Giữ gìn "gen" di sản

23/09/2009 09:06 GMT+7 | Tin di sản

(TT&VH) - Di sản có thể tiếp tục sống trong đời sống đương đại như thế nào? Hay sẽ đi vào “bảo tàng” và trở thành ký ức của chúng ta về các giá trị văn hóa trong quá khứ? Hay di sản có thể “sống”, có thể “phát triển” song hành cùng đời sống đương đại? Đó là những câu hỏi lớn và cũng là chủ đề chính được rất nhiều đại biểu là các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các nhà quản lý văn hóa cùng đông đảo những người quan tâm tới các di sản văn hóa Việt Nam đưa ra thảo luận tại cuộc tọa đàm Để Di sản “sống” trong đời sống đương đại do báo TT&VH tổ chức sáng qua (22/9) nhân kết thúc một năm thực hiện dự án truyền thông Báo động từ vốn di sản.  

 “Theo tôi, làng chính là cái “gen”

Có mặt tại buổi tọa đàm, nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu: Ai cũng biết, sự sống tồn tại bằng biến đổi, hay như cách nói của các nhà khoa học, bằng “trao đổi chất” (métabolisme). Sống tức là thường xuyên trao đổi chất với môi trường quanh mình, cũng có nghĩa là thường xuyên có một cái gì đó chết đi, bị đào thải, một cái gì đó khác được thay  vào; nhưng mất đi và thay vào như thế nào đó để sự vật vẫn là sự vật ấy, vừa vẫn là chính nó, vừa đã được phát triển lên. Tức đào thải và thay thế, nhưng có một cái lõi xuyên suốt nào đó vẫn còn. Hình như khoa học gọi cái đó là “gen”.


Cuộc tọa đàm

Văn hóa càng như vậy. Phương thức tồn tại của văn hóa không phải là tĩnh tại, mà là biến đổi; không biến đổi, không phát triển, thì không còn là văn hóa, khi đó chỉ còn văn hóa chết. Tuy nhiên, bàn bạc về vấn đề này là không dễ dàng vì: biến đổi như thế nào, để phát triển mà vẫn là mình, vẫn giữ được một cái lõi, cái “gen”.

Ông phân tích: Mỗi biểu hiện văn hóa đều có không gian thiết yếu của nó. Người Việt từng đối mặt mà không hề  sợ, thậm chí tận dụng được mọi cái hay, lạ, bản địa hóa nó để làm giàu cho mình, đồng thời không bị đồng hóa, vì chúng ta có một cái cốt lõi văn hóa rất sâu, rất bền, trụ vững trong một không gian được cấu trúc rất độc đáo, chặt chẽ: làng.

Người Việt Nam chính vì giữ được văn hóa làng mà ta đã không bị đồng hóa trước những thế lực văn hóa lớn. Trái lại, chính cái lõi này lại có sức đồng hóa ngược đối với các văn hóa ngoại lai, thanh lọc chúng cho mình, làm giàu, làm mạnh mình lên. Cũng từ cái lõi gốc này mà sinh sôi nảy nở, đa dạng hóa, có thể đến vô cùng. Rất có thể đây là nét đặc trưng quan trọng nhất của văn hóa Việt Nam.
 
“Theo tôi, làng chính là cái “gen”, là nơi giữ cái “gen” của văn hóa Việt, để cho nó có thể biến hóa muôn vẻ mà ta vẫn là ta, là ta đặc sắc hơn, phong phú hơn, mạnh hơn” - nhà văn Nguyên Ngọc nói.


Nghệ nhân trình diễn Rối Đầu Gỗ tại cuộc tọa đàm, TT&VH sẽ tiếp tục
 đăng tải các ý kiến hội thảo trong các số báo tới

Tôn trọng quyền quyết định của chủ thể văn hóa

Đó là lời khẳng định của TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục DSVH, Bộ VH,TT&DL. Trước tiên, theo TS Lê Thị Minh Lý, di sản văn hóa phi vật thể được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, được các cộng đồng và các  nhóm người không ngừng tái tạo và hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục... Di sản phi vật thể là những đối tượng sống, chứa đựng sinh lực và tồn tại trong các mối quan hệ xã hội phát triển liên tục.

“Di sản phi vật thể chính là con người mà đã là con người thì sẽ sống. Nghĩa là di sản thuộc về các chủ thể, và chúng ta không nên, không được thay chủ thể tự quyết định có bảo tồn hay không. Đã có nhiều dự án được tiến hành trong nhiều năm qua nhưng do chủ thể không chấp nhận, chối bỏ nên thành thử dự án cũng thất bại. Vì vậy, nó có những “từ khóa” rất cơ bản thuộc lĩnh vực Nhà nước liên quan đến việc quản lý, vận dụng các từ khóa này để bảo vệ di sản. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, không phải biện pháp nào cũng bảo tồn được di sản, thậm chí là có những biện pháp sẽ làm đóng băng di sản, đóng băng truyền thống đó lại. Thế nên, hãy tôn trọng quyền quyết định của chủ thể văn hóa. Hãy trao quyền và hỗ trợ để người dân tự xác định bản sắc của họ, nhận ra cái họ có, họ cần. Cái họ cần chính là cái gắn với cách mưu sinh, tái sản xuất xã hội và cuộc sống tinh thần của họ. Vấn đề bảo vệ di sản văn hóa, bản sắc văn hóa và đa dạng văn hóa trước hết phải xuất phát từ chủ thể văn hóa, từ nhu cầu, lợi ích của chủ thể và do chủ thể tự quyết định”. TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.

      Bao giờ văn hóa cũng thể hiện ở thời điểm đương đại của nó. Karl Marx nói “Hiện tại là kho chứa của quá khứ”. Trong một lát cắt đồng đại tại thời điểm đương đại của văn hóa thì bao giờ chúng ta cũng bắt gặp những tinh hoa của quá khứ được chọn lọc... Vì vậy, văn hóa là một quá trình tiếp nối chứ không phải là một quá trình thay thế. Nó có thể thay thế về chi tiết nhưng nó sẽ tiếp nối cái “gen” của quá khứ. Lịch sử phải trả giá bằng những cái mất đi và những cái phát sinh. Giữ lấy cái “gen” là giữ cái hồn dân tộc, cái mà dân tộc nâng niu từ thời cha ông (GS-TS Tô Ngọc Thanh).


Huy Thông (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm