Cuộc hôn nhân đồng tính đầu tiên ở Pháp: Chia nước Pháp thành hai nửa

31/05/2013 08:18 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc hôn nhân đồng tính đầu tiên trong lịch sử Pháp vừa diễn ra tại Montpellier, sau nhiều tháng diễn ra các cuộc biểu tình chia nước Pháp làm đôi nửa. Những người trong cuộc, vì thế, đã lập tức gọi cuộc hôn nhân của họ là "chiến thắng của tình yêu trước hận thù".

Ngày 29/5, Vincent Autin, 40 tuổi và Bruno Boileau, 30 tuổi, đã được tuyên bố trở thành "vợ chồng" trước 500 khách mời tại tòa thị chính  Montpellier của Pháp.

"Giở sang trang mới"

Helene Mandroux, Thị trưởng Montpellier, trực tiếp tham gia cử hành hôn lễ và nói rằng sự kiện đã đánh dấu "một khoảnh khắc lịch sử cho nước Pháp". "Sự tác hợp của các bạn là biểu tượng cho toàn nước Pháp... trong đó quyền hôn nhân cuối cùng đã trở nên bình đẳng với mọi người" - bà nói.


Autin (phải), hôn bạn đời Boileau sau lễ cưới

Autin, người là chủ tịch khu vực của hội Niềm tự hào Đồng tính nam và Đồng tính nữ, nói rằng cuộc hôn nhân của mình đã cho thấy sức mạnh của tình yêu. Anh cũng nhắc nhở dư luận về việc các vụ tấn công nhằm vào người đồng tính đã tăng tới 30% trong mấy tháng gần đây, trước khi dẫn một câu nói của luật sư Martin Luther King: "Sự thật là luật pháp không thể khiến một kẻ khác yêu tôi, nhưng nó có thể giúp tôi không bị anh ta hành hình". Boileau nói thêm: "Chúng tôi đã phải sống cùng sự thù hận này trong nhiều tháng trời và giờ chúng tôi sẽ giở ra một trang mới".

An ninh đã tăng cao tại khu vực diễn ra lễ cưới với khoảng 100 cảnh sát được cử tới gác quanh tòa nhà. Thêm 80 người khác đứng phòng bị ở khu vực hai bên cạnh nhà của tòa thị chính. Trong đám cưới, chỉ có vài người biểu tình chống đồng tính đã cố tìm cách cầm pháo sáng đi vào tòa thị chính. Nhưng họ nhanh chóng bị bắt giữ.

Vài tiếng la ó đã vang lên khi Autin và Boileau tới tòa thị chính, song chúng đã bị nhận chìm trong những tiếng reo hò của những người ủng hộ đã kéo tới đông đảo tại quảng trường chính của Montpellier. Sau khi trao nhẫn, đôi "vợ chồng" đã hôn nhau trong ánh đèn nháy như sao sa của cánh phóng viên.


Luật cho phép hôn nhân đồng tính đã khiến biểu tình và bạo động nổ ra tại Pháp

Đất nước chia đôi

Như vậy, Autin và Boileau đã trở thành những người đồng tính đầu tiên được hưởng lợi sau khi chính quyền Pháp thông qua đạo luật "Hôn nhân cho tất cả mọi người" hồi cuối tháng 4. Đạo luật, vốn cho phép các cặp đồng tính ở Pháp được kết hôn và nhận con nuôi, đã được các nhóm đồng tính ca ngợi là chiến thắng. Song phe phản đối xem đây chỉ là bằng chứng rõ rệt về sự giúp đổ các giá trị và truyền thống xã hội.

Trong nhiều tuần lễ, một liên minh gồm các công dân bảo thủ, những kẻ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cực đoan và những người Công giáo đã cùng nhau tổ chức phản đối đạo luật. Họ tổ chức biểu tình trên phố và các nghị sĩ đại diện cho họ tranh luận kéo dài ở Quốc hội.

Cơn thịnh nộ không dịu xuống mà còn bùng lên dữ dội khi đạo luật được thông qua. Một số ngày cuối tuần gần đây, có tới nửa triệu người biểu tình đã tham gia tuần hành. Cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra hôm 25/5 đã chứng kiến 150.000 người tuần hành trên đường phố Paris, dẫn tới 293 người bị bắt giữ sau khi xảy ra xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động.

Mức độ biểu tình lớn như thế khiến chính quyền Paris không khỏi ngạc nhiên. Nguyên nhân do các cuộc thăm dò trước khi đạo luật mới được thông qua cho thấy đa số cử tri Pháp có thái độ chấp nhận với hôn nhân đồng tính.

Chính quyền không ngờ rằng các nhà hoạt động chống lại Tổng thống Pháp Francois Hollande và cả các cử tri bảo thủ tức giận về đạo luật đã bắt đầu vận động qua mạng Internet và đứng ra tổ chức biểu tình quy mô lớn.

Với thế giới, thái độ phẫn nộ của người Pháp cũng là một sự bất ngờ lớn. Đây là đất nước nơi các định nghĩa về nhân quyền ra đời, nhưng đồng tính lại bị xem là "bệnh tâm thần", "tai họa của xã hội"

Với thế giới, thái độ phẫn nộ của người Pháp cũng là một sự bất ngờ lớn. Đây là đất nước nơi các định nghĩa về nhân quyền ra đời, nhưng đồng tính lại bị xem là "bệnh tâm thần", "tai họa của xã hội" cho tới năm 1981. Phải tới chính quyền Francois Mitterrand, những sự phân biệt như thế mới chấm dứt.

Nhưng hôn nhân đồng tính vẫn là điều khó chấp nhận ở Pháp. Hôn nhân đồng tính chỉ bắt đầu trở thành một vấn đề vào năm 1999 và được chấp nhận dưới Luật Đoàn kết Dân sự (PACS). Luật này cho phép hai người trưởng thành được sống chung dưới một mái nhà trong một mối quan hệ được pháp luật công nhận. PACS cho phép tác thành mối quan hệ của các đôi đồng tính và khác giới, nhưng những người tham gia mối quan hệ này không bị ràng buộc bởi nhiều quyền lợi và nghĩa vụ như trong một cuộc hôn nhân thực thụ.

Kể từ đó, các cuộc sống chung giống như hôn nhân đã trở nên phổ biến ở Pháp. Các phim đồng tính như Blue Is the Warmest Color vừa giành giải tại LHP Cannes cũng không còn gây biểu tình.

Có dấu hiệu lợi dụng gây rối

Tổng thống Hollande đã có bước đi táo bạo khi đưa hôn nhân đồng tính trở thành một lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông. Ông đã thực hiện lời hứa ấy trong ngày 18/5, khi ký thông qua luật "Hôn nhân cho tất cả mọi người". Cùng ngày hôm đó, Autin và Boileau đã công bố kế hoạch làm đám cưới, qua đó biến cuộc hôn nhân của họ trở thành một sự kiện mang tính biểu tượng, thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.

Chính quyền hiện đã lên tiếng cảnh báo về việc các phong trào cực hữu đang lợi dụng các cuộc biểu tình chống đạo luật mới, vốn diễn ra trong hòa bình, để gây rối trật tự xã hội. Căng thẳng tăng lên vào tuần trước sau vụ tự sát của sử gia cánh hữu Dominique Venner, người tự vẫn tại Nhà thờ Đức bà sau khi lên án đạo luật trên blog riêng. Nhóm Công giáo Civitas cũng chỉ trích đám cưới giống như việc mở ra "chiếc hộp Pandora tai họa".

Song các chính khách Pháp như bà Helene Mandroux lại có quan điểm khác. Bà kêu gọi người Pháp cần nhìn nhận lại vì sao đạo luật cho phép hôn nhân đồng tính, lại tạo ra "một cơn sóng giận dữ, bạo lực và chia rẽ" lớn tới vậy trong khi nó chỉ "đơn giản là cho phép thêm vài công dân Pháp được sống trong tình yêu".

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm