Bình luận Nam Khang: Thành công

23/04/2014 08:32 GMT+7 | Chelsea

(Thethaovanhoa.vn) - Chelsea đã thành công trong mọi ý đồ của họ ở trận bán kết lượt đi Champions League với Atletico Madrid tại sân Vicente Calderon. Kết quả hòa 0-0 có nghĩa là cánh cửa vào chung kết đã mở rộng hơn cho “The Blues” trước trận lượt về trên sân nhà.

Ý đồ chơi phòng thủ đã được HLV Jose Mourinho thể hiện rất rõ trong việc bố trí đội hình xuất phát khi ông sử dụng sơ đồ 4-3-3 với 8 cầu thủ phòng ngự hoặc có khuynh hướng phòng ngự. Thậm chí kể cả khi phải điều chỉnh hàng thủ do sự vắng mặt của hậu vệ phải Branislav Ivanovic (bị treo giò) rồi thủ môn Petr Cech (18’) và trung vệ John Terry (73’) phải lần lượt rời sân vì chấn thương thì mọi chuyện vẫn ổn thỏa.

Ở đây, cái hay của HLV Mourinho là ông đã buộc Atletico phải từ bỏ sở trường (phòng ngự phản công) để chuyển sang sở đoản (tấn công) mà điều đó càng khiến “Los Rojiblancos” không còn là chính mình. Thế nên, dù nắm đến 62% thời gian kiểm soát bóng, thực hiện 46 đợt tấn công nguy hiểm và tung ra 27 cú dứt điểm thì Atletico cũng chẳng thể tìm được dù chỉ là một bàn thắng.



Atletico Madrid (phải) hoàn toàn bất lực trước hệ thống phòng ngự vững vàng của Chelsea

Rõ ràng khi Chelsea không chơi tấn công thì Atletico sẽ không có cơ hội để phản công. Thậm chí cả những đợt phản công có kiểm soát của “The Blues” cũng khiến “Los Rojiblancos” không có điều kiện để làm điều đó. Phản công có kiểm soát nghĩa là Chelsea chỉ tung ra những đường chuyền dài lên cho tiền đạo mũi nhọn Fernando Torres đơn độc tác chiến hoặc cùng lắm cũng chỉ có từ 3 đến 4 cầu thủ tham gia phản công mà không hề có bóng dáng của các hậu vệ cánh.

Qua đó, có thể thấy Chelsea không cố gắng tìm kiếm bàn thắng bằng mọi giá mà mục tiêu chính của họ là giữ nguyên vẹn mành lưới nhà. Do vậy, cách chơi phản công có kiểm soát đã giúp hàng phòng ngự của họ giữ vững được thế trận khiến Atletico hầu như không có không gian để tung ra những đợt phản công nhanh khi giành lại được bóng.

Quả thật, hàng phòng ngự của Chelsea đã bóp nghẹt mọi không gian bằng số đông, bằng lối chơi lăn xả và bọc lót cho nhau rất tốt. Một khi không có không gian để phản công, Atletico buộc phải cầm bóng để tổ chức tấn công mà điều đó lại vô tình giúp cho hàng phòng thủ Chelsea dễ thở hơn. Vì sao?

Ai cũng thấy hàng phòng ngự của “The Blues” được tổ chức rất tốt và các cầu thủ tuyệt đối tuân thủ kỷ luật chiến thuật. Nhờ vậy, họ không hề phạm lỗi vị trí dù Chelsea chơi khá hẹp trong phòng ngự. Hẹp có nghĩa là họ chủ yếu tập trung nhân lực ở trung lộ để bịt kín mọi ngả đường trực tiếp dẫn vào khung thành của thủ môn Mark Schwarzer.

Chính vì vậy, Atletico buộc lòng phải triển khai tấn công trên diện rộng để từ hai cánh tạt bóng bổng vào khu vực 16m50 của Chelsea. Nói rằng Atletico phải làm như vậy là đúng theo ý đồ của Chelsea thì hơi quá nhưng rõ ràng “hệ thống phòng không” của “The Blues” hoạt động rất hiệu quả, đẩy lùi mọi vật thể có ý định xâm phạm bầu trời của họ. Tất nhiên, cũng có những lúc Atletico vượt qua được lưới lửa nhưng hoặc là họ không ở vào tình thế thuận lợi để thực hiện cú đánh đầu hoặc nếu thuận lợi thì những cú đánh đầu lại thiếu chính xác hoặc quá hiền. Nói chung, họ chẳng thể đe dọa được khung thành của thủ môn Schwarzer, kể cả trong những tình huống cố định.        

Cũng có không ít lần Atletico phải tung ra những cú sút tầm xa để hy vọng giải tỏa được thế bế tắc nhưng cũng không thành công. Một là không làm khó được thủ môn Schwarzer, hai là bóng đi chệch mục tiêu và ba là không xuyên qua nổi rừng chân của các cầu thủ Chelsea.

Việc bất lực trong nhiệm vụ săn tìm bàn thắng cho thấy khi buộc phải chơi tấn công, Atletico không quá đáng sợ như khi họ thực hành lối chơi phòng ngự phản công. Vậy thì Chelsea đã hoàn toàn thành công trong việc ép Atletico phải dùng đến sở đoản để giúp họ có được một kết quả thuận lợi.  

Nam Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm