“Chào hàng” tàu vũ trụ mới thay thế tàu con thoi

15/07/2011 11:16 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Khi chương trình tàu vũ trụ con thoi của Mỹ đang tiến dần tới thời điểm khép lại 30 năm hoạt động huy hoàng, đó cũng là lúc các công ty tư nhân bắt đầu tăng tốc trong cuộc đua để trở thành người chiến thắng, nắm quyền cung cấp một con tàu vũ trụ mới cho các chương trình đưa người lên quỹ đạo thấp của Trái đất.

Ngày 13/7, Công ty Space Exploration Technologies, còn được biết tới với tên SpaceX, đã làm lễ động thổ một bãi phóng mới cho quả tên lửa đẩy khổng lồ của họ.

SpaceX tăng tốc

Lâu nay, SpaceX đã đầu tư 30 triệu USD để nâng cấp một bãi phóng gọi là Tổ hợp phóng tàu không gian 4 nằm ở căn cứ không quân Vandenberg, tiểu bang California. Bãi phóng này sẽ là nơi chứa loại tên lửa đẩy hạng nặng Falcon Heavy của công ty và họ nói rằng nó sẽ mạnh hơn bất kỳ loại tên lửa đẩy nào đang nằm trong kho của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Tên lửa Falcon Heavy cao 69,2m nặng 1.400 tấn, có 27 động cơ đẩy Merlin do SpaceX nghiên cứu chế tạo, tức nhiều hơn 3 lần tên lửa đẩy Falcon 9, một đứa con khác của công ty.

Khi chưa một con tàu vũ trụ tư nhân nào được đánh giá là có đủ sự tin cậy,
các phi hành gia Mỹ vẫn sẽ phải đi ké tàu Soyuz của Nga

Tên lửa này có khả năng mang các kiện hàng nặng tới 53 tấn lên quỹ đạo Trái đất, nhiều hơn gấp đôi khả năng mang vác của tên lửa Delta 4, hiện là loại tên lửa mạnh nhất đang được sử dụng cho các nhiệm vụ không gian ở Mỹ. Nó cũng sẽ là quả tên lửa mạnh nhất kể từ thời NASA giới thiệu mẫu Saturn V đã đưa tàu Apollo lên mặt trăng.

Kế hoạch của SpaceX là đưa Falcon Heavy tới Vandenberg vào cuối năm 2012 và nó sẽ sớm có chuyến bay “khai trương” sau đó. Trước đó một năm, công ty cũng đã phóng Falcon 9 và tàu vũ trụ Dragon do họ nghiên cứu vào quỹ đạo Trái đất. Tuy SpaceX không nói ra, nhưng việc họ đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu chế tạo và đưa Falcon Heavy vào hoạt động, trong bối cảnh chỉ vài ngày nữa chương trình tàu con thoi của Mỹ sẽ nghỉ hưu, là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ muốn chứng tỏ ưu thế so với các đối thủ còn lại, trong cuộc đua để tạo ra một tàu vũ trụ có thể giúp NASA đưa phi hành gia và hàng hóa lên quỹ đạo Trái đất, với đích đến cụ thể là trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Kỳ phùng địch thủ

NASA hiện cũng đang đặt rất nhiều hy vọng vào các công ty như SpaceX. “Chúng tôi đang chuyển giao 50 năm kinh nghiệm chinh phục không gian từ NASA sang lĩnh vực tư nhân” - Phil McAlister, quyền giám đốc bộ phận phát triển các chuyến bay vũ trụ thương mại của NASA nói - “Chúng tôi mang tới những nguồn lực về mặt tài chính để đầu tư vào lĩnh vực này và chúng tôi cũng giúp đỡ họ về mặt kỹ thuật”.

Đầu năm nay, NASA đã phân phối gần 270 triệu USD cho 4 công ty gồm Boeing, SpaceX, Sierra Nevada và Blue Origin để họ tăng tốc việc phát triển tàu vũ trụ thế hệ mới. Đề nghị ngân sách của Tổng thống Barack Obama cho năm tài khóa 2012 cũng bao gồm khoản tiền 850 triệu USD cho các nỗ lực lương tự và đây là năm thứ 3 Mỹ cấp vốn cho các công ty tư nhân trong việc chế tạo tàu vũ trụ.

McAlister nói rằng 4 công ty trên được chọn vì họ đã có những mô hình nghiên cứu phát triển tên lửa đẩy và tàu vũ trụ khả thi.

Đơn cử như Công ty Boeing hiện đang thiết kế tàu vũ trụ mang tên CTS-100 với khả năng đưa 7 phi hành gia lên trạm không gian. Khoản tiền hỗ trợ 92,3 triệu USD của NASA sẽ giúp Boeing hoàn thiện bản thiết kế sơ bộ CTS-100.

Mô hình tàu vũ trụ Dream Chaser của hãng Sierra Nevada

Trong khi đó Sierra Nevada Corporation đã nhận được sự hỗ trợ tài chính đáng kể của chương trình Commercial Crew Development (CCDev) thuộc NASA và sẽ nhận thêm 140 triệu USD nữa để phát triển con tàu vũ trụ Dream Chaser. Về cơ bản Dream Chaser có hình dáng giống như một phiên bản thu nhỏ của tàu con thoi và nó được thiết kế dựa chủ yếu vào mẫu HL-20, một tàu con thoi thử nghiệm đã được NASA phác thảo hồi đầu những năm 1980.

Trong khi đó, công ty Blue Origin do nhà sáng lập trang web Amazon.com, Jeff Bezos làm chủ đã có nhiều hoạt động nghiên cứu bí mật liên quan đến không gian và được tài trợ số vốn 35 triệu USD để hoàn thành hệ thống phóng tàu con thoi hình nón.

Sierra Nevada, Boeing và Blue Origin đều nghĩ đến việc sử dụng tên lửa đẩy Atlas 5 của châu Âu để đưa tàu chở người của họ vào không gian. Duy chỉ có SpaceX là tự sản xuất ra tên lửa đẩy của riêng họ.

Vẫn chịu cảnh “đi ké”

Hiện cả Boeing, SpaceX và Sierra Nevada đều có kế hoạch cụ thể trong việc đưa các con tàu vũ trụ của họ đi vào hoạt động. “Chúng tôi đã lên chương trình cho tàu bay thử vào năm 2014 và sẽ có thể chở người lên vũ trụ vào năm 2015” - John Elbon, Phó Chủ tịch Boeing phụ trách nghiên cứu tàu vũ trụ của Boeing nói. SpaceX cũng nói rằng họ sẽ đưa người đầu tiên lên vũ trụ vào năm 2014 còn Sierra Nevada tuyên bố họ sẽ cho tàu vũ trụ của mình bay lên khu vực dưới của quỹ đạo trái đất vào năm 2013 và chính thức đi vào quỹ đạo trong năm 2014.

Lãnh đạo Boeing không nói rõ chi phí để tổ chức một chuyến bay đưa người vào vũ trụ sẽ tiêu tốn hết bao nhiêu tiền, nhưng khẳng định sẽ rẻ hơn nhiều con số 51 triệu USD mà Mỹ phải bỏ ra cho mỗi suất đi ké lên vũ trụ trên tàu Soyuz của Nga. SpaceX thì khẳng định mức giá của họ rất rẻ, chỉ 20 triệu USD/người và tàu Dragon có thể mang được tối đa 4 người.

Song tất cả những điều trên hiện mới chỉ là kế hoạch. Thời gian tới, chắc chắn các phi hành gia của NASA sẽ phải dần làm quen với cảnh chui vào không gian chật chội trong các tàu Soyuz để lên trạm vũ trụ quốc tế. Nhưng đó không phải là điều tồi tệ duy nhất. Mỗi năm sẽ chỉ có từ 3-4 phi hành gia Mỹ được lên ISS, so với mức trung bình 22 người mỗi năm khi còn tàu con thoi. Các phi hành gia Mỹ cũng phải mất 2 năm được huấn luyện đặc biệt về tiếng Nga và kỹ thuật của người Nga trước khi được xem xét cho lên tàu Soyuz. Và mỗi chuyến đi của họ lên ISS sẽ kéo dài tới 6 tháng, thay vì chỉ khoảng 2 tuần như thời còn tàu con thoi.

Đó là chưa kể tới việc phí thuê chỗ trên tàu Soyuz sẽ không đứng yên một chỗ. Được biết từ năm 2013, Mỹ sẽ phải chi tới 55,9 triệu USD cho một chỗ trên Soyuz và tới năm 2014, con số này sẽ tăng vọt lên 62,7 triệu USD. Đó sẽ là những gánh nặng tài chính lớn và người Mỹ chỉ gỡ bỏ được nó một khi lĩnh vực nghiên cứu tàu vũ trụ tư nhân cho ra đời sản phẩm hoàn chỉnh, đáng tin cậy.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm