Vì sao cầu thủ châu Á đến Đức rồi mới tới Anh?

30/08/2015 20:06 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Son Heung Min vừa gia nhập Tottenham với giá kỷ lục 22 triệu bảng (30 triệu euro) từ Bayer Leverkusen, một lần nữa làm dấy lên hy vọng rằng người châu Á sẽ khẳng định mình ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, Premier League.

Nhưng thực tế thì cánh cửa Premier League dành cho cầu thủ châu Á ngày càng hẹp dần.

Hạn chế cầu thủ châu Á

Ngay lúc này, chúng ta chỉ có Ki Sung Yueng ở Swansea, Shinji Okazaki ở Leicester, Lee Chung Young ở Crystal Palace và Moya Yoshida ở Southampton. Son chỉ là một trong 2 cầu thủ châu Á đã tới Premier League mùa Hè này (người kia là Okazaki), trong bối cảnh Chủ tịch LĐBĐ Anh Greg Dyke đang siết chặt quy định với các cầu thủ ngoài Liên minh châu Âu (EU) tới chơi bóng ở Premier League. Dyke nói mục tiêu của ông là tăng số cầu thủ Anh chơi ở giải đấu hạng cao nhất từ 35% mùa trước lên hơn 40%.

Từ mùa Hè này, các cầu thủ ngoài EU muốn tới chơi bóng, tức là làm việc, ở Anh, phải là một tuyển thủ quốc gia của một nước nằm trong Top 50 trên bảng xếp hạng của FIFA và chơi tối thiểu 75% số trận của ĐTQG trong 2 năm trước đó. Thời gian lên tuyển được tính lũy thoái, với hạng càng cao thì tỉ lệ cũng ít hơn, 30% số trận với những tuyển thủ thuộc các ĐT trong Top 10. Trong quá khứ, các CLB có thể xin cứu xét từng trường hợp và thành công trong 79%, nhưng giờ sẽ khó hơn nhiều.

Hồi tháng 7, Kim Bo Kyung, một cầu thủ Hàn Quốc trước đó từng chơi cho Cardiff City, bị từ chối giấy phép lao động khi anh muốn gia nhập Blackburn ở Championship. Đơn xin cứu xét cũng bị bác.

Quy định khó khăn

Luật mới khiến cho các cầu thủ châu Á gần như không thể tới thẳng Anh từ quê nhà. Thường thì nếu các đội thấy một cầu thủ châu Á đủ tiềm năng nhưng chưa đủ tiêu chuẩn thủ tục, họ sẽ vẫn mua về và cho mượn ở Hà Lan hay Bỉ cho tới khi đáp ứng yêu cầu, như Man United từng làm với Dong Fangzhou (Đống Phương Trác) và Arsenal với Ryo Miyaichi, nhưng đó rõ ràng không phải là cách làm hiệu quả: Dong và Miyaichi đều đã là những thất bại.

Hiện giờ, chỉ 1 đội châu Á thuộc Top 50 thế giới: Iran (41). Tiếp theo là Hàn Quốc ở hạng 54, và Nhật Bản 56. Australia hạng 61, nhưng điều kiện nhập cảnh của công dân nước này vào Anh và châu Âu dễ dàng hơn nhiều.

Trước hết, hệ thống xếp hạng của FIFA đã bị nhiều người chỉ ra là vô lý. Đó là chưa kể những đội như Hàn Quốc và Nhật Bản khó có cơ hội leo cao vì trừ World Cup, hầu hết các trận chính thức của họ là gặp những đối thủ xếp hạng thấp hơn nhiều ở khu vực, và hệ quả là muốn xếp cao trên BXH của FIFA cũng không được. Ngay cả việc sắp xếp những trận giao hữu với các đại gia cũng không dễ dàng cho các đội mạnh ở châu Á.

Vì thế, việc FA sử dụng bảng xếp hạng của FIFA trong việc yêu cầu cấp phép lao động là sự phân biệt đối xử bất công với những nền bóng đá lớn tại châu Á thuần túy vì lý do địa lý. Nhưng đồng thời, điều đó đồng nghĩa với việc những tài năng sáng giá nhất ở châu Á sẽ chọn Bundesliga làm điểm đến đầu tiên.

Nếu mạng lưới tuyển lựa cầu thủ ở Anh và các quy định của họ đỡ ngặt nghèo hơn, Okazaki đã có thể tới Premier League với giá rẻ như cho, thay vì 8 triệu bảng mà Leicester đã phải chi ra cho Mainz. Tương tự, Spurs đã có thể có Son thẳng từ FC Seoul thay vì phải qua tay Bayer Leverkusen và giờ cái giá đã là 22 triệu bảng.

Đáng nói hơn, tổn thất của Premier League không chỉ là về chất lượng và sự đa dạng của giải đấu, mà còn cả về mặt tài chính, khi Đông Á đang dần trở thành thị trường quan trọng nhất của giải đấu. Trong khi không chắc ĐT Anh sẽ mạnh hơn nhờ những quy định ngặt nghèo của FA, cơ hội cho những ngôi sao châu Á đích thực như Son đang ngày càng ít ỏi tại giải Ngoại hạng.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm