Cúp Liên đoàn Anh: Vườn ươm mầm non

26/09/2014 18:56 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - “Chúng tôi đang giết chết các cầu thủ!”, Pep Guardiola tỏ ra bức xúc trong buổi họp báo trước trận gặp Paderbon vào đêm thứ Ba vừa qua. “Chúng tôi đang đòi hỏi quá nhiều ở họ. Các cầu thủ cần thời gian để nghỉ ngơi.”

Đó không phải lần đầu tiên nhà cầm quân người Tây Ban Nha căng thẳng với việc phải chơi 3 trận trong 7 ngày. Từ khi còn dẫn dắt Barcelona, ông đã có những phàn nàn tương tự. Lắng nghe những lời ấy của Guardiola, hẳn các HLV trên đất Anh sẽ... cười khẩy. Họ thậm chí còn phải thi đấu nhiều đấu trường hơn nữa.

Nhiều cúp như người Anh

Thật vậy, ở xứ sở sương mù, có tới gần 5.300 CLB là thành viên của Liên Đoàn Bóng đá Anh (FA). Để phục vụ cho nhu cầu chơi bóng của hàng nghìn đội bóng, FA buộc phải tạo ra một hệ thống giải đấu cúp nhằm mục tiêu giúp các CLB thuộc các cấp giải khác nhau được giao lưu với nhau nhiều hơn. Có tổng cộng 6 Cúp tại xứ sở sương mù: FA Cup (từ giải hạng 1, tức Premier League, đến giải hạng 10), League Cup (từ hạng 1 đến hạng 4), League Trophy (từ hạng 3 đến hạng 4 hoặc 5), FA Trophy (từ hạng 5 đến hạng 8), FA Vase (từ hạng 9 đến hạng 11) và FA Inter-League Cup (hạng 11).

Cụ thể hơn, một đội bóng nằm trong Top 6 Premier League sẽ phải dàn sức ở 4 đấu trường khác nhau, gồm Premier League, FA Cup, League Cup và một giải châu Âu (Europa League hoặc Champions League). Chưa kể rằng, giả sử nếu vô địch Champions League, sẽ có thêm một giải Vô địch thế giới cấp CLB nằm trong lịch thi đấu. Ngoài các cúp châu Âu và Premier League, luôn có một sức ép nhất định từ cổ động viên bản địa về thành tích của đội tại FA Cup. Còn như tại Tây Ban Nha hay Đức, đội bóng của Pep Guardiola và các CLB khác chỉ phải chơi ở 3 giải khác nhau mà thôi.

Tóm lại, chính điều này đã khiến cho các CLB tại Anh buộc phải tìm cách để đảm bảo lực lượng ở các đấu trường chính. Đấu trường phụ như League Cup trở thành nơi để các cầu thủ dự bị và đặc biệt là các cầu thủ trẻ thể hiện mình.

Nơi khởi đầu của những sự nghiệp lẫy lừng

Với những CLB như Manchester United, Arsenal hay Liverpool, việc đưa những cái tên vô danh vào đội hình ra sân tại League Cup không còn là điều lạ lẫm. Chất lượng của lò đào tạo trẻ cùng nhu cầu ra sân của chính các tài năng này đã dẫn đến điều đó. Đây cũng là câu chuyện của những đội bóng giàu truyền thống “ươm mầm” như West Ham, Southampton...

Giữa tuần qua, đã có không ít cái tên mới mẻ tạo ra dấu ấn tại League Cup. Jordan Rossiter ghi bàn ngay trong ngày ra mắt Liverpool. Sullay Kaikai tỏa sáng dù không thể giúp Crystal Palace đi tiếp. Jose Angel Pozo gợi tới hình ảnh đàn anh đồng hương David Silva trong màn ra mắt Manchester City. Kurt Zouma ghi bàn để thể hiện mình là một “Marcel Desailly mới” cho Chelsea.

Hãy nhớ đến những cái tên ấy, bởi trong quá khứ, đã có rất nhiều danh thủ bóng đá Anh cũng đặt dấu ấn đầu tiên tại League Cup. John Terry năm 1998, Ashley Cole năm 1999, Robbie Fowler năm 1993, Cesc Fabregas năm 2003, Paul Scholes năm 1994... đều trở thành những trụ cột của CLB và ĐTQG trong tương lai, sau khi ra mắt đội bóng tại League Cup.

“Khi HLV quay về phía tôi và nói ‘Thay đồ đi con trai, con sẽ vào sân’, tôi đã sung sướng đến mức bật dậy ngay lập tức khỏi ghế ngồi, đập đầu vào trần khu kỹ thuật”, David Beckham nhớ lại giây phút ra mắt Manchester United năm 1992.

“Tôi nghĩ League Cup rất quan trọng với cầu thủ trẻ”, Robbie Fowler chia sẻ vào năm 2009. “Còn nhớ khi lần đầu được khoác áo Liverpool, tôi đã ghi một bàn khá đẹp (cười). Đó chính là khởi đầu tuyệt vời nhất. Mọi cầu thủ trẻ cần phải tận dụng tối đa cơ hội ra sân tại đấu trường này.”

Sự nghiệp cầu thủ có những cột mốc quan trọng để đi đến đỉnh cao. League Cup, cũng vì thế, vẫn luôn là một trong những bước khởi đầu tốt nhất cho các tài năng trẻ tại Anh.

Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm