Xử trí và phòng ngừa ngạt nước

10/05/2018 15:06 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Ngạt nước (hay đuối nước) là những trường hợp vẫn còn dấu hiệu sống (dù chỉ tạm thời) sau khi đường thở nạn nhân bị ngập hoàn toàn trong nước và hít phải nước vào phổi (ngạt nước ướt) hoặc ngạt do co thắt thanh môn (ngạt nước khô). Theo định nghĩa của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ năm 2000. Chết đuối là những trường hợp tử vong trong vòng 24 giờ do bị chìm trong nước, có thể là ngay lúc đó hay sau khi được hồi sức. Chết đuối thứ phát là những trường hợp ngạt nước tử vong sau 24 giờ do suy hô hấp nặng.

Ngạt nước ở trẻ em có tầm quan trọng đặc biệt trong các tai nạn thường gặp vì di chứng thường xảy ra và nặng nề, nhất là di chứng não do thiếu oxy bởi không phát hiện và xử trí kịp thời đúng cách. Đây là tai nạn khá thường gặp ở trẻ em sống ở vùng sông nước, ao hồ, biển,…và cả những nơi có nhiều hồ tắm, hồ bơi. Nguyên nhân chủ yếu ở các trẻ nhỏ là do ngã xuống nước. Nước vào phổi làm thay đổi surfactant gây xẹp phổi, phù phổi, suy hô hấp, thiếu oxy não dẫn đến phù não và tăng áp lực nội sọ. Tiên lượng phụ thuộc rất nhiều vào thời gian chìm dưới nước và sơ cứu bước đầu tại hiện trường.

Những yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ ngạt nước:

Không biết bơi hoặc tự đánh giá cao khả năng bơi lội của mình.

Các hành vi nhiều rủi ro như tắm sông, chơi ở trên bờ ao hồ…

Thiếu sự giám sát của người lớn.

Hạ thân nhiệt dẫn đến suy kiệt nhanh, không đủ sức bơi.

Không phát hiện được loạn nhip tim nguyên phát. Ví dụ ngâm mình trong nước lạnh có thể gây ra tử vong ở những bệnh nhân có hội chứng QT kéo dài bẩm sinh type 1.

Ở trẻ lớn có thể do uống rượu, sử dụng ma túy…

Chấn thương, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.

Tăng thông khí trước khi nhảy xuống nước làm giảm PaCO2, trong khi đó PaO2 giảm còn 30 – 40 mmHg do tiêu thụ. Vì PaCO2 giảm nên không kích thích được hô hấp. điều này gây ra thiếu oxy não, co giật, mất ý thức dẫn đến chết đuối.

Chú thích ảnh

Thái độ xử trí nạn nhân ngạt nước tại hiện trường:

Cần khẩn trương, hợp lý kiên trì và phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa những người tham gia sơ cứu nạn nhân cũng như các nhóm cấp cứu từ tuyến địa phương đến tuyến cao hơn.

Khi sơ cứu nạn nhân, cần lưu ý các điều sau: khi cấp cứu, không nên lôi trẻ quá xa và không nên xốc nước vì làm như thế sẽ mất thời gian quý báu để hồi sức trẻ. Phải hồi sức nạn nhân ngay sau khi đưa được trẻ lên bờ.

Khi trẻ uống nhiều nước, nước sẽ vào phổi và bụng nhiều đồng thời gây hạ thân nhiệt nhiều. Không nên hơ lửa vì làm thế sẽ gây giãn mạch, hạ huyết áp, tim nhanh và ngưng tim. Giữ thân nhiệt khoảng 32 – 35 độ C là tốt.

Có khoảng 10 – 20% nạn nhân không hít nước vào phổi do phản xạ co thắt thanh môn, gọi là “ chết đuối khô”.

Nên tìm các tổn thương khác kèm theo. Nếu nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ phải cố định tốt cho đến khi loại trừ.

Thời gian hồi sức được tính bằng giây, do đó cần phải:

Nhanh chóng làm thông đường hô hấp: chất tiết, dị vật, mảnh răng vụn,…

Thực hiện ngay các động tác hồi sức cơ bản: thổi ngạt, ấn tim,…

Cởi bỏ quần áo ướt của nạn nhân để tránh gây hạ thân nhiệt, có thể làm ấm bằng chăn mền.

Gọi thêm người đến hỗ trợ cấp cứu đặc biệt là nhóm cấp cứu lưu động.

Động tác hồi sức cơ bản phải được tiến hành tiếp tục trên đường vận chuyển.

Tất cả các trường hợp ngạt nước nên đưa đến cơ sở y tế điều trị và phát hiện biến chứng.

Những trường hợp cần chuyển đến bệnh viện

Nạn nhân cần hồi sức khi được vớt lên

Nạn nhân có biểu hiện khó thở, mê, trụy mạch.

Nghi ngờ thời gian nạn nhân chìm trong nước lâu.

Phòng ngừa:

Vấn đề phòng ngừa ngạt nước rất quan trọng. Nhiều trường hợp ngạt nước do ngã vào các dụng cụ chứa nước trong nhà như lu, khạp, xô nước,… Do đó, phụ huynh cần phải bảo quản tốt các dụng cụ chứa nước trong nhà. Ngoài ra cần ngăn cấm trẻ tắm sông, ao, hồ, biển,…hoặc những nơi không người quản lý trông nom trẻ. Hơn nữa cần quản lý chặt chẽ trẻ em tắm tại các hồ bơi, các cứu hộ viên nên làm việc tích cực và phải được hướng dẫn cách sơ cứu ngạt nước cho cả người lớn và trẻ em.

Tại các trường học, cần có kế hoạch giáo dục và huấn luyện thực tập bơi lội cho học sinh cũng như cách sơ cứu tai nạn như ngạt nước.

Việc tổ chức các đội nhóm cấp cứu lưu động là rất cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay của nước ta để tránh những hậu quả đáng tiếc cho trẻ và gia đình.

Tài liệu tham khảo:  TEXTBOOK OF PEDIATRICS – Nhà xuất bản Y học

Khai trương khu thẩm mỹ công nghệ cao tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

Khai trương khu thẩm mỹ công nghệ cao tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

15h ngày thứ bảy, ngày 14/04/2018, bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long chính thức khai trương khu thẩm mỹ công nghệ cao.

 Điều dưỡng Thúy Hoài
(Khoa Nhi – Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm