ĐT futsal Việt Nam với chiến tích lọt vào tứ kết VCK châu Á: 7 năm lại có một lần

06/05/2014 12:43 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ sau kỳ tích lọt vào vòng tứ kết Asian Cup 2007, ĐT Việt Nam không còn giành được thành tích nào tương đương như thế. Với việc ghi tên mình vào nhóm 8 đội mạnh nhất châu lục tại AFC Futsal Championship 2014, ĐT Futsal (nam) Việt Nam nói riêng và futsal Việt Nam nói chung, dù đi sau nhưng đang có cơ hội về trước.

Thiên thời, địa lợi…

Cần nhắc lại rằng, khi ĐT Việt Nam (dưới thời HLV Alfred Riedl) bước qua UAE, cầm chân Qatar…, để ghi tên mình vào tốp 8 đội mạnh nhất châu lục (và sau đó thua Iraq, đội đã giành chức vô địch Asian Cup năm đó, với tỷ số 0-2 ở tứ kết), bóng đá Việt Nam các cấp độ ĐTQG đã xô đổ rất nhiều kỷ lục trong năm 2007.

Trong khi ĐT U20 Việt Nam lọt vào VCK U20 châu Á, thì ĐT Olympic Việt Nam cũng đi đến vòng đấu loại thứ 3, giành vé đến Olympic Bắc Kinh 2007; ĐT nữ Việt Nam lần thứ 4 liên tiếp vào chơi chung kết tại một kỳ SEA Games và chỉ duy nhất U23 Việt Nam thất bại ở SEA Games 24 trên đất Thái…

7 năm sau, câu chuyện lặp lại nhưng là với ĐT futsal Việt Nam. Nếu như thời điểm năm 2007, futsal Việt Nam vẫn chưa có tên tuổi trên bản đồ futsal châu Á (không vượt qua được vòng loại AFC Futsal Championship 2007 và lặp lại điều này một năm sau đó), thì ngay lúc này, bóng đá trong nhà Việt Nam đã ở một đẳng cấp khác và đương nhiên, cũng có vị thế khác.

“Tạm thời, chúng ta đã tạo được chân đế rồi. Mặc dù vậy, để đưa futsal Việt Nam tiệm cận đẳng cấp châu lục và thế giới, chúng tôi vẫn cần thêm rất nhiều sự hỗ trợ nữa, từ giới truyền thông và của cả xã hội”, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM (HFF), ông bầu của Thái Sơn Nam và cũng là lá cờ đầu của futsal Việt Nam, chia sẻ.
Trước đó, năm 2005, khi AFC Futsal Championship lần đầu tiên được tổ chức trên sân nhà (TP.HCM), chúng ta trắng tay với vị trí chót bảng F, sau khi thua Kyrgykistan 1-4, thảm bại 1-8 trước Iraq và chỉ cầm hòa được Hong Kong (Trung Quốc) với tỷ số 1-1.

Năm 2010, lần đầu tiên trong lịch sử, futsal Việt nam vượt qua được vòng loại giải đấu châu lục (Tashkent, Uzbekistan), nhưng lại không may rơi vào bảng C, nơi có sự hiện diện của Thái Lan (thắng Việt Nam 5-2) và Kyrgykistan (thắng Việt Nam 4-2). Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có quyền rời cuộc chơi trong thế ngẩng cao đầu, sau trận đại thắng 7-3 trước Hàn Quốc. Vì thế, có thể nói, AFC Futsal Championship 2010 là cột mốc đánh dấu sự chuyển mình của futsal Việt Nam: Từ nghiệp dư bước qua chuyên nghiệp, với những lá cờ đầu như Trà Dilmah (Hà Nội) và đặc biệt là Thái Sơn Nam (TP.HCM).

Có thể cảm nhận được điều này qua chia sẻ của ông Ngọc Anh, cựu cầu thủ Trà Dilmah, cũng là cựu trợ lý HLV ĐT Futsal Việt Nam, khi nói: “So với thời điểm 2010, futsal Việt Nam lúc này thực sự ở một đẳng cấp rất khác”.

Có thực mới vực được đạo

Ngoài giải vô địch futsal quốc gia, các giải cụm, giải quốc tế và giải TP.HCM (nơi mà bộ môn futsal cực kỳ phát triển) mở rộng…, được tổ chức hàng năm, sự phát triển của futsal Việt Nam còn được nhìn nhận thông qua các gói kích cầu – đầu tư rất bài bản: Thuê các chuyên gia và HLV đến từ những nền bóng đá futsal phát triển như Italy và Tây Ban Nha.

“Tôi tin rằng cơ địa người Việt Nam hội tụ đủ tố chất để chơi tốt môn bóng đá trong nhà, vốn đòi hỏi sự nhanh nhẹn, dẻo dai. Nhưng do chúng ta đi sau, đi muộn, thì phải cầu thị mới hy vọng tiến bộ được”, ông Trần Anh Tú, Ủy viên Ban futsal AFC và đồng thời là Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM, cho biết.

Muốn phát triển một môn thể thao, tất nhiên phải có lộ trình và phải có đầu tư đúng hướng. Ngay lúc này, trung bình một cầu thủ futsal chơi trong màu áo các CLB chuyên nghiệp, hưởng lương từ 10-15 triệu đồng/tháng, thực sự là một cuộc cách mạng mang tên các ông bầu.

Nhưng, có một chi tiết ít ai để ý, có thể giải thích ngọn ngành sự phát triển của futsal Việt Nam trong khoảng 7 năm qua, đấy là việc xã hội hóa bộ môn này được thực hiện đồng bộ và căn cơ. Bắt đầu từ sự nở rộ các sân bóng cỏ nhân tạo, giúp người chơi dễ dàng tiếp cận hơn với môn bóng đá mini, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa có thể phát triển các kỹ năng.

Sân bóng cỏ nhân tạo ra đời ở Việt Nam (thi đấu 5, 7, thậm chí cả 11 người, vẫn là tương đối muộn so với thế giới), ban đầu là các dự án đầu tư – kinh doanh, song rõ ràng, chúng ta cũng không thể không nhắc tới vai trò của các chủ dự án, bởi họ chính là cầu nối để futsal Việt Nam phát triển.

Dần dần, các đội bóng nghiệp dư được hình thành và bóng đá mini (bao gồm cả futsal) bắt đầu phân tách đẳng cấp, các tài năng nở rộ và ĐTQG có thêm nhiều sự lựa chọn… Như vậy, đừng quá lo lắng rằng chúng ta sẽ ngã ngựa bởi “con hổ” khác của futsal châu Á, ĐT Iran, tại tứ kết giải đấu trên sân nhà lần này, bởi vào được đến đây đã là cột mốc chói lọi rồi.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm