Bài 6: Hiện tượng 'ma nhập'

05/11/2013 12:01 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn)- Theo dân gian, ma nhập là hiện tượng “hồn” của một người nhập vào người khác. Kết quả người bị nhập tự xưng là một người hoàn toàn khác: giới tính và nhân thân khác, tính cách và học vấn khác, thói quen và phương ngữ khác...

Trường hợp mắt thấy tai nghe
 
Năm 1999, lần đầu tiên tôi chứng kiến “ma nhập” tại nhà hàng xóm. Nhà có 4 người, gồm cha mẹ và 2 chị em gái, chị học lớp 11, em học lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM. Do xinh và học giỏi, nên cô em được cưng chiều hơn hẳn, khiến cô chị thấy mình như bị bỏ rơi. Một ngày, cô chị bị “ma nhập”, khi hồn một thanh niên nhập vào cô. Cô ngồi vắt chân chữ ngũ, hút thuốc lá và thở khói thành từng vòng tròn, và bằng giọng con gái giả thanh niên khàn khàn mắng mỏ cô em và lũ trẻ hàng xóm thường vẫn bắt nạt cô. Lời mắng thường có ý bênh vực “thân chủ”, kiểu: “Nếu bọn bay còn bắt nạt con X (tên cô chị), tao sẽ vật chết!”. Không chỉ cô em và lũ trẻ sợ rúm ró, mà bố mẹ cô và hàng xóm cũng rụng rời chân tay.

Để xua đuổi tà ma, gia đình tổ chức cúng lễ mấy ngày mà “hồn ma” cứ lưu luyến mãi không chịu “thăng”. Mọi người nói tâm cô bé không đủ mạnh để đuổi hồn ma. Sau khoảng một tuần, cô dần trở lại bình thường và vị thế của cô trong gia đình cải thiện rõ rệt.

“Ma nhập” như sự phân ly  

Phần lớn nhà khoa học xem hiện tượng phân ly nhân cách trong tâm thần học là lời giải thích phù hợp nhất cho “ma nhập”, đó là sự phá vỡ sự đồng bộ của các hoạt động tinh thần có mức độ tích hợp cao. Khi bình thường, ký ức, tri giác, tư duy, cảm xúc cùng mọi hoạt động tinh thần và thể chất khác hoạt động nhịp nhàng với nhau tạo nên một thể thống nhất giúp ta cảm nhận bản thân và xung quanh. Một cú sốc thể chất hay tâm lý có thể làm một số bộ phận phân ly khỏi thể thống nhất chung, khiến bản chất tích hợp của ý thức bị rối loạn nghiêm trọng. Kết quả là hoạt động sinh lý và nhận thức sẽ trở nên bất thường: người bị “ma nhập” đã phân ly thành một người khác.

Thực ra sự phân ly như thế là một cơ chế bảo vệ đối với một chấn thương thể chất hay tâm lý bất ngờ hay trường diễn. Người bị lạm dụng đòn roi lúc bé, bị lạm dụng tình dục hay bị đối xử không công bằng (theo một nghĩa nào đó, như trường hợp cô chị nói trên) thường hay phân ly như một cách thoát ra khỏi thực tế đáng buồn.

Rối loạn đa nhân cách

Rối loạn đa nhân cách là hiện tượng tâm lý bất thường, khi một người có nhiều nhân cách, mỗi nhân cách đều có nhân thân riêng. Lịch sử pháp đình Mỹ từng ghi nhận trường hợp có tới 16 nhân cách, trong đó có “tính cách” của một con chó! Những trường hợp đó gây nhiều rắc rối tại chốn pháp đình, như Mark Peterson, nhân viên bách hóa tại Oshkosh, bang Wisconsin, Mỹ. Anh phải ra tòa vì hẹn hò với Sarah, người phụ nữ đa nhân cách 26 tuổi. Một trong các nhân cách là Emily mới 6 tuổi buộc tội Peterson quan hệ với trẻ vị thành niên. Peterson được tuyên vô tội vì bên nguyên không cho bác sĩ tâm thần kiểm tra Sarah trước phiên tòa.

Mark Peterson bị một phụ nữ đa nhân cách 26 tuổi tố cáo quan hệ với một nhân cách khác là trẻ vị thành niên

Giới tâm lý không thống nhất về nguyên nhân của bệnh lý. Freud, ông tổ phân tâm học, xem đó là bằng chứng của cái tôi đã trở nên độc lập (phân tâm học xem nhân cách gồm cái tôi, cái siêu tôi và cái ấy, trong đó cái tôi không có vai trò quyết định). Một số người tin rằng, đơn giản là người bệnh đóng kịch, giống như trong thôi miên. Nói cách khác, cô chị nêu trên chỉ đóng thế vai người khác mà thôi.

“Ma nhập” và bệnh tâm thần

Từ thời La Mã, động kinh được xem là bệnh quỷ, khi người bệnh bị “quỷ nhập hồn”. Một số dấu hiệu lâm sàng của động kinh rất giống với các hành vị bị “nhập”. Một bệnh khác là tâm thần phân liệt cũng có biểu hiện giống với “ma nhập”.

Kết luận

Cho dù cảm giác và hành vi của nạn nhân giống như bị “ma nhập”, những thành tựu khoa học mới đã bác bỏ các quan niệm thần bí truyền thống. Nghiên cứu về bộ não và tâm trí thì nhân cách là một hệ thống tích hợp của các tiểu thành phần bán tự động. Dưới một tác động thể chất và tinh thần nào đó, các tiểu thành phần có thể mất tính đồng bộ và hành động độc lập, thậm chí trái ngược nhau. Đó là lý do một phụ nữ lại tự xưng là một “đức ông” để “nói chuyện với người đã mất”. Kết quả là nạn nhân thấy mình như bị một thế lực vô hình mạnh mẽ xâm chiếm và điều khiển mọi hành động hay lời nói.

Với trường hợp người viết trực tiếp chứng kiến, vấn đề rất rõ ràng và đơn giản. Cô gái tự nguyện bị nhập và “mượn hồn” một thanh niên để cảnh cáo mọi người về thân phận của cô. Và cuối cùng cô đã đạt mục đích.

TS Đỗ Kiên Cường

Đón đọc kỳ tiếp theo: Kinh nghiệm cận kề cái chết

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm