Góc nhìn: Man United khó lòng mua trung vệ giỏi

05/08/2015 19:19 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Mats Hummels từ chối thẳng thừng Man United, Sergio Ramos “lật kèo” để ở lại Real Madrid, trong khi thương vụ Otamendi đang đi vào ngõ cụt. Tại sao một loạt các trung vệ giỏi đều quay lưng với Quỷ đỏ?

1. Lần gần nhất, Man United mua được một trung vệ thực sự chất lượng là tháng 1/2006, khi họ chi 7 triệu bảng để mang về Nemanja Vidic, và tuyển thủ Serbia này đã cống hiến những năm tháng đẹp nhất trong màu áo đỏ. Chính vì rất yên tâm với bộ đôi chắc chắn và giàu kinh nghiệm là Ferdinand-Vidic mà trong gần một thập kỷ qua, Man United hiếm khi mua trung vệ. Chính xác là đội chủ sân Old Trafford chỉ mang về Chris Smalling (năm 2010) và Phil Jones (2011), với hy vọng những cầu thủ măng non này sẽ là nền tảng cho tương lai. Nhưng họ đã chững lại, phần vì năng lực hạn chế, phần vì không được sử dụng ổn định ở một vị trí.

Về số lượng, Man United hiện không thiếu trung vệ. Đếm sơ sơ, họ có 6 người, chưa kể Daley Blind có thể được rút về trung tâm hàng phòng ngự. Thật dễ nhận thấy, họ đều thừa sức mạnh, nhưng thiếu sự khôn ngoan tỉnh táo và không ai mang tư chất thủ lĩnh cả. Những Sergio Ramos, Mats Hummels và Otamendi từng được Van Gaal nhắm đến, nhưng đến giờ, vẫn chưa có thương vụ nào tiến triển, nếu không muốn nói đã tắt ngấm.

Vì sao những thương vụ này đi vào ngõ cụt? Nếu như vụ Ramos là một kịch bản tài tình của trung vệ người Tây Ban Nha để được Real gia hạn và tăng lương, thì vụ Hummels là do Man United chần chừ trong việc đề nghị chính thức (họ lo ngại tiền sử chấn thương của anh?). Còn Otamendi? Chính vì cố hy vọng vào Ramos mà Man United ngần ngừ với trung vệ người Argentina.

2. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất khiến các trung vệ ngôi sao ngần ngại tới Man United chính là HLV Louis van Gaal. Họ lo ngại tương lai của mình sẽ bị đánh bạc bởi những quyết định bảo thủ và đôi khi kỳ cục của chiến lược gia người Hà Lan. Sự bảo thủ ấy càng khiến ông khó làm việc với những ngôi sao lớn.

Vẫn biết Van Gaal là một nhà chiến thuật đại tài, nhưng khai thác sự đa năng của các cầu thủ quá nhiều có thể làm ảnh hưởng đến thành tích. Ông đưa một hậu vệ trái về và giao cho anh đá trung vệ (Marcos Rojo), đưa một hậu vệ trái khác về và bắt anh đá tiền vệ phòng ngự (Daley Blind), ông cũng kéo những tiền vệ cánh về đá hậu vệ biên (Ashley Young, Valencia). Mùa trước, sau chưa đầy 3 tháng đầu tiên, ông dùng tới… 10 cặp trung vệ, trong đó đá chung với nhau nhiều nhất là McNair và Rojo với chỉ… 180 phút.

Cựu danh thủ Man United Rio Ferdinand khẳng định rằng vấn đề lớn nhất của Van Gaal chính là ông không có cơ hội chứng kiến một cặp trung vệ nào đá cùng nhau khoảng 12 đến 15 trận, vì thế càng khó đánh giá khả năng kết nối giữa họ. Rio đã đánh giá dựa trên thực tiễn của chính anh trong những năm tháng khoác áo Man United, khi kết hợp tuyệt vời cùng Nemanja Vidic.

3. Tất nhiên, một đội bóng vô địch không nhất thiết phải có một hàng thủ vững chắc. Trong mùa giải gần nhất vô địch Premier League (2012-13), Man United là đội bóng thủng lưới nhiều nhất trong Top 4 với 43 bàn, nhiều hơn hẳn Man City (34), Arsenal (37) và Chelsea (39). Nhưng bù lại, họ sở hữu hàng công mạnh nhất với 86 bàn, bỏ xa đội thứ nhì Man City đến… 20 bàn.

Đó là một toan tính hẳn hoi của Sir Alex, ở mùa giải cuối cùng dẫn dắt Man United. Không thể trông mong vào hàng phòng ngự khi Vidic chấn thương nặng, nghỉ gần hết lượt đi, còn Rio Ferdinand đã có tuổi. Sir Alex chi 24 triệu bảng để mang về Vua phá lưới mùa trước Robin van Persie để lấy công bù thủ. Và đó là quyết định hoàn toàn chính xác. Van Persie đã ghi 26 bàn thắng, góp công cực lớn giúp Man United đòi lại chức vô địch từ tay Man City.

Van Gaal có thể làm được như Sir Alex?

Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm