Tân HLV Man City: Chờ đợi gì ở Mancini?

22/12/2009 09:53 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Roberto Mancini là một nhân vật bóng đá đặc biệt, lớn lên là một kỳ tài, đá trận đầu tiên ở Serie A năm 16 tuổi và tiếp tục chơi mọi trận trong mùa giải đó. Có lẽ chính vì vậy mà một năm sau, ông bỏ qua những quyền lực lớn của bóng đá Ý để gia nhập Sampdoria lúc đó đang lên như diều. Trong 8 năm, Mancini cùng Gianluca Vialli tạo thành bộ đôi sát thủ vô địch Serie A năm 1991, Cúp C2 năm 1990 và vào đến trận chung kết Cúp C1 ở Wembley gặp Barcelona của Johan Cruyff năm 1992.

Mancini ở lại Samdoria trong 15 mùa giải, cả sau khi CLB bắt đầu tuột dốc và ra đi năm 1997 để đầu quân cho Sven-Goran Eriksson tại Lazio, nơi ông giành được một chức vô địch Serie A nữa. Trong mùa giải cuối cùng, ông đóng vai trợ lý không chính thức cho HLV người Thụy Điển và khi Eriksson nhận công việc ở ĐT Anh, Mancini chuyển đến chơi cho Leicester, đội bóng cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ của ông.

Thách thức lớn đang chờ Mancini phía trước

Mancini chỉ ở Anh một tháng vì tháng 2/2001, Fiorentina mời ông trở lại Ý làm HLV. Mancini đưa đội bóng áo tím đến chiến thắng ở Cúp quốc gia Ý vài tháng sau đó, nhưng rời CLB bị khủng hoảng nợ nần vào tháng 1 năm sau khi những ông chủ của Fiorentina bán đi hầu hết các cầu thủ trong đội hình một, bao gồm Manuel Rui Costa và Francesco Toldo. Ông chuyển đến Lazio, một CLB khác cũng đang gặp rắc rối với tiền bạc và mặc dù phải chia tay với những ngôi sao như Hernan Crespo và Alessandro Nesta, Mancini vẫn có thể tự hào với công việc của mình, xếp hạng 4 và 6 ở Serie A, đồng thời giành thêm một cúp quốc gia nữa.

Thành quả đó giúp ông được chuyển đến Inter Milan, nơi cuối cùng Mancini cũng được mua sắm theo ý muốn và được giải tỏa khỏi chuyện tiền bạc. Inter kết thúc thứ 3 ở mùa đầu tiên và giành cúp quốc gia. Năm thứ 2 của Mancini, họ xếp thứ 2 và lại giành cúp quốc gia, giữa tin tức dồn dập về vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử bóng đá Ý: Calciopoli khi hàng loạt CLB, bao gồm cả Juventus và AC Milan, bị buộc tội gian lận và mua chuộc trọng tài. Inter được trao danh hiệu vô địch mùa giải 2005-2006 khi Juventus bị giáng xuống Serie B dù đã xếp thứ nhất mùa đó, “chức vô địch” đầu tiên của đội bóng sọc xanh đen kể từ năm 1989. Mancini giành thêm ba chức vô địch nữa và ra đi vào tháng 5/2008 khi cả hai bên không còn mặn mà với nhau.

Bối cảnh của cuộc chia tay đó là mối quan hệ lạnh nhạt giữa ông và các quan chức khác của đội bóng. Trong khi rất được các cầu thủ quý mến, Mancini không thể hòa hợp với Franco Combi, bác sĩ của đội bóng và Marco Branca, giám đốc thể thao, một đồng đội cũ của ông tại Sampdoria. Inter bắt đầu thương lượng với Jose Mourinho vào tháng 12/2007 và khi Mancini phát hiện ra, mọi chuyện đổ vỡ hoàn toàn. Khi bị sa thải, ông là HLV được trả lương cao nhất trên thế giới, vào khoảng 9,3 triệu bảng mỗi năm. Hai bên đã phải thương lượng với nhau 15 tháng liền đến khi Inter nhất trí khoản bồi thường cuối cùng cho ông vào tháng 10.

Vết đen Champions League

Những người chỉ trích Mancini thường có khuynh hướng trích dẫn thành tích của Inter ở đấu trường châu Âu, dù đó có vẻ là một đánh giá không thật sự công bằng. Trên thực tế, tân HLV của Manchester City từng dẫn dắt Lazio vào bán kết Cúp UEFA mùa giải 2002-2003 (và bị Porto của Mourinho loại). Trong hai mùa đầu tiên, ông cũng đã đưa Inter vào tứ kết Champions League, trước khi bị AC Milan và Villarreal loại.

Là một người miệng lưỡi sắc bén, Mancini chưa bao giờ để giới truyền thông bắt nạt, ông cũng không ngại đấu võ mồm với các HLV khác, kể cả những bậc tiền bối như Fabio Capello. Những người không ưa Mancini thậm chí còn cho rằng thành tích 3 chức vô địch Serie A của ông chẳng mấy ý nghĩa, bởi lẽ “danh hiệu đầu tiên là trên trời rơi xuống, chức vô địch thứ hai đến khi Juventus chơi ở Serie B, còn Mian bị trừ điểm và trong mùa thứ ba, ông ấy phải lật ngược tình thế trong ngày cuối cùng để vô địch”. Tuy nhiên, dẫu thế nào, Mancini đã làm được điều mà 15 HLV trước đó không làm được ở nửa xanh đen của San Siro. Ngoài ra, cũng không ai dám nghi ngờ rằng các đội bóng của Mancini luôn chơi thứ bóng đá tấn công hấp dẫn và hiện đại.

Với nhiều người, ông là cầu thủ Ý thuộc loại xuất sắc nhất thế hệ của mình, thậm chí có thời gian Mancini còn được đánh giá cao hơn Gianfranco Zola và Roberto Baggio. Là một sự kết hợp giữa cá tính mạnh mẽ và lòng trung thành với đội bóng, việc chấp nhận gắn bó trong suốt thời kỳ đẹp nhất với một đội bóng không phải là đại gia như Sampdoria có lẽ đã ngăn ông có một sự nghiệp quốc tế vĩ đại. Giờ đã là HLV, những phẩm chất tương tự sẽ là cần thiết để Mancini thành công tại một đội bóng đang muốn trở thành vĩ đại: Man City.

Mancini đã được tuyển dụng 3 tuần trước

Manchester City đã hoãn công bố quyết định sa thải HLV Mark Hughes 3 tuần để giúp Roberto Mancini có một khởi đầu dễ dàng hơn tại Eastlands.

Đội bóng áo xanh, hiện đang xếp thứ 6 trên bảng xếp hạng và mới thua 2 trận kể từ đầu mùa, chỉ công bố sa thải Hughes sau chiến thắng 4-3 trên sân nhà trước Sunderland, dù họ đã đạt được thỏa thuận về hợp đồng ba năm rưỡi với Mancini từ ngày 2/12, khi Man City đánh bại Arsenal ở Cúp Carling. Lý do là bởi ban lãnh đạo CLB không muốn HLV mới phải ra mắt bằng những trận đấu khó nhằn như các đối thủ Chelsea, Bolton và Tottenham. Điều đó cũng góp phần giải thích cho việc Man City công bố việc bổ nhiệm Mancini gần như ngay lập tức sau khi có tin tức Hughes đã bị sa thải.

Mancini, có thể nhận mức lương 10 triệu bảng cho bản hợp đồng 3 năm rưỡi ở Man City, sẽ bắt đầu với các trận gặp Stoke, Wolves, rồi sau đó là Middlesbrough ở Cúp FA. HLV 45 tuổi người Ý là một người bạn của Chủ tịch Man City Khaldoon Al Mubarak và đã có cuộc họp báo ra mắt CLB ngày hôm qua. Đồng đội cũ của Mancini ở Sampdoria, David Platt, có thể sẽ được mời đến làm trợ lý cho ông. Ngoài ra, HLV thể lực cũ của Inter Ivan Carminati và trợ lý của Man Cini Fausto Salsano, nhiều khả năng cũng sẽ sớm có mặt tại Anh.

Thế giới quyền lực ở Man City

1. Sheikh Mansour

Một số người có thể tự hỏi tại sao Mansour có thể chi ra 750 triệu bảng cho một CLB trong năm qua mà không xem một trận chính thức nào. Điều đó cho thấy gia đình hoàng gia ở Abu Dhabi có thể giàu đến mức nào và Man City rõ ràng chỉ là một phần nhỏ trong đế chế của họ. “Giống như là mua lon Coca-Cola mà không thèm uống thử vậy”, một cựu nhân viên Man City nói. Mansour có lẽ là nhân vật chính đã thuyết phục được Roberto Mancini thay thế Mark Hughes.

2. Khaldoon al-Mubarak

Mansour có vẻ phân hầu hết quyền ở Man City cho al-Mubarak, một người bạn thân được bổ nhiệm là chủ tịch CLB sau khi nó được mua lại vào tháng 9 năm ngoái. Một doanh nhân thông minh và rất có tên tuổi, al-Mubarak được giáo dục ở Mỹ và lấy bằng cử nhân kinh tế tài chính ở đại học Tufts, Boston, cũng là nhân vật quan trọng trong việc bổ nhiệm Mancini.

3. Garry Cook

Giám đốc điều hành và là ngươi chịu trách nhiệm chính về chiến lược kinh doanh của CLB. Quan hệ của ông với Hughes đổ vỡ do những tranh cãi trên thị trường chuyển nhượng và những va chạm giữa các nhân vật cấp dưới.

4.Brian Marwood

Cựu tiền vệ của Arsenal và ĐT Anh. Marwood đến Man City từ tháng 3 để làm giám đốc bóng đá theod dề nghị của Cook. Ông theo dõi việc thương lượng các vụ chuyển nhượng và dù Hughes là người có tiếng nói cuối cùng trong vấn đề nhân sự, Marwood vẫn có ảnh hưởng lớn, một phần nhờ Cook.

5. Roberto Mancini

Là một người bạn của al-Mubarak, Mancini ăn tối với chủ tịch CLB ở London ngày 30-11 và ba ngày sau ông được bổ nhiệm, dù quyết định được che giấu cho tới khi tin tức về việc sa thải Hughes được công khai. Hấp dẫn và có quan hệ rộng, HLV người Ý từng được ca ngợi nhờ thành công với ngân sách khiêm tốn ở Fiorentina và Lazio. Ông cũng giành ba chức vô địch Serie A liên tiếp cùng Inter Milan.

 
 
Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm