Premier League cân nhắc hạn chế lương cầu thủ: M.U và Arsenal hợp sức, tấn công Man City

08/09/2012 15:00 GMT+7 | Man City

(TT&VH)- Ban tổ chức Premier League đang cân nhắc việc áp dụng luật mới về kiểm soát mức lương ngày càng tăng cao của các cầu thủ trước đợt thu nhập lớn bằng tiền mặt tiếp theo cho các CLB khi những hợp đồng bản quyền truyền hình cho giai đoạn 2013-2016 sắp được ký kết.

Các luật lệ đề xuất đã được Giám đốc điều hành Premier League, Richard Scudamore, trình bày lại với các CLB trong một cuộc gặp ở London ngày thứ Năm, bao gồm mức lương trần, một điều kiện để giúp các đội bóng Anh thích ứng với luật công bằng tài chính của LĐBĐ châu Âu (UEFA) sắp có hiệu lực.

Với việc các đội bóng Anh sắp nhận thêm 3 tỉ bảng tiền bản quyền truyền hình, họ muốn ngăn chặn trước một làn sóng tăng lương cho các cầu thủ. Tuy nhiên, bất cứ thay đổi luật lệ nào cần sự chấp thuận của tối thiểu 14 trong số 20 đội ở Premier League. Hiện chưa rõ Scudamore có thể tập hợp đủ sự ủng hộ như thế hay không.



Nếu luật mới thông qua, Man City không thể dùng lương khủng lôi kéo các siêu sao như Aguero (trái) và Yaya Toure- Ảnh Getty

M.U và Arsenal, cả hai đều có lợi nhuận trong mùa giải 2010-2011, có vẻ đều muốn áp dụng trần lương và đáp ứng yêu cầu của UEFA, theo đó các CLB tối thiểu phải hòa vốn, chứ không được thua lỗ. Dễ hiểu khi ngày thứ Năm, HLV Arsene Wenger của Arsenal đã lên tiếng ủng hộ mức lương trần: “Bạn chỉ nên chi tiêu những gì mà bạn kiếm được, điều đó mới cho thấy quy mô thực sự của đội bóng”.

Tuy nhiên, một số CLB có thể sẽ muốn phản đối, đặc biệt là 2 đội đang dùng tiền để tạo ưu thế trên sân cỏ. Manchester City, trên đường trở thành vô địch Premier League rải ngập tiền từ ông chủ ở Abu Dhabi, Sheikh Mansour bin Zayed al-Nahyan, hiện đang thua lỗ lớn, nhiều khả năng không ủng hộ luật mới. Họ lập luận rằng những khoản thua lỗ đã được các ông chủ bù đắp, để đội bóng có thể xây dựng thành công cả trên sân lẫn về mặt thương mại.

Những đội khác, bao gồm Fulham, Everton, West Brom, Newcastle và Tottenham, cũng bày tỏ quan điểm không chắc chắn về luật mới, do muốn duy trì quyền tự quyết của họ. Dù doanh thu của các đội bóng tăng đều đặn qua từng năm, quỹ lương cho cầu thủ còn tăng nhanh hơn trong thập kỷ qua. Mùa giải 2001-2002, các CLB chi 1,1 tỉ bảng, 62% thu nhập, vào lương cầu thủ. Mùa gần nhất có số liệu tài chính, 2010-2011, doanh thu của họ tăng lên 2,5 tỉ bảng, nhưng lương cho cầu thủ đã là 1,8 tỉ bảng, chiếm 70% tổng doanh thu các CLB. Bất chấp việc Premier League đã trở thành giải đấu có sức hút lớn nhất trên toàn cầu, chỉ 8 trong số 20 đội là có lãi trong mùa giải 2010-2011.

David Gold, Chủ tịch West Ham, là một người ủng hộ nhiệt thành khác của luật hạn chế lương cầu thủ để các CLB có thể có lợi nhuận. Những người khác cũng đã bày tỏ quan điểm ủng hộ là Dave Whelan, ông chủ Wigan và Peter Coates, đang sở hữu Stoke. “Chúng ta không thể tiếp tục để tất cả tiền bạc kiếm được chảy vào việc tăng lương và trả cho những người môi giới”, Coates nói. “Chúng ta không cần làm thế, chúng ta sẽ vẫn có những cầu thủ như vậy, họ chẳng hay hơn vì chúng ta trả họ nhiều tiền hơn. Chúng ta có thể tìm ra công thức hợp lý cho tất cả”.

Ellis Short, ông chủ và chủ tịch Sunderland, đã thua lỗ 8 triệu bảng năm ngoái cho CLB và chi 77% thu nhập của đội bóng vào lương cầu thủ, cũng bày tỏ việc đặt trần lương. Tuy nhiên, hiện giờ Premier League chưa có thông báo chính thức nào, ít ra là cho tới khi một thỏa thuận đã đạt được.

T.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm