Bản con "lộn", con "lẫn" (Kỳ 3)

18/06/2008 17:05 GMT+7 | Thế giới

Kỳ 3: Nỗi lòng người làm cha, làm mẹ
 
Hai cha con cùng "lộn"
 
(TT&VH Online) - Chúng tôi không có ý định chứng minh điều gì, và thực tế là với phương tiện của báo chí thì cũng không thể làm được điều gì tại Lạc Sơn, Hoà Bình trong một chuyến đi như vậy. Mong muốn duy nhất là làm sao ghi lại được những gì tai nghe, những gì mắt thấy để khoa học sẽ nói lên tiếng nói của mình.
 
Trở lại trường hợp của cậu bé Bình - Tiến. Khi anh chị Tân - Thuận ngỏ ý muốn mời tôi ở lại dùng bữa tối với gia đình, tôi đã nhận lời ngay. Đó sẽ là một dịp tốt để tôi có thể tiếp cận gần gũi hơn với những điều đã được nghe. Đúng hôm đó người bác ruột của cậu bé, tức là anh trai của anh Hoan là Bùi Văn Tuấn lại sang chơi nhà. Anh Tuấn sinh năm 1966, có 2 con trai, 1 con gái. Con trai út của anh Tuấn ít tuổi hơn bé Bình - Tiến. “Về bản chơi với em Út không Tiến?”, người bác ruột hỏi. Nghe hỏi, cu Bình - Tiến lắc đầu nguây nguẩy. Nó thực sự không muốn về bản nữa rồi!

Anh Tân và cậu con nuôi Bình - Tiến

 Anh Tuấn nhắc lại câu chuyện Bình - Tiến đã dẫn mẹ Ba của nó (anh Hoan là con trai thứ 3 trong gia đình, nên khi nói chuyện, Bình vẫn hay gọi là mẹ Ba) “về nhà” thế nào. Mẹ anh, bà nội của Bình - Tiến, từng nói rằng chính bố thằng bé, anh Hoan, “cũng là con lộn ở nơi khác về, chứ không phải người ở đây đâu.” Khi đón Bình - Tiến về nhà, vợ chồng anh chị Tân - Thuận đã làm mấy mâm cơm, mời cả gia đình anh Hoan và những người thân thiết trong bản tham dự gọi là có cái lễ xin cho cháu được qua lại. “Bà cụ nói bà đã biết thằng Bình không phải là người Mường từ lâu rồi. Và bà còn nói bố nó cũng là người dưới Chăm Mát, dưới chân Cun ấy chứ không phải người ở đây đâu”, anh Tân chêm vào. Khi gặp anh Hoan, tôi đã trực tiếp hỏi thẳng anh về việc này, và anh cũng đã xác nhận điều đó.
 
Thuật lại lời bà cụ, thì hồi còn nhỏ, cỡ như cu Bình - Tiến bây giờ, anh Hoan cũng luôn mồm nói rằng nhà mình không phải ở bản Cọi này, mà là ở dưới Mát cơ. “Bố nó còn kể rằng đã ở cái nhà có sân ra sao, có mấy cây cau như thế nào, đi vào nhà bị nước nhỏ lên đầu ra làm sao... Mà đúng như thế, vì nhà mẹ tôi ở dưới đó nên tôi biết. Nhà người Mường dưới đó thường chẻ đôi ống bương ghép nối nhau để dẫn nước từ trên núi về nhà. Đi bên dưới nước rỏ tong tỏng lên đầu là chuyện có thật.” anh Tân kể. Khi vào bản, tôi đã hỏi thẳng anh Hoan rằng anh còn nhớ gì chuyện đấy không? Anh Hoan nói lâu quá rồi nên không còn nhớ gì nữa, chỉ thỉnh thoảng nghe mẹ nhắc lại thôi. Tuy nhiên, anh Hoan kể có một câu chuyện từ hồi nhỏ mà anh không bao giờ quên. Đó là có một giai đoạn khi anh khoảng 6 tuổi, có một giấc mơ kỳ lạ cứ theo anh suốt một thời gian dài. “Buổi tối cứ nằm xuống là tôi thấy mình đang chạy. Cứ thế chạy mải miết, chạy mãi, chạy mãi. Chạy không dừng được mà chẳng biết chạy về đâu. Bố tôi thấy vậy thắp sáng đèn lên, tỉnh lại thì thôi. Còn không cứ nằm xuống là lại chạy. Về sau, lớn dần, ám ảnh cũng theo đấy mà mất.” Tôi hỏi anh Hoan sau này có lần nào thử tìm về Chăm Mát không? Anh Hoan đáp tìm làm gì, làm sao ai người ta biết mình là ai mà tìm?
 
Con tôi cũng bình thường như bao đứa trẻ khác
 
Thoạt nhìn thì bề ngoài cậu bé Bùi Lạc Bình - Nguyễn Phú Quyết Tiến cũng không có gì khác những đứa trẻ khác. Cũng liến láu, cũng tinh nghịch lắm. Có lẽ ở cái tuổi nghịch nhiều hơn ăn này, đứa trẻ nào cũng nhăng nhẳng thế. Nhìn diện mạo không thấy có nét nào của anh Tân, chị Thuận cả. Đôi lông mày cong tròn rõ rệt, lại gần như giao nhau. Đặc biệt nhất ở Bình - Tiến có lẽ là cặp lông mi. Tôi chưa bao giờ thấy cặp lông mi của một đứa bé trai nào dài và đẹp đến thế. Dám chắc kể cả cho mấy cô gái “rỗi việc” dưới xuôi lên, ăn rồi chỉ đi ngồi xăm lông tỉa tót cũng chẳng có được cặp lông mi như của thằng bé.
 
Biết tôi đang chú ý vào cu cậu, cả anh Tân, chị Thuận và bác Tuấn đều cố tình gợi chuyện với Bình - Tiến. Tuy nhiên, những hành động, cử chỉ đến cách ăn uống, nói chuyện của cậu hoàn toàn như một đứa trẻ bình thường. Ngoại trừ một số lời đối đáp tôi thấy hơi lạ. “Mời chú uống rượu bằng tiếng Mường đi con”, anh Tân gợi ý. Mặc dù được sự cổ vũ nhiệt tình, Bình - Tiến vẫn kiên quyết không chịu nói tiếng Mường. “Nói tiếng Mường để ba đưa con vào trong làng à”, cuối cùng, Bình - Tiến cũng phụng phịu. “Con nhà Mường, không về trong làng thì về đâu nữa”, chị Thuận bồi tiếp. Chẳng nói chẳng rằng, thằng bé đi vào nhà trong, một lúc sau nói vọng ra: “Mẹ mà nói thế, con đánh chết mẹ bây giờ!”
 
Thằng bé lảng tránh khi bị hỏi đến chuyện trong làng, trong bản Cọi vốn trước đây của nó. Không hiểu vì sao. Còn những câu trả lời khác nó trả lời tôi cứ nửa bí hiểm, nửa ngây ngô, không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Hỏi tại sao ngày xưa lại phải lên đồi ở? Thằng bé đáp: Tại vì ngày xưa cháu chẳng có nhà mà ở, cháu toàn lên đồi kiếm thức ăn thôi. Tại sao không có nhà mà ở, thế ai nuôi lớn đến 4 tuổi? Bố cháu! Bố nào? Bố.. ờ.. ờ không biết!
 
Tôi lại hỏi tại sao về nhà mẹ Ba? Thằng bé đáp: Tại vì mẹ cháu gửi, mẹ Thuận cháu gửi cháu vào đấy, nên cháu về nhà mẹ Ba. Thế mẹ Thuận gửi như thế nào? Mẹ Thuận có chửa nhá, mẹ Thuận không để cháu ở trong bụng được, mẹ cháu mới đẻ ra và gửi cháu vào trong làng nhá. Khi nào lớn mẹ cháu đón về (?) Thế tên cháu là gì? Ngày xưa cháu tên là Tiến, là Nguyễn Phú Tiến.
 
Bây giờ cháu đổi thành Nguyễn Phú Quyết Tiến... Anh Tân bảo hồi đầu mới về, cu cậu nói nhiều về chuyện đó hơn. Nhưng dần dà chắc nó cũng “nguôi ngoai” đi? Theo quan sát của tôi, thằng bé thực sự quấn quýt với bố mẹ nuôi (anh Tân, chị Thuận đã làm thủ tục xin nhận Bùi Lạc Bình làm con nuôi và đặt tên là Nguyễn Phú Quyết Tiến), đặc biệt là với anh Tân. Kể cả những lúc anh Tân nhắc nhở những chuyện trẻ con như nói phải có thưa gửi, phải dạ vâng... như người xuôi, thằng bé cũng nem nép nghe theo.
 
Người ta con đàn cháu đống đã đành...
 
Sau khi đồng ý cho Bình - Tiến sang ở với vợ chồng anh chị Tân - Thuận, nhà cửa trống trải, cả anh Hoan và chị Dự đều bỏ đi làm ăn xa cả. May thế nào, hôm ấy cả 2 vợ chồng lại cùng về bản. Với sự giúp đỡ của Trưởng bản Bùi Văn Tỉnh, chúng tôi đến thăm vợ chồng Hoan - Dự. Hai vợ chồng đều sinh năm 1971, tuổi Tân Hợi. Trưởng bản Bùi Văn Tỉnh cũng là người trong họ với anh Hoan, hôm nay nhân hai vợ chồng có nhà nên đi luôn cùng tôi để thu tiền lãi ngân hàng.
 


Trưởng bản Bùi Văn Tỉnh và anh Bùi Văn Hoan, bố đẻ bé Bùi Lạc Bình

“Đẻ ra được đứa con như thế, rồi nó lại về theo người ta mất, tôi cũng buồn lắm cơ”, anh Hoan tâm sự “nhưng cũng không thể ngăn nó được. Ở bên này nó đau ốm suốt. Chúng tôi đi “xem”, thầy bảo nếu không cho nó về, nó cũng sẽ tìm cách khác để đi thôi.” Trưởng thôn Tỉnh gật gù: “Chắc nó chỉ mượn cửa nhà này, nếu không được, nó lại sang cửa nhà khác thôi!” Tôi hỏi liệu anh chị có kế hoạch sinh đứa con tiếp theo chưa? Anh Hoan bảo chắc rồi cũng phải sinh thêm, thế này mãi chịu sao nổi. Nhưng bây giờ thì chưa có tiền, phải cố “cời” thêm ít nữa.
 
Đang cuộc nói chuyện thì chị Dự đi đâu đó về. Người mẹ tội nghiệp ngồi kể chuyện mà mắt cứ rơm rớm lệ. Đẻ con ra, nuôi nó lớn đến 3 - 4 tuổi rồi nó lại theo về nhà người khác. Không khóc sao được. Chị Dự bảo nhà người ta con đàn, con đống, mất một đứa còn chấp nhận được. Đằng này, hai vợ chồng lấy nhau đến 6 năm trời mới có được một mụn con, thế mà... Rồi chị Dự kể ngày xưa ở nhà, thằng bé nó ngoan thế nào, mẹ dặn đi học (đi đến trường mầm non chi Cọi) đi đường bên phải, nó đi đúng như thế ra sao... rồi cả chuyện mẹ bận việc nhà, lấy cho nó cái ghế, bảo nó ngồi im là nó ngồi im cả buổi cho mẹ làm, không quấy khóc...
 
Tôi hỏi hồi thằng Cò còn ở nhà, chị có đánh con không? Người đàn bà bẽn lẽn: Có! Tôi lại hỏi vì sao khi nghe thằng bé nói thế, và nó đã dẫn chị ra tận nhà ngoài ấy, vậy mà cũng phải mãi sau chị mới cho nó về bên kia? Chị Dự bảo chị có cho nó về đâu, là do bố mẹ nuôi của nó (anh Tân - chị Thuận) tự tìm đến đấy chứ. “Hồi đó nó nói thế thì mình biết thế. Nhà mình ở trong bản, lại nghèo, chẳng quen biết gì, tự dưng ra nhà người ta nhận nọ nhận kia, biết đâu người ta lại nghĩ khác, lại tưởng mình vụ lợi, ham tiền ham bạc gì...”. Đợi cho cơn xúc động của người mẹ đau khổ qua đi, tôi hỏi thẳng: Thế cho thằng Cò về bên đấy, anh chị có đòi hỏi gì không? Chị Dự lắc đầu: Không! Rồi chị Dự bảo tối nay chị lại ra thăm nó. Nhớ con quá...
 
Tương phản
 
“Thực ra thì ngay cả cho đến thời điểm này, tôi cũng chưa tin là thằng bé sẽ ở được với chúng tôi mãi”, anh Tân tâm sự. Anh Tân bảo anh cũng có biết những câu chuyện đồn thổi tương tự, rằng ngoài 12 tuổi, “dứt đường âm”, những đứa con lộn, con lẫn sẽ tự tìm về với bố mẹ đẻ. “Nhưng nhà tôi neo người, nên nó đến vợ chồng tôi cũng thương yêu nó lắm. Chúng tôi nghĩ cứ dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho nó. Dẫu có là... gì, mình cư xử tốt với nó, nó cũng chẳng nỡ hại mình đâu.” Anh Tân thành thật. Và anh Tân kể rằng từ hồi có thằng Cò về, anh Tân cũng không hay vắng nhà nữa. “Thú thật là sau khi chuyện xảy ra với thằng cu Tiến trước đây, con thì như thế, vợ thì không đẻ được nữa, tôi chán nản, đi suốt”. Bây giờ thì khác rồi. Anh dành hết thời giờ cho cậu con nuôi kháu khỉnh. 


Bản Cọi, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình nằm bên bờ sông Bưởi 

Là một người mẹ, chị Thuận không được cứng cỏi như thế. Khi đón Bình - Tiến về, chị Thuận cũng đi xem bói, cầu vạy ở nhiều nơi. Những câu chuyện chị kể về những lần đi đến thầy này, thầy kia nửa mê tín, nửa huyễn hoặc nên tôi chẳng muốn kể ra đây. Chỉ có điều, khi nói về thằng Cò, nhiều lúc tôi thấy chị đưa tay lên gạt nước mắt. Chị Thuận bảo chính chị nhiều lúc cũng tự đặt câu hỏi: Hay là vì nhà mình ở ngoài thị trấn, có điều kiện hơn nên thằng bé nó thích ở hơn? Hoặc giả vì một lý do vụ lợi nào khác cũng có thể khiến cho đứa bé 4 tuổi nghĩ khác? Mà nhà mình thì có gì đâu?... Nghĩ thì nghĩ vậy thôi, chứ cứ nhìn thấy thằng Cò là chị lại quên hết, chỉ muốn ôm nó vào lòng. Chị không nói nhưng tôi hiểu, chính cậu bé Bình - Tiến đã đem lại cuộc sống mới cho vợ chồng chị. Thằng Cò, giờ đây chính là nguồn sống, là động lực giúp cho cuộc sống của hai vợ chồng gắn kết với nhau hơn, cùng chung một mục đích nuôi dạy con cái nên người. Âu cũng là lẽ dĩ nhiên của con người ta vậy.
 
Đến đây tôi xin tạm đừng câu chuyện về cậu bé kỳ lạ Bình - Tiến. Tuy nhiên, có một điều nhận thấy rất rõ, qua các cuộc nói chuyện với ông Trưởng bản và cả một số trường hợp khác mà tôi sẽ nói ở phần tiếp theo của bài viết, thì người dân ở đây, đặc biệt là những người Mường trong bản Cọi, thực sự coi chuyện con lộn, con lẫn là một việc hết sức bình thường, tỉ như chuyện mớ rau, con cá vậy. Có thể cũng có thắc mắc, nhưng chỉ là để ghi nhớ câu chuyện, còn thì tất cả mọi thứ vẫn cứ thế diễn ra, song hành cùng cuộc sống bình dị và yên ả như bản làng bên bờ sông Bưởi.
 
Ghi chép của Việt Ba
 
Đón đọc kỳ 4: Nhận bố, nhận mẹ để nhận thêm yêu thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm