02/07/2012 14:40 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
1. 4-4-2 sẽ không tác dụng
Sau kỳ World Cup 2010, đã ngày càng có nhiều lời kêu gọi tuyển Anh từ bỏ hệ thống 4-4-2. HLV Fabio Capello đã thay đổi, nhưng người kế nhiệm của ông Roy Hodgson lại chuyển lại sơ đồ cũ. Đội hình đó đủ để giúp tuyển Anh vượt qua vòng bảng, nhưng vẫn là một hệ thống quá cũ kỹ hiện giờ. Thiếu một người ở khu vực giữa sân so với Italia, Tam sư hoàn toàn dưới cơ và bị loại khỏi tứ kết. Trong số 4 đội vào bán kết cũng không đội nào sử dụng đội hình 4-4-2 và mọi đội bóng muốn thành công đều cần một người cầm trịch xuất sắc ở khu vực giữa sân mà hệ thống 4-4-2, với hàng tiền vệ dàn ngang, sẽ không có vị trị cho một người như vậy.
2. TBN không cần các tiền đạo
Có thể khi David Villa đã bình phục mọi chuyện sẽ khác. Nhưng hiện giờ không có anh, HLV Vicente del Bosque đã lựa chọn Cesc Fabregas vào vai trò số 9 ảo, hoàn toàn phớt lờ 3 tiền đạo mà ở những đội khác sẽ chắc suất đá chính, Fernando Torres, Fernando Llorente và Alvaro Negredo.
Cho tới trận chung kết, đó là một thử nghiệm thành công khi TBN không chỉ áp đặt hoàn toàn trong gần như mọi trận đấu của họ, mà còn là đội chơi phòng ngự tốt nhất giải với chỉ duy nhất 1 bàn thủng lưới sau 6 trận.
3. Thủ tục đếm ngược trước trận là một thất bại
Một trong những sáng tạo lớn của LĐBĐ châu Âu (UEFA) ở giải lần này là thủ tục đếm ngược từ 10 trước hồi còi khai cuộc mỗi trận, với mong muốn thông báo cho các CĐV khi nào trận đấu sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, những người thực thi lại gặp trục trặc khi mới đếm ngược tới 5 ở trận Đức-BĐN thì trận đấu đã bắt đầu.
4. Các trợ lý giám biên cuối sân là ý tưởng hay
Họ đã bỏ qua cú sút thành bàn của Marko Devic cho Ukraine trong trận gặp Anh, nhưng pha can thiệp của John Terry thật sự khiến việc phân định là rất khó khăn. Tuy nhiên, các giám biên đã giúp trọng tài chính đưa ra hàng loạt quyết định chính xác, như việc xác định cú sút của Pepe cho BĐN trước Đức là chưa thành bàn. Nhờ họ, những quyết định gây tranh cãi đã được giảm đáng kể ở giải lần này. Ngoài ra, sự có mặt của các giám biên khiến những pha kéo áo và xô đẩy trong vòng cấm giảm bớt, dẫn đến nhiều bàn thắng hơn nói chung và nhiều bàn thắng bằng đầu hơn ở EURO 2012, 21 bàn bằng đầu trong tổng số 72 bàn, tính tới trước trận chung kết.
5. Balotelli thuộc đẳng cấp cao nhất
Mario Balotelli có thể điên rồ, đôi khi cư xử tồi tệ và là một người nguy hiểm, nhưng EURO 2012 khiến anh được nhớ đến trước hết là một tiền đạo đẳng cấp thế giới, với những bàn thắng tuyệt đẹp vào lưới tuyển Đức đưa Italia vào chung kết.
Những gì anh thể hiện ở giải lần này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai của Balotelli ở CLB khi Manchester City nhiều khả năng phải cân nhắc lại ý định bán anh đi sau mùa bóng đầy biến cố vừa rồi.
6. Ronaldo là nguồn cảm hứng
Anh bị chỉ trích vì không thực hiện quả luân lưu đầu tiên mà lại đòi được sút quả cuối cùng ở trận gặp TBN ở bán kết, nhưng hóa ra đó là quyết định của HLV Paulo Bento. Còn trên sân cỏ, không ai có thể nói bất cứ lời phàn nàn nào về anh. Sau 2 trận đầu còn chưa vào guồng gặp Đức và Đan Mạch, Ronaldo đã một tay hủy diệt Hà Lan trong trận cuối cùng ở vòng bảng và ghi bàn duy nhất vào lưới Czech ở trận tứ kết. Trong khi BĐN vẫn phải ngậm ngùi ra về, ít ra ở EURO 2012, Ronaldo đã đáp ứng được kỳ vọng và làm câm lặng những chỉ trích cho rằng anh không mang được phong độ ở CLB về đội tuyển quốc gia.
7. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chỉ là bôi nhọ
Giải đấu bắt đầu với một chương trình trên đài truyền hình Anh BBC cảnh báo về tình trạng phân biệt chủng tộc ở Ba Lan và Ukraina. Các hãng truyền thông phương tây cũng ra sức bôi nhọ hai nước chủ nhà, từ công tác tổ chức, tình trạng bạo lực phân biệt chủng tộc, giá cả các dịch vụ… nhưng hóa ra đây là một trong những kỳ EURO thành công nhất và hai nước chủ nhà đã tỏ ra hết sức thân thiện, mến khách và là những điểm đến cực kỳ an toàn. Những vụ phân biệt chủng tộc cho tới giờ hóa ra lại xuất phát từ chính CĐV các nước tham dự, chứ không phải chủ nhà.
8. Không ai dự đoán được gì
Như mọi kỳ giải khác, EURO 2012 lại làm bẽ mặt các chuyên gia bóng đá. Từ Gareth Southgate đến Lee Dixon, từ Roberto Martinez tới Mark Lawrenson, và nhiều người khác, không ai dự báo được việc Hà Lan bị loại ngay từ vòng bảng. Nhiều người cũng bị bất ngờ bởi việc Anh vượt qua vòng bảng với vị trí dẫn đầu, BĐN vào tới bán kết và Italia vượt qua mọi lo ngại để có mặt ở chung kết.
9. Những quả phạt đền vẫn đầy định mệnh
Ngay trước giải, Chủ tịch LĐBĐ thế giới (FIFA) Sepp Blatter đã lại có một phát biểu gây nhiều tranh cãi khi ông đề xuất hủy bỏ việc đá phạt đền trong những trận đấu không phân định được thắng thua. Đề xuất đó đương nhiên không được thực thi tại EURO 2012, nơi đã có 2 trận phải đi tới loạt sút luân lưu, Anh-Italia ở tứ kết và TBN-BĐN ở bán kết.
Ashley Cole đá hỏng phạt đền ở trận tứ kết với Italia- Ảnh: Getty
Cho tới trước trận chung kết, số trận sút luân lưu bằng với EURO 2008, 2 trận ở tứ kết Croatia-TNK và TBN-Italia. Những kết quả được phân định một cách may mắn hóa ra cũng là hợp lý ở EURO 2012, khi đội chiến thắng là đội đã chơi hay hơn trong giờ đấu chính.
10. Mở rộng ra 24 đội là đáng ngờ
Chất lượng bóng đá cao của EURO 2012 đã chứng minh một lần nữa là giải đấu 16 đội là mô hình thành công và quyết định của UEFA tăng số đội tham dự lên 24 ở EURO 2016 tại Pháp có thể sẽ khiến giải đấu mất đi những yếu tố giúp nó được ngưỡng mộ. Sự sít sao về kết quả, những bất ngờ lớn với việc các đại gia cũng có thể phải rời giải sớm bất cứ lúc nào và sự căng thẳng trong từng cuộc đối đầu đã khiến EURO thậm chí còn được đánh giá cao hơn World Cup. Mở rộng giải đấu có thể khiến nó mất đi những đặc điểm đó.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất