Dọc đường... mưu sinh

21/10/2008 07:41 GMT+7 | Bạn đọc viết

Nhiều thống kê cho thấy, ở một số vùng nông thôn, nhất là miền Bắc, miền Trung Việt Nam, dân cư đa phần còn lại là người già, phụ nữ và trẻ em.

Những người đàn ông, thanh niên trai tráng trong vùng đã vào Nam tìm việc mưu sinh, gởi chút tiền về lo trang trải gia đình. Nhưng cũng không ít người phụ nữ cũng tất bật tha phương, bươn chải xuôi ngược giữa đời, để lo manh áo chén cơm cho gia đình, bởi đất đai khô cằn, mà mưa lụt nắng hạn cứ mải miết trên quê hương.

Mỗi ngày, tôi đón những chuyến xe đi về trạm xe bus Bến Thành.

Phía bên kia là công trường Quách Thị Trang xanh tươi, là chợ Bến Thành sầm uất. Bên này, là bánh mì, là xôi, là đậu nành, là bắp luộc. Những chiếc xe đạp cũ kĩ chất chồng cả một gánh hàng rong.

Ảnh TinNhanhBlog

Ngày nắng cũng như mưa, người phụ nữ này chọn cho mình một góc ở sát lề - nơi xe bus trả khách/đón khách. Chị là một trong số những phụ nữ với xe bắp luộc bán tại trạm. Gương mặt sạm đi vì nắng gió, nhưng nụ cười vẫn nở thật tươi khi tôi xin phép được chụp ảnh chị, trong chiều mưa lịch sử của tháng 5.2007

Chị cười, nụ cười hơi ngượng ngùng..."Lâu lắm rồi em chưa chụp ảnh". Giọng xứ Thanh nghe chìm hẳn trong chiều mưa.

Cuộc sống với bao chất chồng cuốn tôi đi.

Cuối năm, lần giở lại những hình cũ...bọc tấm ảnh của chị trong một tờ giấy, tôi đi tìm...

23 tháng chạp, bến xe bus vẫn đông người. Nhưng tôi không tìm thấy chị. Hơi thất vọng, nhưng xen chút vui vui vì tôi nghĩ: có lẽ chị đã về sum họp gia đình ...

27, 28 tháng chạp...những người buôn gánh bán bưng cũng thưa dần ... Tôi không tìm thấy chị. Tấm hình bọc nguyên trong túi.

Rồi tôi cũng gởi hình đến tay người trong ảnh. Chị cảm ơn: "Em có về quê đâu. Mấy hôm gần Tết, em chuyển sang khu trên này để bán".

"Khu trên này" ấy là khu vực gần trung tâm hơn, nơi những đường hoa rộn ràng, nơi người người dập dìu chào Xuân mới...

Lại có những chiều, khi người trẻ dạo phố, người già tập dưỡng sinh thì người phụ nữ này tất bật với công việc mưu sinh của mình.

Ảnh TinNhanhBlog

Chị đạp xe từ khu nhà trọ ẩm thấp, đến các công viên 30.4, bến Bạch Đằng, ôm những thứ quà vặt này đi dọc công viên, hè phố mời mua.

Cảm nhận của riêng tôi, 80% người buôn bán mặt hàng như chị là người miền Trung từ Quảng Nam đổ vào đến Bình Định (bởi tôi đã gặp rất nhiều các chị, các cô với gánh hàng rong như thế này ở trung tâm Sài Gòn). Và chị, đã rời quê hương (một xã nghèo thuộc huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi - cùng quê cha đất tổ của tôi) để vào Sài Gòn mưu sinh hơn 4 năm nay.

Đôi chân không lành lặn khiến chị hơi khó khăn khi đạp xe, đi lại. Nhưng cũng chính đôi chân ấy đã đi bao nhiêu cây số đường hàng chiều, hàng tối để bán cho hết hàng. Chị dựng xe trên lề đường, sắp xếp hàng, và xách một ít đi mời.


Nét nhọc nhằn hiện rõ trên gương mặt chị. Nhưng tôi không tìm thấy sự buông xuôi...

Dẫu có lẻ loi, dẫu có một mình giữa Sài Gòn náo nhiệt...

Xuôi về miền Tây Nam Bộ...

Một chiều trên những chiếc ghe từ Cù lao Thới Sơn qua Bến Tre, du khách ngỡ ngàng vì người chèo ghe đa số thuộc đội quân tóc dài. Các chị tay chèo thoăn thoắt, luôn miệng trò chuyện với du khách. Tiếng rộn ràng cả một khúc sông.


Ảnh TinNhanhBlog

Dẫu có không ít muộn phiền vì khu vực này nghe nói được đền bù khá rẻ khi qui hoạch làm khu du lịch sinh thái, nhưng hàng ngày, những người phụ nữ lớn lên cùng sông nước ấy vẫn gắn bó với những chuyến đò qua lại bến sông...bởi nơi đây là một phần máu thịt, là cả một phần đời không thể quên của họ.

Và tôi, cũng nhiều khi không thể quên những hình ảnh này...khi nhìn đôi tay còn nguyên vẹn của mình...khi chân liêu xiêu trong chiều nhạt nắng nhưng vẫn là một đôi chân lành lặn...Một cuộc đời cần cố gắng vượt lên...

Theo TinNhanhBlog

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm