Thiếu máu những điều cần biết

17/08/2017 11:29 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - I. THIẾU MÁU LÀ GÌ:

Thiếu máu là tình trạng giảm lượng hồng huyết cầu so với mức bình thường trong cơ thể. Bệnh rất hay gặp, gây những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, lao động và học tập, có thể gây tử vong hoặc di chứng suốt đời.

Hồng huyết cầu được tạo ra từ tủy xương. Để việc tạo hồng huyết cầu được bình thường cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất sắt; Chức năng thận bình thường; Tủy xương bình thường. Thiếu hụt một trong các thành phần trên sẽ dẫn đến thiếu máu.

Chú thích ảnh
BS. CK1 Hồ Thị Tuyết (Khoa Cấp Cứu & Điều Trị Trong Ngày – BV Hoàn Mỹ Cửu Long) thăm khám bệnh lý thiếu máu cho trẻ em

 II. LÀM SAO PHÁT HIỆN THIẾU MÁU:

Thiếu máu thường chia làm 4 mức độ: Nhẹ, trung bình, nặng và rất nặng. Tùy theo mức độ người bệnh có thể có  

Dấu hiệu: Da xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, hồi hộp đánh trống ngực, tim đập nhanh, suy nhược, chán ăn, rối loạn kinh nguyệt, cảm giác tức ngực, giảm khả năng tình dục, móng tay chân dễ gãy, vàng da, nước tiểu vàng …

Đối với phụ nữ mang thai: Thiếu máu được coi như một đe dọa sản khoa, bà mẹ dễ sảy thai, đẻ non, đẻ con bị suy dinh dưỡng, băng huyết sau sanh, tăng nguy cơ tử vong cho cả mẹ lẫn con.

Thiếu máu nặng người bệnh có thể bị ngất xỉu, suy tim…ảnh hưởng đến tính mạng.

Chẩn đoán thiếu máu cần xét nghiệm công thức máu và một số xét nghiệm tìm nguyên nhân như: Thử chất sắt trong máu, vitamine B12, chức năng thận, gan và tủy xương…  

III. ĐỐI TƯỢNG DỄ BỊ THIẾU MÁU:

Trẻ em: Là lứa tuổi lớn nhanh có nhu cầu cao.

Phụ nữ tuổi sinh đẻ: (từ 15-49 tuổi) Do bị mất sắt theo kinh nguyệt hàng tháng.

Phụ nữ có thai: Cần chất sắt cho sự phát triển của thai nhau thai và tăng khối lượng máu của mẹ.

Bà mẹ cho con bú: Chất sắt được tiết theo sữa nuôi con.

Phụ nữ có kinh nguyệt kéo dài, u xơ tử cung.

Người nghiện rượu,

Bị trĩ có chảy máu,

Loét bao tử,

Bị nhiễm giun móc,

Thiếu máu do di truyền (tan máu bẩm sinh)

Người có bệnh thận, gan mãn tính…

IV. PHÒNG BỆNH:

Nên đi xét nghiệm máu để phát hiện và điều trị kịp thời thiếu máu. Đặc biệt nên xét nghiệm máu (công thức máu) trước khi kết hôn.

Ăn uống đủ chất dinh dưỡng (đa dạng hóa bữa ăn)

Trẻ em: Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu, trẻ trên 4 tháng tiếp tục cho bú mẹ và cho ăn bổ sung hợp lý. Tăng cường cho trẻ ăn thức ăn giàu sắt.
Phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (có chu kỳ kinh) cần chú ý bổ sung chất sắt.

Sổ giun định kỳ mỗi 6 tháng.

Tài liệu tham khảo

1.  Nguyễn Công Khanh (1994)-  Cẩm nang điều trị Nhi khoa -  NXB Y Học Hà Nội, tr 196 -  206.

2. Trần Văn Bé (1998)– Lâm sàng huyết học, NXB Y học, Tr. 66-104

3.  Phạm Quang Vinh (2004)- Bài giảng huyết học truyền máu – ĐH Y Hà Nội, NXB Y  học, tr 171-179

4.  Nguyễn Ngọc Minh (2007)- Bài giảng huyết học truyền máu – ĐH Y khoa Huế, NXB Y học, tr 163-165.

5.  Đỗ Trung Phấn (2003)- bệnh lý tế bào nguồn gốc tạo máu, NXB YH Tr. 201-219

BS-CK1 Hồ Thị Tuyết (Khoa Cấp Cứu & Điều Trị Trong Ngày – BV Hoàn Mỹ Cửu Long) thăm khám bệnh lý thiếu máu cho trẻ em.

BS-CK1 Hồ Thị Tuyết
(Khoa cấp cứu & Điều trị trong ngày – BV Hoàn Mỹ Cửu Long)

Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm