Kiếm tiền từ trẻ em, Premier League bị chỉ trích

23/12/2014 13:54 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Wayne Rooney từng tự hào ra sân với tư cách là mascot của Everton. Từ động lực ban đầu đó, anh trở thành một siêu sao bóng đá hàng đầu nước Anh.

Thời gian đổi thay nhiều thứ. Bây giờ, chẳng phải mascot nhí nào cũng nắm tay cầu thủ trong nghi lễ đầu trận với niềm tự hào như Rooney năm xưa. Bởi để có được vinh dự đó, cha mẹ của chúng phải bỏ ra không ít tiền.

Giấc mơ mascot

Chẳng biết từ bao giờ, mascot xuất hiện như một phần không thể thiếu trong các trận cầu ở Anh. Trước trận, khi có tín hiệu từ trọng tài, cầu thủ của 2 đội bước ra khỏi đường hầm, dắt theo những cô bé, cậu bé. Những mascot nhí đó được kỳ vọng sẽ đem lại may mắn cho đội bóng của họ và là cầu nối giữa CLB với cộng đồng.

Công việc của những mascot nhí khá đơn giản. Chúng thường được yêu cầu đến trước trận đấu khoảng 2 giờ đồng hồ, có mặt tại phòng thay đồ của đội bóng để mặc phục trang cần thiết. Khi đội khách tới nơi, mascot hiện diện để thực hiện nghi lễ chào đón. Khoảng 20 phút trước khi bóng lăn, mascot đứng dậy xếp hàng, chờ tiếng chuông báo để cùng cầu thủ ra sân. Mỗi mascot được cầm theo 1 vật dụng bất kỳ để xin chữ ký của cầu thủ chúng yêu mến khi nghi lễ trên sân cỏ đã hoàn thành. Sau đó, chúng trở về đường hầm thay phục trang và trở lại khán đài ở dãy ghế có cha mẹ đang chờ để theo dõi diễn biến trận cầu.

Từ trước tới nay, các CLB thường tổ chức đăng ký chọn mascot (tuổi từ 6-12) trên trang web chính thức, để trao cơ hội cho những CĐV nhí. Một số dịp đặc biệt, CLB chọn mascot là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị tật nguyền... như một hoạt động mang tính xã hội.

Theo thời gian, những mục đích tốt đẹp đó phai mờ. Năm 2011, ba CLB Bolton Wanderers, Oldham Athletic, Stockport County thậm chí còn lên trang web footymascot.com để đấu giá suất mascot cho các trận đấu của họ. Mức giá rơi từ 99 bảng-250 bảng Anh tùy vào tính hấp dẫn của trận cầu.

Tiền bạc & lòng trung thành

Dần dần, hình thức kinh doanh mascot trở nên phổ biến với cả những CLB giàu có tại Premier League. Cuộc điều tra mới nhất của tờ The Guardian khiến cả nước Anh sửng sốt khi phát hiện hơn một nửa số CLB tại giải đấu hàng đầu này đã thu tới 450 bảng cho vị trí mascot.

Trung bình, gói mascot của Tottenham là 250-400 bảng, tại Crystal Palace là 150-425 bảng, Stoke City là 330-390 bảng. Đắt đỏ nhất là West Ham với gói mascot lên tới 600 bảng. Mức phí trên được tính bao gồm: giá vé vào trận, áo đấu cho mascot, cơ hội xin chữ ký cầu thủ và cả niềm vinh hạnh được xuất hiện trước hàng nghìn người.

Chỉ có Arsenal, Aston Villa, Chelsea, Everton, Liverpool, Manchester City, Manchester United, Southampton và Sunderland là không thu phí mascot mà trao cơ hội cho CĐV nhí của đội bóng. Tuy nhiên, theo The Guardian, sở dĩ những CLB này không chọn mascot làm hình thức kinh doanh vì đã có sự đảm bảo từ nhà tài trợ. Nghĩa là mascot ở các trận cầu của đội bóng này có sự can thiệp của nhà tài trợ mỗi khi họ cần. Điển hình là trường hợp của Man United.

Tháng 8 vừa qua, "Quỷ đỏ" đã để nhà tài trợ Chevrolet tự chọn đội ngũ mascot gồm 11 em bé tới từ nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm quảng bá thương hiệu cho hãng xe Mỹ.

Một làn sóng chỉ trích đã nổ ra khi báo chí Anh đăng tải thông tin này. Họ cho rằng việc thu phí mascot là hành động mang tính phân biệt của các đội bóng. Với mức phí cao, chỉ có trẻ em nhà điều kiện mới có cơ hội tiếp cận các thần tượng, còn với trẻ em nhà nghèo, giấc mơ mãi xa vời.

Các hội CĐV của những CLB coi thu phí mascot là hành động "tàn ác" bởi nó kinh doanh dựa trên khát khao của con trẻ. Đại diện của hội CĐV Tottenham cho biết mức giá quá cao so với tình yêu của họ đối với CLB. Và nếu các CLB không có động thái giảm giá gói mascot, họ sẽ có tiền nhưng mất đi niềm tin và sự trung thành từ CĐV.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm