Viết tiếp về điều cảm động sau chuyện buồn

18/07/2009 17:31 GMT+7 | Bạn đọc viết

(TT&VH) - Sự ra đi của NSND Phùng Há khi sắp tròn trăm tuổi đã để lại bao tiếc thương trong giới nghệ sĩ và công chúng cả nước. Người nữ nghệ sĩ hơn 80 năm bền lòng theo nghiệp ca cải lương ấy, đã giành những năm cuối đời mình làm nhiều việc thiện. Bà còn dặn bè bạn và người thân đừng phúng điếu long trọng khi mình qua đời, dành tiền đó cho các nghĩa cử.

Và trang 18 của báo TT&VH ngày 11/07/2009 có đăng lời cảm tạ của BTC lễ tang cùng gia đình sau ngày đưa NSND Phùng Há về nơi an nghỉ cuối cùng. Ý của lời cảm tạ là: "trong lúc tổ chức tang lễ không thể tránh thiếu sót, kính mong được niệm tình tha thứ."Tôi đọc, với thêm lần ướt mí mắt về một sự chân thành tột độ trong những từ ấy.

Đó cũng là điều mà tôi đề cập trong bài "Điều vui sau chuyện buồn" trên báo TT&VH cuối tháng 12/2008. Là bởi vì theo cách hành văn cũ, trong các tin "Cảm tạ" và "Lời cảm ơn" thường có câu “có gì sơ suất xin được lượng thứ”. Chỉ khác một chút giữa "có gì sơ suất" với "không thể tránh thiếu sót” (hoặc “có những điều sơ suất"), nhưng cách “cảm tạ” sau lịch thiệp hơn. Bởi lẽ nếu viết “có gì sơ suất” thì như là bắt người trực tiếp - gián tiếp dự lễ tang ấy phải rà soát xem "có gì sơ suất" hay không, nếu có thì mới “xin được lượng thứ”.

Tôi không nghĩ rằng các tang chủ viết "có gì sơ suất…" là  thiếu chân thành, mà chỉ bởi bao năm rồi nơi nơi cứ quen một cách hành văn theo "mẫu". Nên, tôi thấy cần viết thêm ý kiến nhỏ này đặng góp cho một nét mới thuộc văn hóa tang lễ.

Nguyễn Đông Anh
(Hà Nội)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm