GÓC CHIẾN THUẬT Liverpool 2-2 Arsenal: Sáng chế tiềm năng của Brendan Rodgers

22/12/2014 06:36 GMT+7 | Liverpool

(Thethaovanhoa.vn) - Một thắng trước đối thủ nhỏ, một thua trước đối thủ lớn, và giờ là một trận hòa. Sơ đồ mới của đội chủ sân Anfield đã vận hành ra sao?

Trận cầu đinh trên sân Anfield thuộc khuôn khổ vòng 17 Premier League 2014-15 giữa Liverpool và Arsenal đã kết thúc với tỉ số hòa 2-2, trong đó bàn thắng ấn định một điểm cho mỗi đội chỉ được ghi bởi Martin Skrtel trong những phút cuối cùng.

Công bằng mà nói, thầy trò Brendan Rodgers đã có một ngày thi đấu vượt trội so với đối thủ, dù tuyến phòng ngự vẫn tồn tại những lỗ hổng như thể hiện trong hai bàn thua. Quan trọng hơn, dường như cuối cùng họ cũng đã tìm được một lối đá mượt mà, nhuần nhuyễn và phù hợp, thay vì chật vật như từ đầu mùa giải tới nay.

3-4-3 “siêu dị” của Rodgers

Lối đá ấy được đặt trên nền tảng sơ đồ 3-4-3 tương đối lạ lẫm với giải Ngoại Hạng Anh. Sơ đồ này đã được Rodgers bắt đầu thử nghiệm từ trận thua 3-0 trước Manchester United một tuần trước, tiếp tục kéo sang trận thắng 3-0 trước Bournemouth hồi giữa tuần.


3-4-3 lạ lẫm đối đầu với 4-1-4-1 (4-3-3) quen thuộc của Arsenal.

Đó là phần “xác”, còn về phần “hồn”, Liverpool thường chủ động truy cản những phương án phân phối bóng của đối thủ mỗi khi thủ môn cầm bóng trên tay, hạn chế tối đa việc để đối thủ chủ động tổ chức thế trận. Cách làm này tương đối phù hợp với bộ ba Raheem Sterling – Philippe Coutinho – Adam Lallana, vốn có nền tảng thể lực rất tốt.

Tuy nhiên, khi trường hợp thủ môn cầm bóng không diễn ra, Liverpool thường lùi sâu về sân nhà. Đó chính là điểm thay đổi đầu tiên so với lối chơi dâng cao hàng thủ ở mùa giải trước, trong sơ đồ 4-4-2 kim cương. Hai cầu thủ chạy cánh là Lazar Markovic (trái) và Jordan Henderson (phải) sẽ lùi về đảm nhận kèm cặp các cầu thủ chạy cánh của đối thủ, trong khi đó Coutinho và Lallana cũng lùi về ngang cặp tiền vệ trụ Steven Gerrard – Lucas Leiva và tham gia tranh chấp.


Có 4 cầu thủ Liverpool ở trong vòng cấm trong tình huống Giroud ghi bàn cho Arsenal

Như vậy, khi phòng thủ, Liverpool thi đấu với một hình dạng gần giống như 5-4-1, tức có tới 9 cầu thủ phòng ngự trước khung thành của thủ môn Brad Jones.

Nhìn chung, việc phòng ngự với số đông như vậy cũng đã phần nào khỏa lấp những lỗ hổng thường thấy của Liverpool khi cố gắng níu kéo cách chơi của mùa giải trước (phòng thủ bằng cách áp sát từ xa nên đẩy cao đội hình).

Những mắt xích chất lượng

Gần 100 phút bóng đá trên sân Anfield vừa qua có thể coi như khoảng thời gian sáng sủa nhất của hàng phòng thủ Liverpool kể từ đầu mùa giải tới nay, và góp công trong đó có 2 trường hợp tương đối đặc biệt.

Trường hợp đầu tiên là Lucas Leiva, tiền vệ phòng ngự người Brazil. Là một công thần được yêu mến bởi các CĐV, nhưng trong hệ thống đòi hỏi sự nhanh nhẹn và đa năng của Rodgers ở mùa giải trước, anh đã mất chỗ đứng vào tay Jordan Henderson hay Joe Allen. Tuy nhiên khi Rodgers quay về với việc lựa chọn một cặp tiền vệ cơ bản hơn, Lucas chính là cái tên trội nhất so với các đồng đội cùng vị trí, xét trên khía cạnh phòng ngự.


Lucas càn quét rất máu lửa

Không còn là một anh chàng từng bắt chết David Silva năm 2011, nhưng Lucas vẫn có càn quét rất máu lửa. Anh đã thực hiện 10 lần vào bóng trong trận này, và dù tỉ lệ thành công “chỉ” là 30% thì ở những khu vực quan trọng trên sân nhà, trước mặt các trung vệ, Lucas đã đảm bảo sự chắc chắn. Khó có cái tên nào bảo vệ được Gerrard tốt hơn cầu thủ người Brazil ở thời điểm này.


Máy quét Lucas đã có một ngày hoạt động hiệu quả.

Cái tên thứ hai đáng nhắc tới là Mamadou Sakho, cầu thủ mới trở lại sau chấn thương dai dẳng. Khi sử dụng sơ đồ 3 trung vệ, một vấn đề to lớn mà Liverpool mắc phải chính là vị trí hậu vệ lệch biên. Theo phân tích của 2 cựu danh thủ Jamie Carragher và Gary Neville trên Sky Sports, đây là một vị trí đòi hỏi rất nhiều, từ khả năng tranh chấp một chọi một, chuyền bóng, cho tới cảm quan vị trí.

Ở yếu tố thứ ba nói trên, Lovren gần như không có chút nào và khiến Liverpool nhiều lần thua đau, ví dụ trong trận gặp Manchester City hay chính trận gặp Manchester United tuần trước.

Sakho lại là một cái tên đảm bảo được điều này. Bằng chứng không nằm ở những con số ấn tượng như 3 lần tắc bóng thành công (tỷ lệ 100%), 2 lần cắt đường chuyền, chiến thắng 4/5 lần tranh chấp bóng bổng, mà nằm ở khu vực mà những pha bóng này diễn ra.


Mamadou Sakho bọc lót hiệu quả hơn rất nhiều cho cầu thủ chạy cánh, so với Lovren.

Cazorla “gánh” đội

Điểm nhấn trong bàn thắng thứ hai của Arsenal chính là pha băng lên thông minh để chuyền bóng đầy nhạy cảm, giúp Olivier Giroud lập công của Santi Cazorla (dù không phủ nhận rằng Liverpool đã thua quá dễ trong một pha bóng bị phản công nhanh). Vấn đề ở chỗ, Cazorla lại không thể thường xuyên có mặt ở phía trên để thực hiện công việc kiến tạo này.


Cazorla thường xuyên lùi về hỗ trợ

Việc Liverpool thường xuyên tấn công vào hai bên hông của tiền vệ thủ Mathieu Flamini buộc Cazorla phải lùi về hỗ trợ thường xuyên. Anh đã thực hiện rất tuyệt điều này khi liên tục tranh chấp hiệu quả trước hàng hậu vệ.


Cazorla hỗ trợ đầy hiệu quả cho phòng thủ.

Tuy nhiên, chính gánh nặng này đã khiến anh phải lùi quá sâu khỏi vị trí thuận lợi để nhanh chóng tham gia tấn công.

Điều này cũng phần nào lý giải vì sao Liverpool lại tấn công hiệu quả hơn hẳn ở cánh trái trong hiệp một. Lazar Markovic đã hỗ trợ rất tốt cho bộ ba tuyến trên trong việc khai thác hông phải của Flamini, khu vực mà cả Welbeck lẫn Oxlade-Chamberlain đều không giúp đỡ tuyến dưới một cách hiệu quả như Cazorla bên đối diện.


9 cơ hội đã được Liverpool tạo ra vào khu-vực-không-Cazorla, 4 trong đó từ Markovic

Đó cũng là lý do khiến Arsenal tấn công bế tắc trong hiệp một. Bộ ba phía trên đã có một ngày thi đấu đáng thất vọng khi chỉ đạt tỉ lệ chuyền chính xác là 66%, còn 2 cơ hội tạo ra cho nhau cũng không trở thành bàn thắng.


Giroud – Sanchez – Welbeck đã chuyền hỏng rất nhiều trong thời gian trên sân.

Những thay đổi cuối trận

Việc để thua một bàn bất ngờ đã buộc HLV Brendan Rodgers phải có những thay đổi. Fabio Borini vào sân đá cắm, Raheem Sterling được đẩy sang cánh trái, vào vị trí của Lazar Markovic (rời sân). Lựa chọn này phát huy hiệu quả gần như ngay lập tức với sự máu lửa của Borini. Bản thân Sterling cũng phô diễn khả năng tốt hơn so với việc phải đá cao nhất.

Khi Rickie Lambert vào sân thay Kolo Toure, Liverpool bổ sung thêm một người vào vòng cấm đối thủ, gần như chỉ chơi với 2 hậu vệ bởi cả Sterling và Henderson đều dâng rất cao (lùi như hai hậu vệ biên khi phải phòng thủ). Thẻ đỏ cho Borini gần như không ảnh hưởng quá nhiều đến cách sắp xếp này.

Trong khi đó, những cái tên được HLV Arsene Wenger đưa vào sân nhìn chung không để lại ấn tượng nào. Sau khi Borini nhận thẻ đỏ, Nacho Monreal vào thay Alexis Sanchez và Arsenal chơi với 5 hậu vệ.

Kết luận

Cả hai đội vẫn phơi bày nhiều yếu kém ở khâu phòng thủ, đặc biệt trong các tình huống cố định. Với Liverpool là dấu hỏi về sự quyết liệt vẫn tương đối yếu kém khi tranh chấp bóng bổng. Với Arsenal là sự kém hiệu quả (như thường lệ) của cách sắp xếp phòng thủ phạt góc theo khu vực (thay vì kèm người). Hình ảnh đội trưởng Per Mertesacker né bóng khi Skrtel gỡ hòa là đặc biệt bạc nhược.

Liverpool xứng đáng có nhiều hơn một điểm, nhưng điều họ cần nhất không phải là chiến thắng đó, mà là duy trì được sự tiến bộ của một tuần vừa qua, trong sơ đồ 3-4-3 và lối chơi mới.

Dũng Lê

*Số liệu được cung cấp bởi Squawka

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm