PGS. TS. Lê Thị Hoài Phương: Người Hàn Quốc cũng “chê” phim lịch sử

12/10/2010 10:52 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Trong khi nhiều người Việt Nam coi các phim cổ trang của Hàn Quốc là một mẫu mực của việc làm phim lịch sử (nhất là sau khi phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long bị cho là… “vỏ Tàu”), thì chính tại Liên hoan phim truyền hình Hàn Quốc 2010 (diễn ra từ 1/10 và sẽ kết thúc vào hôm nay, 12/10) đa số ý kiến của các nhà chuyên môn lại chê phim lịch sử của họ là… toàn hư cấu, thiếu giá trị lịch sử.

Trở về từ LHP này với tư cách khách mời duy nhất từ Việt Nam, PGS. TS Lê Thị Hoài Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) cho biết:

- Cách đây dăm năm, nhận thức rằng phim truyền hình là một phần quan trọng trong đời sống của người dân nói chung và “Làn sóng Hàn Quốc” đang chiếm lĩnh được bộ phận đáng kể khán giả nhiều nước trên thế giới, các nhà hoạt động văn hóa Hàn Quốc có sáng kiến tổ chức Liên hoan phim truyền hình (Korea Drama Festival) nhằm thúc đẩy và quảng bá rộng rãi hơn nữa những thành tựu của ngành công nghiệp văn hóa đang rất phát đạt này của Hàn Quốc.


PGS. TS Lê Thị Hoài Phương tại LHP truyền hình Hàn Quốc 2010 (bên trái là đạo diễn
Trung Quốc Lin Da Qing và ông Park - Kyung Won, trong Ủy ban tổ chức LHP)
Trong khuôn khổ của liên hoan này có một cuộc tọa đàm với sự tham gia của trên 200 người là các nhà sản xuất, đạo diễn phim truyền hình, các nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà báo của Hàn Quốc và quốc tế.

Trong khi các khách mời nước ngoài (đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia) nói về tình hình sản xuất phim truyền hình ở nước mình thì các nhà chuyên môn Hàn Quốc đã tranh luận với nhau về phim Hàn Quốc, những thành tựu mà phim Hàn đã đạt được trong việc chiếm lĩnh khán giả trong nước cũng như gây ra làn sóng Hàn Quốc ở nhiều quốc gia khác trên khắp các châu lục; nhiều vị “trưởng lão” trong giới sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc đã rất thẳng thắn nêu ra những điểm yếu kém hiện nay của phim Hàn, rằng một số phim, chủ yếu của các tác giả trẻ, chỉ nói chuyện “ba lăng nhăng”, xa rời với đời sống hiện thực, nhiều phim “hút” người xem chỉ vì “dựa” vào các ngôi sao; người ta cũng đề cập tới những bộ phim lịch sử, dã sử và phim cổ trang, phần nhiều chỉ các nhân vật là có thật trong lịch sử, còn cốt truyện và tình tiết trong phim thì hoàn toàn hư cấu.

* Thế đây có phải là cách làm được tán đồng?

- Không, chỉ có một vài ý kiến cho rằng đã là phim nghệ thuật thì có quyền hư cấu, còn nhiều ý kiến khác vẫn yêu cầu làm phim lịch sử thì cần phải tôn trọng lịch sử, cần có tính xác thực. Nhưng ai cũng hiểu rằng làm phim lịch sử rất khó. Lúc ấy tôi chợt nghĩ đến “sự cố” phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” ở ta đang gây tranh cãi... Quả thật đây là vấn đề hóc búa chẳng riêng gì của điện ảnh, truyền hình mà của cả sân khấu nữa.


Bộ phim cổ trang Nàng Dae Jang Geum của Hàn Quốc rất được ưa chuộng tại Việt Nam

* Chị vừa nói, nhiều ý kiến của các đại biểu không tán đồng với việc hư cấu cốt truyện và tình tiết trong phim lịch sử. Ý kiến của họ có gay gắt không? Họ có dẫn chứng cụ thể phim nào của họ mà hư cấu lịch sử thái quá?


- Họ không nêu tên cụ thể bộ phim nào, nhưng tranh luận thì khá gay gắt và thẳng thắn, người Hàn Quốc vốn nóng tính, lại rất dân chủ trên mọi diễn đàn mà. Giáo sư danh dự của trường Sogang University - ông Choi Chang- Seob trong bài tham luận của mình đã tổng hợp những điểm yếu kém của phim Hàn Quốc mà giới phê bình đã chỉ trích, trong đó có nói về phim lịch sử thế này: “Bối cảnh của các bộ phim lịch sử thường tập trung vào những yếu tố giải trí như những khó khăn của chị em phụ nữ và các chuyện tình lãng mạn ở thời kỳ nào đó. Thiếu hụt mặt tích cực của việc tái tạo lịch sử để nâng cao hiểu biết và nhận thức về lịch sử cũng như hướng dẫn cho tương lai thông qua các sự kiện lịch sử”.

* Dư luận nói chung ở VN đều cho rằng phim lịch sử Hàn Quốc là một mẫu mực thành công mà người VN khi làm phim lịch sử phải học tập. Theo chị, điều các nhà làm phim VN nên học tập (hay không nên ngộ nhận về thành công) ở phim Hàn?

- Tất nhiên có rất nhiều điều chúng ta có thể học tập từ cách làm phim lịch sử của các nhà làm phim Hàn Quốc, mà chẳng riêng gì phim lịch sử đâu. Nhưng để nói là “mẫu mực thành công” thì tôi e rằng bản thân các nhà làm phim Hàn Quốc chưa chắc đã nhận, vì họ và khán giả của họ cũng còn phê phán cơ mà.

Về phía chúng ta thì chưa thông hiểu hết lịch sử của họ nên cũng khó mà phán xét cho chính xác, có khi lại đâm ra “ngộ nhận” như bạn vừa dùng từ này.

Đặt tính xác thực lịch sử của các tình tiết phim sang một bên thì còn lại tôi thấy cái gì của họ cũng đáng để học. Nhiều bộ phim dã sử hay cổ trang Hàn Quốc xem rất cuốn hút bởi nội dung hấp dẫn, tình tiết ly kỳ, diễn xuất của diễn viên tinh tế, cảnh phim hoành tráng và thơ mộng, và tóm lại, phim của họ không thấy nhiều “sạn” như của ta. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, sự so sánh nào cũng có cái khập khiễng của nó, chỉ riêng về mặt kinh phí làm phim truyền hình, tôi được biết ở ta trung bình một tập phim của hãng phim do nhà nước cấp kinh phí chỉ khoảng 60 - 80 triệu đồng trở lại, của hãng tư nhân thì nhiều hơn một chút, trong khi đó có người bạn Hàn Quốc nói với tôi là chi phí làm phim truyền hình ở nước họ hiện nay rất cao, mỗi bộ phim truyền hình thường gồm 16 - 24 tập, mỗi tập  30-70 ngàn USD, tương đương 600 triệu - 1,4 tỷ VND. Thật là khó tin, đúng không?

* Xin cảm ơn chị!

Phương Linh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm