới này có nhiều điểm bất thường!"

29/05/2008 19:43 GMT+7 | Tin di sản

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An 

Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Huế - Phan Thuận An
 
Với tầm hiểu biết sâu sắc của mình về lịch sử, ông đã cung cấp một số thông tin giá trị đánh giá độ tin cậy của bức chiếu Cần Vương mới tìm thấy, cũng như bày tỏ quan điểm về chuyện “Vua Hàm Nghi sang Đại Đức cầu viện”.
 
 
Ông Phan Thuận An cho biết: Thông tin về “Bức chiếu Cần Vương” không phải “vừa được tìm thấy”, mà từ cuối năm 1995, bạn của tôi là TS. Võ Quang Yến làm việc ở Paris, thành viên của Hội Pháp các người bạn Đông phương đã gửi về cho Tạp chí Huế xưa và nay bài viết “Một bức chiếu chỉ Cần Vương”. Bài viết này đăng trên Huế xưa và nay, số 15, tháng 2 năm 1996.
 
Sau khi mô tả, TS. Võ Quang Yến kết luận: “Nếu các sử gia đánh giá nó là một tài liệu quý báu, thì các cơ quan phụ trách phải thương lượng cho nó trở về lại”. \
 
Song, gần 13 năm trôi qua, tôi vẫn không nghe nhà chức trách nay nhà chuyên môn đề cập đến vấn đề này. Liệu, có phải tài liệu này chưa thực sự có giá trị?
Đám cưới vua Hàm Nghi

1. Tôi cho rằng, phải xác định tên gọi hiện vật này cho chính xác là chiếu haydụ. Theo định nghĩa Từ điển Hán – Việt (Đào Duy Anh), dụ: lời kẻ trên bảo xuống kẻ dưới, nghĩa là lời Vua chúa hạ lệnh cho thần dân, bảo phải tuân theo; chiếu: lời công bố, banbố, nghĩa là lời của Vua, nhưng chỉ báo cho thần dân biết. Hơn nữa, khi đọc các tài liệu nói về triều Nguyễn, trong Đại Nam thực lục (Tập 36) có nói chuyện Vua Hàm Nghi đều dùng từ: “Dụ thiên hạ Cần Vương”, hay “Có dụ Cần Vương”…Nếu đây là văn bản Tôn Thất Thuyết lấy tư cách Vua Hàm Nghi viết lời kêu gọi, thì phải gọi là dụ.

Bức chiếu được cho là nguyên bản.
Ảnh TTO

2. Nói về hình thức hiện vật, tôi không được tiếp cận trực tiếp văn bản nên khó biết rõ diện mạo của nó. Qua hình ảnh trên báo, và lời thuật của TS. Võ Quang Yến trên tạp chí, tôi cảm thấy có một số điều bất thường so với một văn bản của hoàng triều.

- Về hình thức có ba điểm đáng ngờ. Thứ nhất: Lạc khoản xưa nay thường để cuối văn bản, trong hiện vật này lại để đầu văn bản. Thứ hai: Con dấu trong hiện vật đề “Hàm Nghi bảo ấn” trong khi con dấu của các Vua vẫn thường dùng có chữ “Sắc mạng chi bảo”. Ngày xưa, “Ấn” chỉ dùng cho các quan; riêng nhà Vua thì dùng “Bảo” (dấu làm bằng vàng - bạc) hoặc “Tỷ” (bằng ngọc). Lạ hơn nữa là chữ: “Phúc Minh chi ấn” ghi trong văn bản, Phúc Minh là tên húy của Vua Hàm Nghi, không được phép dùng, nói đúng hơn là điều cấm kỵ. Thứ ba: Theo miêu tả của TS. Võ Quang Yến, con rồng trang trí trong hiện vật là rồng 4 móng. Nên nhớ, quy định riêng cho nhà Vua phải là rồng 5 móng. (Về nguyên tắc, lúc thần dân lạy Vua cũng lạy 5 lạy).

Ông Phan Thuận An với một bức sắc phong của Vua Thành
 Thái, trong đó, lạc khoản được ghi cuối văn bản.

"Trẫm nào tiếc thân
hèn, nên chẳng ngại
lao nhọc vượt núi
non biển cả, xông
pha chỗ chết, đích
thân sang nước Đại
Đức cầu sự giúp đỡ.
Đã được nước ấy
chuẩn thuận"
(Chiếu Cần Vương
mới phát hiện)
- Về nội dung: Thời điểm ban hành trong văn bản là “Hàm nghi ngũ niên”. Lần theo lịch sử, Vua Hàm Nghi lên ngôi ngày 2-8-1884 lúc 14 tuổi mụ (sau khi Vua Kiến Phúc mất). Sau biến cố kinh thành Huế ngày 23/5 năm Ất Dậu (5/7/1885), Vua Hàm Nghi rời cung cùng một số quần thần thực hiện cuộc kháng chiến chống Pháp và bị bắt ngày 1/11/1888. Ngày 13/1/1889, Vua Hàm Nghi bị đưa đến Algérie. Bức dụ nói trên ghi “Hàm Nghi thứ năm, ngày mồng sáu, tháng sáu tức là ngày3/7/1889. Danh bất chính, do đó, bức dụ này không phải là dụ của Vua Hàm Nghi.

"Tôi cũng chưa tìm
 thấy nguồn tư liệu
nào cho biết Vua
Hàm Nghi đi Đức
vào thời điểm “dầu
sôi lửa bỏng” như
thế"(PhanThuận An)
Sử sách ghi lại, từ khi lên ngôi, Vua không rời một bước ra khỏi hoàng cung cho đến khi xuất bôn. Vậy, thời gian nào để ông sang Đức hay Quảng Đông? Lần đầu tiên và lần cuối cùng, nhà Vua chỉ chạy loạn theo đoàn ngự đạo. Cũng với tuổi ấy, lấy tư cách gì để nói là sang Đại Đức yêu cầu giúp đỡ. Tôi cũng chưa tìm thấy nguồn tư liệu nào cho biết Vua Hàm Nghi đi Đức vào thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” như thế.

Tóm lại, ở thời điểm kháng Pháp còn nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn mọi thứ, không thể làm được tờ dụ với chất liệu, màu sắc như bức dụ trên. Hơn thế, thời điểm ghi trong tờ dụ cũng là thời điểm Tôn Thất Thuyết đãở Trung Quốc gần 1 năm. Lời lẽ trong tờ dụ chỉ phù hợp cho một vị quan, vị tướng nào đó “mượn” danh Vua Hàm Nghi để kêu gọi đồng bào kháng Pháp, hơn là lời của Vua.

Đây chỉ là một số suy nghĩ của tôi, rất tiếc là chưa có điều kiện tiếp cận với hiện vật nên không chắc chắn 100% về giá trị của nó.

Khang An (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm