Vitamin, chất khoáng và nâng cao miễn dịch

20/07/2017 11:07 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Theo BS. Đoàn Phạm Thúy Vy – Trưởng khoa Dinh Dưỡng (BV Hoàn Mỹ Cửu Long) đánh giá vai trò quan trọng của vitamin khoáng chất đối với việc nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

1. Vai trò của kẽm với tăng cường miễn dịch

Kẽm có nhiều vai trò quan trọng với tình trạng miễn dịch, và tăng trưởng của cơ thể

Kẽm giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành.

Thiếu kẽm dẫn đến nhiều các rối loạn không đặc hiệu như mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy kéo dài, hay bị bệnh nhiễm trùng…Thiếu kẽm kéo dài ở trẻ em dẫn đến tình trạng chậm tăng trưởng do giảm tổng hợp protein và giảm tổng hợp ADN, dậy thì chậm, giảm hoạt động các tuyến nội tiết đặc biệt là tuyến giáp…Ở người lớn, thiếu kẽm có thể làm giảm thị lực, tổn hương hệ thần kinh trung ương và ngoại biên, gây giảm phản xạ và nhận thức, giảm hoạt động sinh dục ở nam giới…

Nhu cầu của kẽm

Nhu cầu kẽm ở trẻ dưới 1 tuổi vào khoảng 5mg/ngày, ở trẻ 1-10 tuổi khoảng 10mg/ngày, thanh thiếu niên và người trưởng thành khoảng 15mg/ngày đối với nam và 12mg/ngày đối với nữ.

Chú thích ảnh

 Nguồn cung cấp kẽm

Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng…)... Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò. Lượng kẽm trong sữa mẹ ở tháng đầu tiên là cao nhất (2-3 mg/lít), sau 3 tháng thì giảm dần còn 0,9mg/l. Lượng kẽm mà người mẹ mất qua sữa trong 3 tháng đầu ước tính khoảng 1,4 mg/ngày. Do đó, người mẹ cần ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm để có đủ cho cả hai mẹ con.

2. Selen với tăng cường miễn dịch

Vai trò của selen đối với sức khỏe

Selen (Selenium) tham gia vào cấu trúc của men glutathione peroxidase có tác dụng phối hợp với vitamin E trung hòa các gốc oxy hóa. Nó có chức năng quan trọng trong khôi phục hoạt tính của các chất chống các gốc tự do tạo ra trong quá trình oxy hóa, có thể phá hủy tế bào, làm cho quá trình lão hóa nhanh hơn và gây các bệnh mạn tính không lây và ung thư.

Selen cũng có chức năng như một loại enzyme, là một phần của quá trình tạo hormon tuyến giáp. Hormon tuyến giáp rất qua trọng trong việc kích thích đầu vào năng lượng, cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì.

Thiếu hụt selen gây ra ức chế chức năng miễn dịch, ức chế khả năng đề kháng chống nhiễm trùng, hậu quả của suy giảm chức năng bạch cầu và tuyến ức. Ngoài ra selen còn có vai trò trong phục hồi cấu trúc di truyền, tham gia kích hoạt một số enzyme trong hệ thống miễn dịch, giải độc một số kim loại nặng.

Thừa selen có thể gây ngộ độc cấp với các biểu hiện nôn ói, tiêu chảy, rụng tóc và móng tay móng chân, các tổn thương không đặc hiệu trên da và hệ thần kinh.

Nhu cầu selen (mcg/ngày)

Đối với trẻ 0-6 tháng nhu cầu selen là 6 mcg/ngày, trẻ 7-12 tháng là 10 mcg/ngày, trẻ 1-3 tuổi là 17 mcg/ngày, trẻ 4-9 tuổi khoảng 20 mcg/ngày, đối với thanh thiếu niên 10-18 tuổi nhu cầu là 26 mcg/ngày ở nữ và 32 mcg/ngày ở nam. (Nguồn: FAO/WHO (2002 và 2004)).

Nguồn thực phẩm:

Thức ăn nhiều selen: thịt, cá, hải sản, trứng, phủ tạng (gan, thận…), ngũ cốc thô, rau…

3. Vitamin A với tăng cường miễn dịch

Vai trò của vitamin A

Vitamin A là loại vitamin tan trong chất béo, có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt.

Tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.

Nuôi dưỡng và tái tạo lớp biểu mô niêm mạc, lớp thượng bì của da.

Là 1 yếu tố bảo vệ phòng chống ung thư, beta – caroten là chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các gốc oxy hoá tự do.

Ảnh hưởng của thiếu vitamin A

Làm thoái hoá, sừng hoá các tế bào biểu mô, giảm chức năng bảo vệ cơ thể; Gây bệnh khô mắt trong đó có vệt Bitot (X1B), khô giác mạc, nhuyễn giác mạc (X2/X3) dẫn đến hậu quả sẹo giác mạc (XS) và mù vĩnh viễn;

Làm giảm khả năng miễn dịch ở trẻ em;

Làm tăng tỷ lệ bệnh tật ở trẻ em;

Làm tăng tử vong ở trẻ em;

 Làm cho trẻ chậm lớn.

Thiếu vitamin A sớm có thể ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của trẻ khi đến tuổi đi học.

Nguồn thực phẩm

Thức ăn giàu vitamin A nhất là gan động vật, dầu gan cá, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa…

Các loại thức ăn thực vật cung cấp carotenoid (tiền vitamin A) thường có màu vàng cam, đỏ đậm, xanh đậm.

Nhu cầu vitamin A (mcg/ngày)

Trẻ em < 6 tháng: 375mcg; trẻ 6 tháng – 3 tuổi: 400mcg; trẻ 4-6 tuổi: 450mcg; trẻ 7-9 tuổi: 500mcg; trẻ 10-18 tuổi: 600mcg; phụ nữ mang thai: 800; Phụ nữ cho con bú: 850mcg/ngày.

4. Vitamin C (Acid Ascrobic) với tăng cường miễn dịch

Vitamin C là 1 yếu tố hỗ trợ quan trọng trong rất nhiều hoạt động hàng ngày của cơ thể. Các vai trò của vitamin C được nhắc đến nhiều nhất là chống các gốc oxy hóa, tham gia quá trình tổng hợp collagen, tổng hợp hormon tuyến giáp, chuyển hóa amino acid, giúp tăng sức đề kháng của cơ thể và là chất hỗ trợ hấp thu của nhiều loại vi khoáng (sắt, kẽm…)

Nguồn cung cấp

Vitamin C có nhiều nhất trong các loại trái cây họ Citrus như cam, chanh, bưởi, quýt…tuy nhiên hầu hết  tất cả các loại rau quả, trái cây tươi đều cung cấp một lượng vitamin C dồi dào.

 Nhu cầu vitamin C

Trẻ em < 6 tháng: 25mg/ngày; trẻ 6 tháng-6 tuổi: 30mg/ngày; trẻ 7-9 tuổi: 35mg/ngày; 10-18 tuổi: 65mg/ngày; Người trưởng thành: 70mg/ngày; phụ nữ mang thai, cho con bú: 80-95mg/ngày.

Chú thích ảnh
Nhân viên bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long tham dự chương trình “Dinh Dưỡng Lâm Sàng Giúp Nâng Cao Chất Lượng Điều Trị”

  Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm