Những điều cần biết về bệnh quai bị

19/10/2017 08:32 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Bệnh quai bị là gì

Bệnh quai bị (tiếng Anh: Mumps) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút quai bị gây ra. Đặc điểm của bệnh là sưng đau tuyến nước bọt (chủ yếu là tuyến mang tai), đôi khi kèm theo viêm tuyến sinh dục và một số cơ quan khác của cơ thể.

Nguyên nhân gây bệnh

- Nguyên nhân gây bệnh là do bị nhiễm vi rút quai bị mà cơ thể chưa có miễn dịch với loại vi rút này.

- Đường lây chủ yếu của bệnh quai bị là đường hô hấp như: ho, hắt hơi, nước bọt,… Vì vậy, đối tượng dễ mắc bệnh quai bị gồm:

+ Tiếp xúc với người bị quai bị

+ Chưa mắc bệnh quai bị lần nào.

+ Chưa chủng ngừa bệnh quai bị.

Triệu chứng

Biểu hiện chủ yếu của bệnh là sốt và sưng, đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt và thường qua 4 giai đoạn:

- Giai đoạn ủ bệnh: sau khi nhiễm vi rút quai bị 1 - 4 tuần, bệnh thường không có triệu chứng.

- Giai đoạn khởi phát bệnh:

+ Bệnh nhân thấy khó chịu, sốt nhẹ, nhức đầu, đau họng, khó nuốt, đau trước tai, khó nhai (xuất hiện khoảng 1-2 ngày).

+ Sau đó tuyến mang tai to dần và đau nhức, đau tăng lên khi nhai.

- Giai đoạn toàn phát:

+ Bệnh nhân bị sốt cao 39 - 40 độ C trong 3-4 ngày, chảy nước bọt.

+ Một bên má (Tuyến mang tai) bắt đầu sưng to và đau nhức, sau 1 hoặc vài ngày lan sang bên đối diện.

+ Da chổ sưng đau không tấy đỏ, không nóng, không hóa mủ, ấn vào có cảm giác đàn hồi, họng hơi đỏ.

- Giai đoạn hồi phục:

+ Sau 1 tuần, tuyến mang tai giảm đau và nhỏ dần.

+ Các triệu chứng đau họng, khó nuốt,… giảm và từ từ khỏi hẳn.

Biến chứng của bệnh quai bị

- Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn ở nam giới: gặp ở thanh thiếu niên sau tuổi dậy thì với tỷ lệ 25-40%, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời.

+ Bệnh nhân sốt cao, ớn lạnh, đau đầu,… Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù, thường hiện tượng viêm chỉ ở một bên. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó giảm sốt, tinh hoàn giảm sưng đau và dần dần hồi phục. Có 30 -40% bệnh nhân nam teo tinh hoàn sau 2 – 4 tháng mắc bệnh nhưng hiếm khi vô sinh thật sự.

- Ở nữ giới:

+ Viêm buồng trứng: Có tỷ lệ 7% ở nữ sau tuổi dậy thì.

+ Những phụ nữ bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.

- Ngoài ra còn có các biến chứng khác như: Viêm màng não, viêm não, viêm tụy cấp, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp,…

Điều trị bệnh quai bị

- Người bệnh nên cách ly đến khi hết sưng tuyến mang tai.

- Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh quai bị.

- Điều trị triệu chứng: Cho người bệnh nghỉ ngơi, vệ sinh răng miệng. Dùng thuốc hạ nhiệt, giảm đau, kháng viêm. Dùng corticoid nếu có biến chứng viêm tinh hoàn.

Phòng ngừa bệnh quai bị

- Tiêm ngừa bệnh quai bị: tiêm vắc xin 3 trong 1 (sởi-quai bị-rubella) cho trẻ 2 lần: lần 1 lúc 12-15 tháng tuổi, lần 2 lúc 4-6 tuổi.

- Cách ly người bệnh: bệnh nhân được cách ly cho đến khi tuyến mang tai hết sưng nhằm hạn chế lây lan bệnh cho người khác.

Bs. Ngô Văn Út
(Khoa Tổng Hợp – BV Hoàn Mỹ Cửu Long)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm