Câu chuyện thể thao: Vì sao nước Anh hiếm ' lính lê dương'?

27/06/2015 16:43 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Premier League đang thu hút rất nhiều ngôi sao từ khắp nơi trên thế giới, nhưng các cầu thủ Anh lại tỏ ra vắng bóng ở những đội bóng bên ngoài xứ sở sương mù. Chuyện gì đang diễn ra?

Điều đáng chú ý là sau chức vô địch World Cup 1966 trên sân nhà, thành tích tốt nhất của đội tuyển Anh tại các kỳ World Cup là lọt vào bán kết giải đấu trên đất Italy năm 1990, đúng vào giai đoạn có nhiều cầu thủ xứ sương mù sang thi đấu ở các quốc gia khác.

Nước Anh xuất khẩu cầu thủ quá ít  

Bây giờ thì sao? Không lâu sau khi Micah Richards trải qua một mùa giải không như ý tại Fiorentina, anh đã quay lại nước Anh trong màu áo Aston Villa. Một số nguồn tin tiết lộ Ashley Cole, hậu vệ trái thuộc biên chế Roma, cũng đang tính đường trở về.

Cả hai cầu thủ này đều đã có vinh quang ở Premier League cũng như kinh nghiệm trong màu áo đội tuyển Anh. Họ đến nước Ý mùa Hè năm ngoái với hành trang là sự lạc quan, bầu nhiệt huyết, danh tiếng và không một chút sợ hãi nào, trong bối cảnh các cầu thủ Anh thường lựa chọn sự thoải mái ở quê nhà thay vì tìm thách thức ở những giải đấu khác.

Việc nước Anh không thường xuyên xuất khẩu các tài năng đến giải đấu khác vừa tạo ra một nét đặc trưng, đồng thời gây ra không ít vấn đề. Đúng là Steven Gerrard và Frank Lampard sắp được trải nghiệm ở giải nhà nghề Mỹ (MLS). Nhưng người ta vẫn phải nói tới việc thiếu vắng một gương mặt người Anh tại một đội bóng ưu tú nào đó của châu Âu trong những năm gần đây. Đã hơn một thập kỉ từ thời điểm Real Madrid chiêu mộ những Steve McManaman, David Beckham hay Michael Owen.

Điều ấy có trở thành vấn đề nghiêm trọng? Premier League đang trở thành giải đấu kiếm bộn tiền và danh tiếng ngày một mở rộng, nhưng nó có phải là yếu tố quan trọng để một cầu thủ Anh chọn nơi thi đấu và sinh sống? Để làm rõ vấn đề, hãy nhìn vào những nhà vô địch các kỳ World Cup, với trường hợp của Brazil và Pháp.

Tấm gương từ Brazil & Pháp

HLV Carlos Alberto Parreira, người từng đưa Brazil lên ngôi ở World Cup 1994 cũng như dẫn dắt đội bóng này trong ba giai đoạn khác nhau, nói rằng tác động của việc các cầu thủ Brazil chơi bóng ở nước ngoài là rất rõ ràng. Nói về chức vô địch 8 năm sau đó, Parreira tin rằng ý thức chiến thuật mà các cầu thủ Brazil lĩnh hội từ bóng đá châu Âu là chìa khóa cho thành công. Với việc Ronaldo lúc ấy khoác áo Inter Milan, Rivaldo ở Barcelona và Ronaldinho ở PSG, kinh nghiệm tại cấp độ CLB cùng những phẩm chất vốn có giúp họ thể hiện được tài năng của mình tại sân chơi World Cup.

Còn với đội tuyển Pháp, thông điệp tương tự cũng được phát ra từ Aime Jacquet, người có công mang về chức vô địch ở World Cup 1998 ngay trên sân nhà. Rất nhiều những cầu thủ trụ cột của đội bóng áo lam ngày đó thi đấu bên ngoài nước Pháp như Zinedine Zidane, Didier Deschamps và Marcel Desailly ở Serie A, Bixente Lizarazu khoác áo Bayern Munich, Patrick Vieira chơi cho Arsenal hay Christian Karembeu là người của Real Madrid. Kinh nghiệm họ mang lại cho đội tuyển Pháp là vô cùng quan trọng.

Phần lớn những đội tuyển có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng FIFA đều không thiếu tài năng chinh chiến ở nước ngoài. Như trường hợp của các đội tuyển Argentina và Bỉ, giải VĐQG của họ không thể đem đến thu nhập xứng đáng so với những ông lớn ở châu Âu. Điều này khiến nhu cầu xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài là không thể tránh khỏi. Nhìn vào lần triệu tập gần nhất, Argentina có tới 21 cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài, còn con số này với Bỉ là 18.

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh (FA) Greg Dyke đang muốn tăng số cầu thủ tự đào tạo ở Premier League từ 8 lên 12. Đó là ý tưởng không tồi, nhưng việc khuyến khích các cầu thủ người Anh thách thức bản thân tại một môi trường mới cũng quan trọng chẳng kém, nếu muốn nâng tính cạnh tranh của đội tuyển ở các sân chơi lớn.

1990 Kể từ năm 1966, thành tích tốt nhất của tuyển Anh ở World Cup là lọt vào bán kết năm 1990, thời điểm có nhiều cầu thủ Anh ra nước ngoài thi đấu.

4 Real Madrid là điểm đến ưa thích nhất của các cầu thủ Anh, với 4 gương mặt gồm Beckham, McManaman, Owen và Woodgate.

0 Trong lần triệu tập gần nhất của đội tuyển Anh cho vòng loại EURO 2016, không một cầu thủ Anh nào chơi bóng ở nước ngoài.

Chris Waddle: “Cầu thủ Anh nên ra nước ngoài”

Việc chơi bóng ở nước ngoài không chỉ giúp các cầu thủ được trải nghiệm nền bóng đá có trình độ cao hơn, mà còn phát triển năng lực cá nhân để vượt qua những thách thức khi phải sống xa nhà. Chris Waddle, người từng khoác áo Marseille từ 1989 đến 1992, cho rằng việc thi đấu ở nước ngoài là điều cần thiết. Ông nói rằng các cầu thủ trẻ ở Premier League nếu phải tìm cơ hội dưới dạng cho mượn nên thử sức ở Hà Lan, Đức, Pháp hay bất cứ quốc gia nào khác để khám phá một cách chơi bóng khác, cũng như học hỏi một chút cho bản thân.

Đáng chú ý, cùng thời với Waddle, những gương mặt khác của tuyển Anh ở World Cup 1990 như Gary Lineker, Paul Gascoigne hay David Platt cũng đều chơi bóng tại các giải đấu khác của châu Âu.


Đức Hùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm